Theo đó, Thông tư cho phép không giới hạn thành lập trung tâm đăng kiểm, không quy định khoảng cách tối thiểu giữa các trung tâm đăng kiểm. Trước khi xây dựng, thành lập, đơn vị đăng kiểm phải thông báo với Cục Đăng kiểm Việt Nam về vị trí xây dựng, thời gian dự kiến hoàn thành và bắt đầu tham gia hoạt động kiểm định. Trong suốt quá trình hoạt động, đơn vị đăng kiểm phải luôn đảm bảo các điều kiện về nhân lực được quy định tại Nghị định 139/2018.
Về nhân lực, mỗi dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 3 đăng kiểm viên, trong đó có ít nhất một đăng kiểm viên bậc cao; có người phụ trách dây chuyền kiểm định. Mỗi người phụ trách dây chuyền kiểm định chỉ được phụ trách tối đa hai dây chuyền kiểm định.
Thông tư cũng quy định, các trung tâm đăng kiểm phải báo cáo Cục Đăng kiểm Việt Nam khi có thay đổi về số lượng đăng kiểm viên, phụ trách dây chuyền, lãnh đạo đơn vị, thiết bị kiểm định và công bố trên trang điện tử danh sách các đơn vị đăng kiểm được cấp, bị đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động của trung tâm đăng kiểm.
Ảnh minh họa
Điểm đáng chú ý, theo yêu cầu của Thông tư, qua số điện thoại đường dây nóng tại phòng chờ đăng ký thủ tục đăng kiểm, các thông tin: Quy trình kiểm định, mức giá, phí, lệ phí, chu kỳ kiểm định, số điện thoại đường dây nóng của Cục Đăng kiểm Việt Nam, sở GTVT... sẽ được công khai, nhằm hạn chế tuyệt đối tiêu cực xảy ra. Ngoài ra, trong khu vục xưởng kiểm định cũng phải niêm yết thông tin: Nội dung kiểm tra, phương pháp kiểm tra và khiếm khuyết, hư hỏng của phương tiện được kiểm định.
Tại Thông tư 18 còn quy định việc kiểm tra phương tiện phải thông qua 05 công đoạn gồm:
- Công đoạn 1: Lập hồ sơ phương tiện và kiểm tra nhận dạng, tổng quát;
- Công đoạn 2: Kiểm tra phần trên của phương tiện;
- Công đoạn 3: Kiểm tra hiệu quả phanh và trượt ngang;
- Công đoạn 4: Kiểm tra môi trường;
- Công đoạn 5: Kiểm tra phần dưới của phương tiện
Đây là một trong các công việc mà đăng kiểm viên thực tập phải thực hành tại đơn vị đăng kiểm trong thời gian không quá 10 ngày làm việc sau khi hoàn thành tập huấn lý thuyết nghiệp vụ.
Ngoài ra, còn phải thực hành sử dụng thiết bị kiểm tra và các chương trình, phần mềm quản lý kiểm định xe cơ giới.
Trong đó, nội dung thực tập đối với đăng kiểm viên thực tập là tối thiểu 400 xe/mỗi công đoạn của nhiều loại xe khác nhau. Trong đó, mỗi công đoạn thực tập tối thiểu 100 xe tải, 100 xe khách.
Lưu ý: Có thể thực tập nhiều công đoạn trên 01 xe và việc lập hồ sơ phương tiện phải được thực hiện cho 400 xe.
Sau khi thực hành xong, đăng kiểm viên thực tập phải lập báo cáo thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên xe cơ giới theo mẫu quy định. Đây là căn cứ để đơn vị đăng kiểm xe cơ giới xác nhận thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên xe cơ giới.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ 5/7/2019 và thay thế Thông tư số 51/2016 ngày 30/12/2016 của Bộ GTVT.