Ngày 2/6, hơn 900.000 thí sinh (TS) cả nước đã hoàn thành ngày thi đầu tiên kỳ thi THPT. Hai Phiếm hớn hở:
- Năm nay thi tốt nghiệp THPT, chắc không thể có nhiều điểm Văn - Sử khá và giỏi cao chót vót như mọi năm!
- Hả? Các cháu ít điểm khá và giỏi mà bác lại hớn hở thế kia?
- Là vì các loại “văn mẫu” đã thành vô tác dụng! Văn chương mà cứ học thuộc lòng những bài mẫu rồi viết ra thì còn ra cái gì...
- Năm nay thì sao?
- Đề thi đổi mới, mang hơi thở thời đại. Nội dung giáo dục tinh thần yêu nước và đánh thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân cho học sinh! Chủ quyền biển, đảo được đưa vào cả 2 đề thi môn ngữ văn và lịch sử.
- Tuyệt! Lâu lắm ngành GD-ĐT mới được dân khen!
- Ở phần đọc hiểu, đề thi yêu cầu viết một đoạn văn ngắn bày tỏ thái độ về sự kiện Trung Quốc ngang nhiên xâm nhập và hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
- Đúng là đề văn thể hiện được tiêu chí đổi mới, cách đặt vấn đề rõ ràng, không đánh đố. Phần đọc hiểu kiểm tra được việc nắm bắt vấn đề thời cuộc; kiểm tra được khả năng nhận biết, thông hiểu và vận dụng kiến thức của thí sinh.
- Có thế này mới không học tủ, học vẹt! Văn chương là giáo dục con người, đề thi gắn với thời sự biển đảo lúc này là gắn được văn học với đời sống, học đi đôi với hành. Thi văn đánh thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của người công dân đối với đất nước! Khá... khá... khá...!
- Còn môn sử có câu 3 yêu cầu TS có những hiểu biết về tình hình thời sự: “Tại sao Liên hợp quốc xác định một trong những nguyên tắc hoạt động là giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình? Từ nguyên tắc này, hãy liên hệ với việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam hiện nay” cũng gắn liền với tình hình thực tế đất nước. Đó là việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép.
- Chả biết các cháu đạt điểm mấy nhưng tôi cho điểm cao tới bộ phận ra đề thi!
Cả Nghĩ