Sau sự việc gây chấn động dư luận ở chùa Bồ Đề (Hà Nội) khi Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội khởi tố hai đối tượng về tội buôn bán trẻ em, dư luận cũng như những nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện đều rất quan tâm đến số phận của 106 trẻ em đang được nuôi dưỡng tại đây sẽ ra sao khi các em đang sống ở nơi không còn được coi là an toàn. Trẻ em bị bỏ rơi là đối tượng cần được bảo vệ khẩn cấp, mục tiêu chăm sóc số trẻ này ở các cơ sở xã hội hóa thì yếu tố quan trọng hàng đầu phải là an toàn. Vậy, cách tốt nhất cho trẻ ở đây giải quyết như thế nào?
Chính quyền không quản lý được
Sau sự việc chấn động xảy ra, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Sở LĐTB&XH, UBND quận Long Biên đang tiến hành thanh tra toàn diện tại Khu chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ bỏ rơi ở chùa Bồ Đề. Việc kiểm tra toàn diện dù muộn nhưng cũng là một tín hiệu vui đối với số phận các cháu đang sống ở đây.
Nuôi dưỡng trẻ mồ côi là một việc làm nhân đạo. Trong khi các em bị chính cha mẹ ruột bỏ rơi thì các cá nhân, tổ chức, cơ sở tôn giáo đã dang rộng vòng tay cưu mang, nuôi dưỡng các em. Nhưng Nhà nước không cho phép bất cứ cá nhân, cơ sở nuôi dưỡng nào được lợi dụng việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi vì mục đích thương mại, đặc biệt lợi dụng việc làm nhân đạo để phát sinh tội phạm liên quan đến trẻ em. Dù là ai, cơ sở nào nuôi dưỡng đi nữa thì theo ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐTB & XH, tiêu chí quan trọng nhất là trẻ bị bỏ rơi phải được nuôi dưỡng ở nơi bảo đảm an toàn, thứ hai là các cháu phải được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục và học tập tốt, đảm bảo các quyền của trẻ em theo Công ước Quyền trẻ em.
Vậy, 106 trẻ bị bỏ rơi đang sống trong chùa Bồ Đề liệu có an toàn? Điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu có đảm bảo theo đúng quy định, bảo đảm được các quyền của trẻ em? Trong buổi làm việc với phóng viên Báo CAND vào ngày 22/7, ông Nguyễn Hữu Lâm, Phó Chủ tịch UBND phường Bồ Đề cho biết, hằng năm UBND phường đều lập hồ sơ đưa trẻ ở chùa Bồ Đề vào trung tâm bảo trợ xã hội, nhất là những cháu có yêu cầu điều kiện chăm sóc đặc biệt như bại não, thiểu năng… Tuy nhiên, số trẻ đã được đưa vào trung tâm mà ông Lâm đưa ra lại quá ít, nhất là những cháu phải chăm sóc theo dạng đặc biệt vẫn sinh sống ở chùa còn nhiều. Thương tâm nhất là trường hợp một bé gái 3 tuổi bị bệnh li thượng bì bóng nước.
Ông Lâm khẳng định, trẻ em sống tại chùa Bồ Đề 6 tuổi trở lên đều được bố trí đi học tiểu học, trẻ ở tuổi mầm non thì đi học mầm non, trẻ từ 0 đến 6 tuổi đều được hưởng bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, khi làm việc với Bệnh viện Nhi TW, chúng tôi nhận được thông tin trái chiều.
Bệnh viện Nhi TW là nơi thường xuyên tiếp nhận khám và điều trị cho trẻ em bị bệnh ở chùa Bồ Đề đưa sang. Trong đó, có một số trẻ mà bệnh viện phải rất vất vả khi làm các thủ tục thanh toán viện phí cho các cháu vì không có giấy khai sinh, không có thẻ bảo hiểm y tế. Gần đây nhất là trường hợp của cháu Cù Tuấn Anh, 4 tuổi vào điều trị bệnh sởi tại Khoa Truyền nhiễm II, ra viện ngày 23/7, không có giấy khai sinh, phải thanh toán 100% viện phí. Hay như cháu Trần Tuấn Anh, vào điều trị tại Khoa Truyền nhiễm II từ tháng 7/2013, ra viện ngày 15/8/2013 nhưng đến nay (gần 1 năm) nhà chùa cũng chưa đóng viện phí cho cháu dù bệnh viện nhiều lần liên hệ thúc giục.
Theo Điều dưỡng trưởng Khoa Truyền nhiễm II Đỗ Thị Thúy Hậu thì người đưa 2 cháu bị sởi ở chùa Bồ Đề sang viện gần đây nhất là các bạn tình nguyện viên. “Thấy các cháu sốt cao, các bạn sốt ruột quá mới xin phép nhà chùa cho vào viện khám. Hai cháu bị nặng nên phải nhập viện điều trị. Các bạn ấy cũng là người thanh toán viện phí”, chị Hậu cho biết.
So sánh cách chăm sóc bệnh nhi giữa chùa Bồ Đề và Trung tâm bảo trợ xã hội của Nhà nước, chị Hậu cho biết, cơ sở của Nhà nước luôn cử nhân viên y tế đi cùng bệnh nhi và chăm sóc đúng chuyên môn, thanh toán viện phí kịp thời. Trong khi đó, chùa Bồ Đề là nơi nuôi dưỡng các cháu thì rất hay chậm nộp viện phí. Nếu đã nhận cưu mang trẻ bị bỏ rơi, trẻ bất hạnh thì phải đảm bảo cho các cháu các yêu cầu tối thiểu và chịu trách nhiệm về các chi phí phát sinh trong cuộc sống.
Cần sớm áp dụng hình thức chăm sóc thay thế
Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Tô Đức cho biết, sau khi xảy ra sự việc ở chùa Bồ Đề, Bộ LĐTB & XH đã chỉ đạo Sở LĐTB & XH khẩn trương thành lập Đoàn kiểm tra, phối hợp với UBND quận Long Biên xác minh làm rõ biện pháp khắc phục, chấn chỉnh việc nuôi dưỡng, chăm sóc số trẻ mồ côi ở chùa Bồ Đề.
“An toàn là tiêu chí hàng đầu với trẻ bỏ rơi được nuôi dưỡng ở các cơ sở xã hội hóa, nhưng hiện nay chùa Bồ Đề đã mất an toàn, nên biện pháp trước mắt là chuyển các cháu vào trung tâm bảo trợ xã hội. Đoàn kiểm tra sẽ sàng lọc, phân loại các cháu. Đối với các cháu có thông tin về người thân thì phải tìm kiếm, xác minh nguồn gốc gia đình để tìm người thân cho các cháu để đưa về với gia đình. Thứ nữa là tìm kiếm nguồn nuôi dưỡng thay thế như cho con nuôi để các cháu được sống và hòa nhập trong môi trường cộng đồng, môi trường gia đình thì mới phát triển toàn diện”, ông Đức nhấn mạnh.
Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng đưa trẻ vào cơ sở nuôi dưỡng hợp pháp, có đầy đủ điều kiện chăm sóc, giáo dục, không nên để những đứa trẻ bất hạnh bị thiệt thòi lâu hơn nữa
Theo Công an nhân dân