Rối loạn tâm thần vì áp lực phải sinh bằng được con trai
Chị H., quê ở một vùng nông thôn, đến khám bệnh cùng con gái với lý do vì mất ngủ, mệt mỏi, buồn chán. Cô con gái kể: Mẹ cháu bị bệnh từ nhiều tháng nay rồi, nhưng một tuần nay bệnh nặng lên, mẹ cứ đi hết nhà người này đến nhà người khác, không muốn về nhà mình…
Khi tôi hỏi thế bố cháu đâu, sao không đưa đưa mẹ cháu đi khám? Nước mắt chị cứ chảy ròng...
Còn cô con gái giãi bày: Mẹ cháu đẻ hai chị em cháu là gái, bố cháu đã bỏ đi từ nhiều năm nay. Lúc bố cháu bỏ đi thì mẹ cháu đang mang thai em trai mà bố cháu không biết.
Sau khi bố cháu đi có lấy một người khác và có đẻ được một em trai, ở cách nhà cháu 3km thôi nhưng cũng không quan tâm gì đến mẹ cháu và chúng cháu cả. Mẹ cháu bệnh từ đó đến nay, nhưng gần đây bệnh nặng hơn.
Cũng cùng lý do vì chồng muốn sinh con trai để nối dõi tổ tiên, chồng chị M. cũng đã bỏ đi với người khác để mong rằng mình sẽ có được cậu con trai. Mẹ con chị đã phải đi thuê nhà ở, để lại căn nhà nơi chị và các con đã ở bao nhiêu năm cho bố. Chị đã mạnh mẽ vượt qua được điều đó nhưng con gái chị, một cô bé xinh xắn, đang là sinh viên đại học năm thứ nhất đã không vượt qua được sự tủi thân, đau khổ, có lúc không muốn sống. Chị đã phải đưa con đi khám vì căn bệnh trầm cảm.
Đó chỉ là hai trong những trường hợp có những rối loạn tâm thần liên quan đến việc không đẻ được con trai, chồng bỏ đi với người khác. Mặc dù chúng ta đã có nhiều tuyên truyền, vận động, giải thích nhưng tư tưởng trọng nam hơn nữ vẫn còn nặng nề và phổ biến từ nông thôn đến thành phố.
Nhiều hệ lụy khi chỉ chăm chú đến sinh và coi trọng con trai
Việc tìm mọi cách để có được con trai khiến gia đình không còn được vẹn toàn, nhiều mâu thuẫn căng thẳng xảy ra, đặc biệt với người phụ nữ được cho là "không biết đẻ con trai" sẽ chịu nhiều áp lực về tinh thần cũng như về kinh tế, sẽ gặp phải những căn bệnh như trầm cảm, lo âu, stress…
Những trẻ gái trong gia đình có ông bố tìm mọi cách sinh được con trai cũng chịu những tác động tiêu cực về tâm lý do có những cách ứng xử không công bằng hoặc bất công với con gái, dẫn đến tổn thương về tâm lý.
Có những gia đình chỉ sinh con gái, dù người chồng không cố tìm mọi cách sinh con trai nhưng người phụ nữ "không biết đẻ" vẫn phải chịu sự chỉ trích của nhà chồng, của mẹ chồng, và luôn canh cánh tìm mọi cách giữ chồng. Điều này cũng dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Những ông chồng vì lý do nào đó chưa gửi gắm được cậu con trai nối dõi cũng đau khổ và không ít người đã tìm đến với bạn rượu và trở thành những con ma men, nhất là trong những lúc họp họ hàng hay giỗ tết với những câu nói như: Ngồi mâm dưới….
Những quan niệm hủ tục như xuất giá tòng phu đã khiến người phụ nữ gần như phải chăm lo gia đình nhà chồng, có trách nhiệm với gia đình nhà chồng, còn gia đình nhà mình thì không được quan tâm, không được về nhiều.
Những khó khăn về kinh tế khi phải nuôi một số lượng con quá nhiều vì cố đẻ được con trai, có thể lên đến 5, 6 người con, việc nuôi dạy sẽ không đảm bảo về kinh tế cũng như về mặt tinh thần.
Sinh con trai, nhiều gia đình quá chiều chuộng, những trẻ này luôn cho mình là người có quyền được hưởng thụ, mọi người khác phải phục vụ mình, trẻ không biết làm gì, không biết quan tâm chăm sóc người khác.
Kể cả khi lớn lên cũng không biết làm công việc gì, sống vô trách nhiệm với bản thân, với người trong gia đình. Nhiều trẻ sa vào chơi game, đua đòi, tệ nạn xã hội và đến lúc này thì nhiều ông bố bà mẹ lại phải đi khám tâm thần vì lo lắng quá với cậu quý tử của mình.
Những trẻ sinh ra bởi những ông bố bà mẹ cố tìm mọi cách sinh con trai thường là những ông bố bà mẹ đã có tuổi, không ít trường hợp trẻ sinh ra mắc những chứng bệnh như bệnh Down, chậm phát triển trí tuệ hoặc những dị tật bẩm sinh.
Làm thế nào để giảm bớt sự phân biệt đối xử trọng nam hơn nữ?
Trước tiên sự thay đổi này phải bắt đầu từ chính phụ nữ. Những người phụ nữ cần phải chủ động trong cuộc sống của mình về mặt kinh tế cũng như xã hội. Khi phụ nữ chủ động về mọi mặt, không phụ thuộc vào nam giới thì vai trò của họ cũng được khẳng định.
Các bạn nữ, nhất là các bạn trẻ, cần phải học tập, nâng cao trình độ kiến thức và có quan điểm "sống không phụ thuộc", hãy khẳng định mình, xã hội sẽ phải có cái nhìn khác về bạn.
Tạo hóa đã rất công bằng, với tỉ lệ nhiễm sắc thể X:Y là 1:1. Vì vậy tỉ lệ nam và nữ là 1:1. Chúng ta hãy theo những gì tự nhiên, tạo ra sự cân bằng giới tính đảm bảo sự phát triển ổn định của xã hội.
Xã hội cần có những thay đổi về nhận thức, quan niệm về con trai, con gái, có cái nhìn công bằng hơn đối với phụ nữ. Thực tế đã chứng minh rất nhiều gia đình thành đạt, ấm êm nhờ con gái. Nhiều phụ nữ đã chứng tỏ vai trò và vị thế của mình trong xã hội, không hề thua kém nam giới. Xóa bỏ bất bình đẳng giới, đem lại sự công bằng cho phụ nữ, góp phần làm giảm mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức đáng báo động hiện nay ở nước ta.
Xem thêm video đang được quan tâm:
WHO lo sợ biến chủng B11529 mới bùng nổ, vaccine không còn tác dụng?