Những hình phạt nghiêm khắc này không chỉ cụ thể hóa quyết tâm lớn của Đảng và Nhà nước trong cuộc chiến chống tham nhũng mà còn là bài học có tác dụng cảnh báo, răn đe những kẻ có ý đồ lợi dụng chức vụ quyền hạn nhằm vun vén lợi ích cá nhân. Tuy nhiên, qua các vụ án tham nhũng đã bị xử lý cũng khiến dư luận đặt câu hỏi như số tiền bị chiếm đoạt sẽ được thu hồi bằng cách nào, việc thu hồi liệu còn gặp những khó khăn gì...?
Liên tiếp trong 2 năm 2016-2017 nhiều vụ án tham ô, tham nhũng đã bị phát hiện và xử lý như vụ Trịnh Xuân Thanh, kẻ cơ hội chính trị leo cao luồn sâu gây thiệt hại cho Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) gần 3.300 tỷ đồng; Hà Văn Thắm khiến ngân hàng Đại Dương lao đao với con số thiệt hại 2.000 tỷ đồng; Phạm Công Danh gây thiệt hại cho Ngân hàng xây dựng VNCB 9.000 tỷ đồng... Kèm theo đó là những bản án nghiêm khắc đã được tuyên và công việc tiếp theo của cơ quan chức năng sẽ phải làm là tiến hành thu hồi những tài sản tham ô, tham nhũng tránh gây thất thoát cho tài sản của Nhà nước.
Nhìn nhận về thực trạng thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam, nhiều chuyên gia đã cho rằng, bên cạnh tỷ lệ các vụ án tham nhũng được phát hiện đưa ra xét xử, so với thực tiễn thì tỷ lệ tài sản tham nhũng thu hồi được quá thấp. Bởi trong năm 2016, nhiều vụ án tham nhũng đã được xử lý, tuy nhiên, việc thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đạt 38,3%.
Lý giải về những nguyên nhân khiến việc thu hồi gặp nhiều khó khăn, các chuyên gia về luật đã chỉ ra những điểm còn hạn chế, bất cập, và nhiều lỗ hổng trong hệ thống pháp luật hiện nay. Chẳng hạn, trong Bộ luật hình sự còn thiếu những tội phạm mà trong đó tham nhũng ẩn nấp như tội làm giàu bất chính, tội nhận quà biếu có giá trị lớn hay thiếu những giải pháp cho phép truy tìm tài sản tham nhũng, nhất là tài sản ở người thứ ba...
Để thu hồi tài sản tham nhũng, Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành quy định: Tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu, người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật. Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, quy trình xử lý tham nhũng hiện trải qua nhiều bước, thời gian xử lý nhiều khi bị kéo dài nên dẫn đến tình trạng tẩu tán tài sản.
Theo nhiều chuyên gia về luật, việc thu hồi tài sản do tham nhũng thấp hơn nhiều so với số tài sản bị đánh cắp là một trong những hạn chế lớn trong luật và cả công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay. Những hạn chế đó cần được khắc phục trong Luật Phòng, chống tham nhũng sửa sắp tới đây.
Liên tiếp các vụ án về tham nhũng, tiêu cực cùng hàng loạt cán bộ từ cấp thấp đến cấp cao, đã bị xử lý... cho thấy quyết tâm lớn của Đảng trong cuộc chiến với tham nhũng. Tới đây khi Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi sẽ được thông qua được kỳ vọng sẽ giúp “bịt” các lỗ hổng về luật và ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn tham nhũng đang bức xúc hiện nay.