Phải làm gì khi bị rắn độc cắn?

29-11-2014 09:58 | Y học 360
google news

Nếu bị rắn độc cắn bệnh nhân cần được sơ cứu ngay trước khi vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện.

Những ngày qua, rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ở nhiều nơi cắn người, nhất ở một số tỉnh miền Trung và miễn Nam. Tại Hà Nội, Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi ngày tiếp nhận 2 bệnh nhân bị rắn cắn trong đó có 1 số trường hợp bị nguy kịch do  rắn lục đuôi đỏ cắn.

Theo TS.BSCKII Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai: “Nhiễm độc do rắn độc cắn là mức độ nguy hiểm xếp hàng thứ 5 trong các ngộ độc được đưa đến TT Chống độc ”. Vì vậy cần có biện pháp phòng, chữa kịp thời các nạn nhân bị rắn độc cắn.

Anh Mai Văn L., 45 tuổi ở Thái Bình, trên đường đi làm về, vừa tới con mương gần nhà bị rắn cạp nia cắn vào chân. Khi đưa vào BV đa khoa Thái Bình, anh L. đã bị khó thở, yếu cơ toàn thân, không nói được… phải đặt ống nội khí quản. Anh L. được chuyển vào Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) ngày 14/11, được điều trị tích cực nhưng đến nay vẫn phải đặt ống nội khí quản vì bệnh viện vẫn chưa có huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu.

Còn trường hợp chị Nguyễn Thị H. 41 tuổi ở Hưng Yên vừa nhập viện cũng bị sụp mi, giãn đồng tử. Mẹ chị cho biết, lúc 3 giờ sáng, trong khi chị Hương đang ngủ trên giường thì bị rắn cắn.

Sáng ra thấy mắt không mở được, chị được đưa đi bệnh viện này ngay. Bs Nguyễn Trung Nguyên cho biết, chị H. bị nhiễm độc do rắn cạp nia cắn. Hiện, các bác sĩ đang theo dõi chặt chẽ các thông số sinh tồn như: nhịp thở, mạch, huyết áp cho chị để sẵn sàng cấp cứu kịp thời cho chị…

Tường hợp của cháu Mai Thanh Tr. 16 tuổi, ở Quảng Ninh lại xảy ra lúc 9 giờ tối ngày 24/11, sau khi Tr. sang nhà hàng xóm về nhà, tự nhiên thấy đau nhói ở ngón chân, về nhà kiểm tra thấy 1 vết như đầu tăm ở ngón út. Thấy em kêu đau, mẹ Tr. liền đưa em đến BV Việt Nam - Thụy Điển, Uông Bí, Quảng Ninh cấp cứu. Bác sĩ đã khám thông báo kết quả cháu nghi bị rắn độc cắn. Cháu Tr. được chuyển ngay đến Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, các bác sĩ khám, xét nghiệm đông máu và kết luận cháu Tr. bị rắn lục cắn. Do cấp cứu kịp thời bằng huyết thanh kháng nọc rắn (HTKNR) lục tinh chế (Loại HTKNR này Việt Nam đã sản xuất được và sử dụng rất hiệu quả) nên cháu Tr. đã qua cơn nguy kịch.

TS.BSCKII Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội khuyến cáo, bệnh nhân bị rắn độc cắn, tuyệt đối không dùng thuốc dân gian mà phải sơ cứu và đưa đến cơ sở y tế gần nhất (Nơi có đội ngũ bác sĩ chuyên môn tốt, có máy thở và có sẵn HTKNR) để chữa trị.

TS. BS Nguyễn Kim Sơn (ảnh: Toàn Văn)
TS. BS Nguyễn Kim Sơn (ảnh: Toàn Văn)

Thưa bác sĩ, làm thế nào để nhận biết rắn độc cắn?

Mỗi loại rắn cắn có đặc điểm khác nhau. Rắn độc thường cắn người rồi nhả ra ngay. Ở Việt Nam có 135 loài rắn, trong đó rắn độc khoảng 32 loài (chiếm 25%). Rắn độc có 2 họ, đó là rắn hổ và rắn lục.

Khi bị rắn độc cắn, bệnh nhân có triệu chứng gì, và mức độ nguy hiểm của từng loại ra sao, thưa bác sĩ?

Khi bị rắn độc cắn thường đau dữ dội và thường để lại dấu vết của răng (móc độc). Nếu bị rắn hổ mang cắn, tại vết cắn thấy đau buốt, nhìn thấy vết răng (1 hoặc 2 vết răng), phù nề xung quanh vết cắn, chảy máu, hoại tử tại chỗ cắn ngay. Rắn hổ chúa cắn nạn nhân rất đau, có phù nề tại chỗ cắn rất dữ dội nhưng không thấy hoại tử, nạn nhân thường bị liệt hô hấp và liệt chi. Bị rắn cạp nia (rắn khúc đen, khúc trắng) cắn thì sụp mi mắt, giãn đồng tử, khó nói, khó thở, liệt hô hấp và liệt chi… Rắn lục cắn, vết cắn bị chảy máu, sưng tấy nhanh, xuất huyết dưới da, chảy máu và có thể xuất huyết não, phù nề, gây rối loạn đông máu và hoại tử, kèm theo chóng mặt, lo lắng, sốc, suy thận cấp do tiêu cơ vân... Rắn biển cắn: các triệu chứng liệt như các loại rắn hổ mang, cạp nong, cạp nia, bệnh nhân bị liệt cơ, tan máu...

Thành phần nọc độc của rắn là các protein dễ gây sốc phản vệ và dẫn đến tử vong cho nạn nhân. Nọc rắn gây tử vong giai đoạn đầu do gây liệt cơ hô hấp, cơ hầu họng, loạn nhịp tim, tụt huyết áp, giai đoạn sau do xuất huyết nặng, suy thận.

Khi bị rắn cắn, bệnh nhân cần phải làm gì?

Nếu bị rắn độc cắn bệnh nhân cần sơ cứu ngay trước khi vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện. Cách sơ cứu nhanh nhất để làm chậm sự hấp thu của nọc độc vào hệ thống tuần hoàn, giúp nạn nhân có đủ thời gian để kịp được vận chuyển đến cơ sở y tế khi chưa có biểu hiện ngộ độc. Không nên ga-rô (buộc quá chặt) mà chỉ băng ép vì độc tố của rắn chỉ theo đường tĩnh mạch và bạch mạch. Cần nhanh chóng vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu bệnh nhân liệt thì khai thông đường hô hấp như hút đờm rãi, hô hấp nhân tạo… Tránh can thiệp vào vết cắn vì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng sự hấp thu nọc và dễ chảy máu thêm.

TS.BS Nguyễn Kim Sơn khám cho bệnh nhân bị rắn lục cắn. (ảnh: Toàn Văn)
TS.BS Nguyễn Kim Sơn khám cho bệnh nhân bị rắn lục cắn. (ảnh: Toàn Văn)

Không ít bệnh nhân dùng biện pháp dân gian để chữa rắn độc cắn, bác sĩ có những khuyến cáo gì với những trường hợp này?

Tuyệt đối không được dùng bài thuốc dân gian. Tuyệt đối không được nặn, trích, rạch, châm, chọc hút nọc độc và chườm đá hoặc đốt, là nóng vết cắn… Tất cả đều vô tác dụng, sẽ làm mất “thời điểm vàng” để cấp cứu kịp thời. Bởi nếu bệnh nhân bị rắn thường cắn, chỉ cần theo dõi mấy tiếng là có thể cho về.

“Thời gian vàng” khi bị rắn lục cắn là 6 tiếng và rắn hổ là 12 - 24 giờ sau khi bị cắn, nếu không cấp cứu kịp thời rất có khả năng sẽ bị hoại tử. Do đó, khi bị rắn độc cắn, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất khám nhanh và hồi sức tích cực, chú ý hồi sức tim mạch, làm các xét nghiệm cần thiết. Đặc biệt cần dùng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu càng sớm càng tốt. Nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể phải thở máy cả tháng, tốn kém hàng trăm triệu. Nếu vết cắn bị hoại tử thì phải cắt lọc hoàn toàn, ghép da, dùng thuốc kháng sinh có hoạt phổ rộng để chống nhiễm khuẩn.

Cảm ơn bác sĩ!

 

 


Ý kiến của bạn