Phải làm gì nếu axit dạ dày thấp?

08-11-2019 08:21 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Hầu như khi bị khó tiêu, ợ hơi, ợ chua và viêm loét dạ dày, chúng ta đều tin rằng đó là do có quá nhiều axit trong dạ dày. Thế nhưng, thực tế ngược lại, nhiều trường hợp là do cơ thể sản xuất thiếu axit dạ dày.

Axit dạ dày (axit clohiddric) là một tác nhân tiêu hóa rất mạnh mẽ và vô cùng quan trọng. Nếu vì một lý do nào đó, cơ thể không sản xuất đủ mức axit trong dạ dày, bạn không thể duy trì tốt hoạt động tiêu hóa và điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.

Dấu hiệu axit dạ dày thấp

Trước khi bắt đầu với các biện pháp khắc phục tại nhà, điều quan trọng là phải xác định bạn thực sự không có đủ axit trong dạ dày. Dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến cho thấy bạn đang lâm vào tình trạng này:

Đầy hơi và ợ hơi, đặc biệt là trong vòng 60 phút sau khi dùng bữa. Do thiếu axit để tiêu hoá, thực phẩm sẽ nằm lâu trong dạ dày, chúng sẽ bắt đầu lên men và sinh hơi dẫn đến cảm giác đầy bụng sau bữa ăn cũng như ợ hơi.

Bị trào ngược axit mà không phải do nhiều axit. Trong trường hợp bình thường, cơ vòng nằm giữa thực quản dạ dày sẽ chỉ mở ra khi thức ăn được nuốt, cho phép thức ăn đi vào dạ dày, nếu không nó sẽ đóng chặt để bảo vệ thực quản. Sự tích tụ khí trong dạ dày có thể gây áp lực lên các cơ vòng và làm nó mở không đúng lúc. Khi đó, axit trào ngược lên thực quản cùng với phần thức ăn chưa tiêu hóa hết.

Phải làm gì nếu axit dạ dày thấp?

Bị hôi miệng, kết quả của quá trình lên men vi khuẩn trong dạ dày.

Đi ngoài phân sống, điều này cho thấy dạ dày không đủ axit để chuyển hóa thức ăn. Khi ăn thịt thường gặp phải các vấn đề tiêu hóa.

Dù no bụng nhưng vẫn thèm ăn. Cảm giác đói đó là vì cơ thể không nhận được chất dinh dưỡng từ những gì bạn đã ăn.

Móng tay yếu, dễ gãy, chủ yếu là do thiếu hụt chất dinh dưỡng, đặc biệt là khoáng chất, protein và B12.

Những ai dễ bị axit dạ dày thấp?

Càng lớn tuổi càng có xu hướng thiếu hụt axit dạ dày. Do đó, người cao tuổi thường bị axit dạ dày thấp.

Các chất như B1, B6 và kẽm là những nguyên liệu cần thiết cho sản xuất axit dạ dày. Cả 3 loại chất dinh dưỡng này thường bị cạn kiệt khi người ta bị căng thẳng kéo dài hoặc do ăn quá nhiều tinh bột tinh chế. Người tuân thủ chế độ ăn chay mà không có sự chủ động bổ sung cũng có nguy cơ thiếu kẽm.

Mất nước mạn tính cũng là yếu tố quan trọng vì nước cần thiết để sản xuất axit clohiddric. Những người theo chế độ ăn ít muối khiến cho cơ thể có thể thiếu natri và clorua, cả hai đều cần thiết để sản xuất axit clohiddric (HCL).

Người có tình trạng viêm dạ dày teo, trong đó, các tế bào dạ dày sản xuất axit bị viêm và teo chắc chắn sẽ làm giảm khả năng của cơ thể sản xuất đủ axit dạ dày.

Các nghiên cứu cũng nhận thấy những người nhóm máu A và AB thường không sản xuất đủ axit dạ dày.

Cách cải thiện axit dạ dày thấp không dùng thuốc

Khi đã xác nhận rằng axit dạ dày thấp, bạn có thể thử một số cách sau để cải thiện các triệu chứng:

Ăn các loại rau chế biến lên men như dưa cải bắp, kim chi. Điều hay nhất là rau lên men giúp điều chỉnh nồng độ axit dạ dày - có nghĩa là chúng có thể tăng nếu nó quá thấp và giảm nếu quá cao. Rau lên men chứa probiotics  giúp ức chế đáng kể H. Pylori. Probiotics cũng giúp sản xuất một số vitamin cho cơ thể chống lại sự thiếu hụt. Muối biển có chứa clorua, là khối xây dựng thiết yếu cho axit dạ dày. Các chỉ số tốt nhất  về lượng muối bạn cần là mức độ thèm nó - nêm muối đến khi cảm giác ngon nhưng không quá mặn.

Tăng cường bổ sung kẽm: Cơ thể cần kẽm để kích hoạt sản xuất axit dạ dày. Có thể bổ sung từ các thực phẩm giàu kẽm như hạt bí ngô, thịt gà, thịt bò, thịt cua, thịt cừu, nghêu, tôm hùm, cá hồi. Các sản phẩm sữa lên men như phô mai, kefir, sữa chua cũng giúp bổ sung kẽm. Bạn cũng có thể lựa chọn lạc, ngũ cốc nguyên hạt, đậu, gạo lức, khoai tây và bánh mì đen. Ngoài ra, cần bổ sung thực phẩm giàu vitamin E, C, B6 và các khoáng chất như magiê để giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ tất cả lượng kẽm qua thực phẩm.

Không ăn trước khi đi ngủ và không bao giờ đi nằm  ngay sau khi ăn bất cứ thứ gì. Không ăn vặt giữa các bữa ăn để cải thiện tiêu hóa.

Tránh uống nước lạnh trong khi ăn: Vì nó làm giảm sản xuất axit dạ dày, làm chậm quá trình tiêu hóa của bạn. Nếu bạn vẫn muốn uống một cái gì đó trong bữa ăn, tốt hơn là chọn nước ấm, chẳng hạn một tách trà gừng, một cốc nước chanh ấm trong bữa ăn để cải thiện việc sản xuất axit dạ dày.

Với những người bị trào ngược axit, việc áp dụng một chế độ ăn low carbohydrate có thể rất hữu ích trong việc kiểm soát các triệu chứng. Cắt bớt lượng carb (đặc biệt là carbs tinh chế) làm giảm  áp lực có thể ảnh hưởng đến cơ vòng dưới thực quản, làm nó mở không đúng lúc và cho phép axit dạ dày trào ngược thực quản.

Nhai thức ăn đúng cách: Tiêu hoá tối ưu đòi hỏi trạng thái tương đối thư giãn, tránh buồn hay phân tâm bởi các hoạt động khác. Ngoài ra, cũng bắt buộc nhai kỹ trước khi nuốt. Dành nhiều thời gian hơn để nhai thức ăn cũng sẽ giúp bạn không ăn quá nhiều và ngăn ngừa các vấn đề khác, chẳng hạn như buồn nôn, ợ nóng và đầy hơi.

Học cách quản lý căng thẳng: Tránh ăn khi bạn thực sự căng thẳng vì khi đó cơ thể sẽ không tạo ra các enzyme tiêu hóa thức ăn dẫn đến đầy hơi và các vấn đề tiêu hóa khác. Hãy thử các bài tập thư giãn, thiền và các cách khác để kiểm soát căng thẳng.

Lời khuyên của thầy thuốc

Với tình trạng axit dạ dày thấp, các chất dinh dưỡng mà bạn ăn sẽ không được hấp thụ. Trong khi đó, mỗi tế bào trong cơ thể của bạn phụ thuộc vào tiêu hóa và hấp thụ các chất dinh dưỡng cần thiết để hoạt động. Do đó, axit dạ dày thấp nếu không kiểm soát và điều chỉnh có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn cho sức khỏe. Giải quyết vấn đề này ở giai đoạn đầu thường dễ dàng hơn so với việc phải đối phó với dị ứng thực phẩm, trào ngược axit, viêm loét, viêm dạ dày... là hậu quả của nó.


BS. Nguyễn Thị Thu Hà
Ý kiến của bạn