Phải kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế!

09-05-2014 15:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - Phải kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế !. Kiện ra tòa án quốc tế, lý trí và ngoại giao sẽ thắng tư tưởng cường quyền.

SKĐS - Phải kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế !. Kiện ra tòa án quốc tế, lý trí và ngoại giao sẽ thắng tư tưởng cường quyền.

Đây là thời điểm thích hợp để chúng ta đưa cuộc tranh chấp biển đảo với Trung Quốc ra trước Tòa án Trọng tài quốc tế về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc, bắt đầu cuộc đấu tranh pháp lý quốc tế, hay nói cách khác là pháp lý hóa quốc tế cuộc xung đột biển Đông. Nếu chúng ta nhân nhượng, họ sẽ lấn tới chứ chẳng nhượng bộ hay thỏa hiệp gì!

Tàu Cảnh sát biển Việt Nam sẵn sàng bảo vệ biển đảo Tổ quốc Ảnh: NGUYỄN HOÀI

Tàu Cảnh sát biển Việt Nam sẵn sàng bảo vệ biển đảo Tổ quốc Ảnh: Nguyên Hoài.

Chúng ta đã làm hết lẽ với Trung Quốc qua các cơ chế song phương (mới đây nhất là bằng 2 thỏa thuận cấp cao vào năm 2013 tại Bắc Kinh và Hà Nội) và đa phương (ASEAN - DOC) trong khi Trung Quốc thỏa thuận một đằng, làm một nẻo. Trước nay, Trung Quốc cứ đề nghị Việt Nam quan tâm “đại cục” nhưng họ thì chẳng làm như vậy.

Vụ giàn khoan HD 981 chỉ là sự khởi đầu cho một quá trình mới - giai đoạn thứ sáu của việc Trung Quốc xâm chiếm khu vực biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam. Đó là hành động quân sự kết hợp thăm dò khai thác; liên quan đến mưu đồ kiểm soát tất cả các vùng biển và lãnh hải, thềm lục địa Việt Nam trong đường lưỡi bò mà họ tự vẽ ra. Đây là mưu đồ lâu dài, vì vậy chúng ta kiện là thích hợp. Họ đưa giàn khoan HD 981 vào thềm lục địa Việt Nam thuộc quần đảo Hoàng Sa của chúng ta nên ta có đầy đủ cơ sở pháp lý để thắng kiện.

Chúng ta sẽ được gì, mất gì khi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế? Trước hết, chúng ta bảo vệ được chủ quyền biển đảo mà Trung Quốc đã xâm phạm lâu nay, làm rõ được đúng - sai trong vấn đề biển Đông. Trung Quốc sẽ mất nhiều hơn được. Việt Nam sẽ được nhiều hơn mất.

Chúng ta cần phải lường hết các mặt. Trước mắt, quan hệ với Trung Quốc sẽ căng thẳng, không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ cấm vận kinh tế, về ngắn hạn sẽ gây không ít khó khăn nhưng về trung và dài hạn thì sẽ có lợi cho Việt Nam. Cụ thể là chúng ta có điều kiện tái cơ cấu kinh tế và cải tiến các mặt hàng xuất khẩu, đa dạng hóa đối tác thị trường theo những hướng mới. Nền kinh tế Việt Nam sẽ độc lập, tự chủ và lành mạnh hơn. Khi ấy, doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn với Việt Nam cũng thiệt hại không nhỏ.

Nhìn vào 2 năm Trung Quốc cấm vận kinh tế Philippines thì thấy mặt thiệt hại cũng không có gì là ghê gớm, hiện nước này đã lấy lại thăng bằng và phát triển tốt, năm vừa rồi là tốt nhất Đông Nam Á. Sau khi Philippines kiện Trung Quốc, Trung Quốc đã tìm cách đấu dịu và đề nghị các giải pháp thỏa hiệp để Philippines rút đơn kiện nhưng quốc gia này không để mình bị mắc lừa.

Trung Quốc xung đột với Việt Nam sẽ làm ảnh hưởng đến chính sách láng giềng “ngoại giao quyến rũ” của họ, ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án lớn với ASEAN. Bắc Kinh phải cân nhắc điều này. Về mặt chính trị thì Trung Quốc thiệt hại lớn. Về mặt an ninh, ta cần nâng cao cảnh giác, hoàn thiện quốc phòng, thích ứng với thời kỳ mới.

Việt Nam không cô độc. Chúng ta đã có nền tảng đối nội, đối ngoại vững vàng, có thể chịu được cuộc thử thách này. Chúng ta phải phát huy tính quyết chiến, quyết thắng của cha ông; phải đoàn kết, trên dưới đồng lòng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, cả dân tộc cùng nhau vượt qua thử thách. Người Philippines đã chứng minh sự đoàn kết dân tộc xung quanh tổng thống của họ 2 năm qua một cách đáng khâm phục. Chúng ta thừa sức làm như họ!

Kiện ra tòa án quốc tế, lý trí và ngoại giao sẽ thắng tư tưởng cường quyền. Cùng Philippines, vụ kiện có thể thúc đẩy giải quyết vấn đề biển Đông một cách hòa bình, hữu nghị.

Việt Nam có lợi thế rất lớn

Việc Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài quốc tế về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (tháng 1-2013) để giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh hải giữa 2 nước có giá trị tham khảo rất cao cho Việt Nam. Chúng ta có thể xem đây là con đường trực tiếp để buộc Trung Quốc hành xử chừng mực hơn. Mặc dù phải mất chừng 3-4 năm, tòa án mới đưa ra phán quyết chính thức nhưng các phán quyết có tính ràng buộc đối với tất cả các bên tranh chấp.

Theo Phụ lục VII - Công ước Quốc tế về Luật Biển 1982 (UNCLOS) về quá trình vận hành của tòa trọng tài, nếu Trung Quốc từ chối tham gia cũng sẽ không thể ngăn cản hoặc ảnh hưởng đến quyết định của tòa. Đây sẽ là lợi thế rất lớn cho Việt Nam trong việc xây dựng hình ảnh quốc gia và khẳng định chủ quyền biển đảo chính đáng của mình trước Trung Quốc.

Trước tiên, Việt Nam cần xây dựng hồ sơ vụ kiện đầy đủ, hệ thống, khách quan và bám sát những nội dung của UNCLOS để bảo đảm tòa sẽ thụ lý. Đây chính là khâu then chốt. Song song đó, cần vận dụng đúng đắn các quy định, điều khoản của UNCLOS để bảo vệ chủ quyền Việt Nam và giải thích rõ các hành vi sai trái của Trung Quốc.

Hồ sơ pháp lý này khi gửi đến các tổ chức quốc tế cũng có tác dụng bảo lưu quan điểm của Việt Nam một cách công khai và minh bạch. Đây là điều Trung Quốc chưa làm được.

Trong việc xây dựng hồ sơ pháp lý, cần chú ý điều nghiên các vấn đề liên quan đến tiền lệ pháp lý và địa lý để buộc Trung Quốc không thể viện dẫn điều khoản “loại trừ” (điều 298 của UNCLOS) nhằm không tham gia một số cơ chế giải quyết mang tính bắt buộc đối với một số loại hình tranh chấp quan trọng.

Bước tiếp theo sau khi nhận hồ sơ chính là thủ tục trọng tài. Tòa án trọng tài theo UNCLOS sẽ gồm 5 thành viên. Mỗi bên tranh chấp chọn 1 trọng tài, 3 trọng tài còn lại từ các quốc gia thứ ba mà các bên tranh chấp cùng đồng ý. Như vậy, Việt Nam cũng phải nghiên cứu chọn trọng tài để bảo đảm các quyền lợi của Việt Nam được thực thi chính đáng.

Hiện các phán quyết của Tòa trọng tài không có biện pháp bảo đảm thực thi và chỉ có phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế mới bảo đảm thực thi. Tuy nhiên, cái lợi mà Việt Nam đạt được chính là đã chủ động đưa Trung Quốc lên bàn cân công lý. Các hành động phi pháp của Trung Quốc sẽ bị công khai hóa, hình ảnh nước lớn tổn hại nghiêm trọng.

Trong khi vụ kiện với Philippines đang đi vào giai đoạn then chốt, Trung Quốc đang hết sức lúng túng, nỗ lực của Việt Nam có thể góp phần tạo sức ép đối với Trung Quốc.

PGS-TS Trần Nam Tiến (Trung tâm Nghiên cứu Biển và Đảo, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP HCM)

Dư luận trong nước

Chính nghĩa thuộc về chúng ta

Hoàng Sa là mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, là máu thịt của tôi, của người dân Đà Nẵng và của dân tộc Việt Nam. Trước việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu vào khu vực biển Việt Nam để thăm dò, khai thác bất hợp pháp, chúng tôi kịch liệt phản đối, đồng thời hết sức đồng tình, ủng hộ quan điểm chính thức mạnh mẽ của Bộ Ngoại giao Việt Nam. Chúng ta phải tiếp tục tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Chính nghĩa thuộc về chúng ta. Đã có chính nghĩa mà mình không nói mạnh, không nói lớn thì chúng ta đánh mất cơ hội góp phần vào cuộc đấu tranh lâu dài khẳng định chủ quyền.

Ông Bùi Văn Tiếng (Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng,

Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng)

Nên thông tin rõ cho người dân

Người dân căm phẫn trước hành động của Trung Quốc là chính đáng. Phải khuyến khích nhưng nên hướng cho người dân thấy đấu tranh như thế nào, bằng biện pháp gì để giữ hòa bình nhưng vẫn vạch trần được dã tâm xâm lược của Trung Quốc. Lãnh đạo của mình phải chuẩn bị cho người dân biết thông tin để có cách đối phó phù hợp. Ngoài ra, phải làm cho đất nước mình, kinh tế của mình càng ngày càng mạnh lên để Trung Quốc không coi thường.

Thiếu tướng - Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm

(Chủ tịch Hội Khoa học - Kỹ thuật và Kinh tế Biển TP HCM)

Đoàn kết một lòng

Không chỉ riêng tôi mà cả người dân Đà Nẵng vô cùng phẫn nộ. Hoàng Sa là thuộc Đà Nẵng, đó là điều không thể chối cãi được. Vì vậy, chúng ta phải đoàn kết một lòng đấu tranh vì chính nghĩa và có trách nhiệm giữ gìn từng tấc đất của ông cha để lại. Chúng ta phải đòi cho được Hoàng Sa bằng công lý, bằng luật pháp quốc tế và đã đến lúc phải khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế chứ không chỉ là ngoại giao.

Ông Nguyễn Tấn Trung (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng)

Giải quyết theo UNCLOS 1982

Hành động trên biển Đông của Trung Quốc gần đây đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) giữa các nước ASEAN - Trung Quốc.

Những ngày qua, nhà nước ta đã tuân thủ điều 12 Hiến pháp sửa đổi, bổ sung năm 2013; thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình, tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc và UNCLOS 1982. Trong thời gian tới, chúng ta cần thiết phải đưa vụ việc ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển để giải quyết theo đúng quy định của UNCLOS 1982, buộc Trung Quốc phải chấm dứt hành vi vi phạm chủ quyền của nước ta.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM)

Mong nhà nước hành động mạnh mẽ

Dư luận đồng tình và ủng hộ các biện pháp vừa kiên trì vừa cứng rắn của nhà nước ta. Tôi hoan nghênh nỗ lực của lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư trong quá trình thực thi công vụ để bảo vệ chủ quyền, dũng cảm đối diện với lực lượng mạnh hơn ta gấp nhiều lần. Lịch sử đã khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Lẽ phải thuộc về chúng ta. Người dân luôn mong muốn Đảng và nhà nước có những biện pháp mạnh mẽ hơn để khẳng định chủ quyền.

Ông Đinh Tuấn Kiệt (Công ty TNHH Vĩ Châu, quận 7, TP HCM)

V.Tùng - H.Dũng - P.Anh ghi

TS Nguyễn Ngọc Trường (Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ quốc tế)

 

 


Ý kiến của bạn