Đây là nhấn mạnh của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tại buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cuối tuần qua nhằm đánh giá tình hình hoạt động, kết quả thực hiện nhiệm vụ của BHXH Việt Nam và công tác phối hợp giữa hai bên trong thời gian tới...
Nhiều tồn tại trong thực hiện chính sách an sinh xã hội: BHXH và BHYT
Theo ông Đỗ Văn Sinh - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, sau 20 năm đổi mới, chính sách BHXH, BHYT đã chứng tỏ tầm quan trọng và trở thành trụ cột, có đóng góp rất lớn cho sự bền vững của hệ thống an sinh xã hội (ASXH) của đất nước. Thời gian qua, đã có thay đổi rõ nét trong nhận thức về ý nghĩa, vai trò, mục đích, quyền và nghĩa vụ đối với BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và một bộ phận người dân. Do vậy, việc chỉ đạo phối hợp, đôn đốc thực hiện chính sách BHXH của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị, xã hội đã có chuyển biến tốt hơn. Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện chính sách BHXH, BHYT thời gian qua còn có một số tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức cần khắc phục.
Đến nay số người tham gia BHXH bắt buộc còn thấp, mới chỉ có 20% lực lượng lao động tham gia BHXH. Tại nhiều địa phương, diện bao phủ BHYT còn thấp so với tỷ lệ chung của cả nước, cá biệt hiện vẫn còn những địa phương, tỷ lệ người tham gia BHYT mới chỉ đạt trên 55% đến dưới 60% dân số của tỉnh, ảnh hưởng đến chính sách đảm bảo ASXH.
Tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH còn phổ biến, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Số nợ đến 31/12/2014 là 7.278,8 tỷ đồng, chiếm 4,09% so với tổng số phải thu; số nợ BHXH, BHYT 6 tháng đầu năm là 10.837,2 tỷ đồng, chiếm 5,79% so với tổng số phải thu, tăng 3.558,4 tỷ đồng so với năm 2014, trong đó có một phần không nhỏ các khoản nợ khó hoặc không có khả năng thu hồi do doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc có chủ bỏ trốn khiến cơ quan BHXH không có cơ sở giải quyết quyền lợi cho người lao động.
Quá trình thực hiện chính sách BHXH vẫn chưa thực hiện đúng nguyên tắc đóng - hưởng làm cho quỹ hưu trí, tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần nếu không có điều chỉnh về chính sách. Tình trạng lạm dụng còn xảy ra ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh và có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến quyền lợi của người khám chữa bệnh BHYT cũng như sự an toàn của Quỹ BHYT.
Bên cạnh đó, hệ thống quản lý BHXH còn hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu phục vụ đối tượng; TTHC trong thu và chi BHXH, BHYT cần tiếp tục rà soát để tạo thuận tiện cho doanh nghiệp và người lao động, nhân dân; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác BHXH còn chậm.
Đẩy mạnh lộ trình tiến tới BHYT toàn dân
Tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, hiện nay, ngành BHXH đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Điều này ảnh hưởng đến sự an toàn của Quỹ BHXH. Quỹ BHXH không ổn định sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh đề nghị, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng như các tổ chức chính trị - xã hội, các bộ ngành ở Trung ương và địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách BHXH, BHYT; tạo điều kiện giúp BHXH Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong đó, MTTQ Việt Nam tổ chức cuộc vận động cấp quốc gia “Toàn dân tham gia BHYT” nhằm đẩy nhanh lộ trình tiến tới BHYT toàn dân.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những đóng góp nỗ lực của BHXH Việt Nam trong việc phát triển BHXH, BHYT, quản lý, đầu tư quỹ chặt chẽ, qua đó góp phần bảo đảm ASXH, tạo nền tảng để Việt Nam có một hệ thống bảo hiểm lành mạnh, ngang bằng với các nước trong khu vực.
Về công tác phối hợp trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị BHXH cùng với MTTQ Việt Nam có chương trình phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHYT nhằm huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, tuyên truyền cho người dân thấy được lợi ích khi tham gia BHXH, BHYT; vận động các tầng lớp nhân dân tham gia đóng BHXH, BHYT; biểu dương các đơn vị, địa phương làm tốt để tăng cường công tác cổ vũ, động viên, phối hợp trong việc phản biện, hoàn thiện, điều chỉnh, bổ sung các chính sách về BHXH và BHYT; phối hợp giám sát và từng bước mở rộng giám sát đóng BHXH trong các doanh nghiệp, góp phần hình thành các chính sách mới có liên quan đến BHXH.
Nhân dịp này, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã giao BHXH Việt Nam trước 15/9 hoàn thành báo cáo chuyên đề “Những nguy cơ tác động tiêu cực tới quỹ lương hưu và bài học cho Việt Nam”.
Đối với đề xuất của BHXH Việt Nam mong muốn MTTQ tổ chức cuộc vận động cấp quốc gia “Toàn dân tham gia BHYT”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận và cho rằng đây là việc làm cần thiết để bảo đảm an sinh xã hội. Ban Thường trực MTTQ Việt Nam sẽ sớm thảo luận, xem xét để thống nhất trình Chính phủ về nội dung này.
Nguyễn Hoàng