Thời gian gần đây, một hiện tượng đáng báo động, khi tiếp thị sản phẩm, một số cá nhân, tổ chức đã có hành vi quảng cáo phản văn hóa gây bức xúc dư luận và hầu hết đều vi phạm pháp luật. Sự việc nhà hàng, siêu thị tại Hà Nội cho “chân dài” mặc bikini phục vụ ăn uống, tiếp thị sản phẩm vừa lắng xuống thì mới đây, việc in, rao bán áo phông có in hình cây cần sa lại tràn ngập trên mạng… Đã đến lúc phải mạnh tay dẹp những quảng cáo kiểu này.
Từ bikini đến cây cần sa
Cuối tháng 4 vừa qua, cộng đồng mạng nổi đóa trước những hình ảnh 5 “chân dài” mặc bikini như đi tắm biển xuất hiện tại một siêu thị điện máy trên đường Phạm Hùng (Hà Nội) để đón, hướng dẫn, tư vấn khách mua hàng. Những hình ảnh thiếu vải của 5 cô gái này khiến dư luận rất bức xúc vì sự thiếu văn hóa diễn ra giữa lòng Thủ đô. Ngay sau sự việc, trước những chỉ trích gay gắt từ dư luận, đại diện siêu thị điện máy có các chân dài mặc bikini lên tiếng, đây không phải là chương trình tiếp thị bán hàng và thật ra là chương trình video “Giáo dục giới tính” hướng tới đối tượng thanh thiếu niên! Tuy nhiên, dư luận thừa hiểu đó là chiêu quảng cáo lố bịch và lời giải thích chỉ là ngụy biện hòng lách luật.
Áo phông in hình lá cần sa được rao bán công khai trên nhiều trang mạng xã hội.
Sự việc trên còn đang rất “nóng” thì ngay lập tức, đầu tháng 5/2016, nhiều người lại ngã ngửa khi chứng kiến loạt hình ảnh từ một quán ăn ở đường Trần Thái Tông (Hà Nội) có dàn chân dài mặc bikini đi lại xung quanh nhà hàng hết sức tự nhiên, không hề có một chút e dè hay ngượng ngùng với việc rót bia, bưng đồ ăn. Sau khi xem những bức ảnh, nhiều bà vợ lên mạng cho biết sẽ kiên quyết tẩy chay và không cho các ông chồng bước chân vào quán nhậu. Và rồi, trước những lời chỉ trích từ dư luận, chủ nhà hàng có chân dài mặc bikini cho biết việc làm trên là để “tri ân khách hàng”. Song thực tế ai cũng hiểu, đó là chiêu PR, quảng cáo rẻ tiền, không đúng với truyền thống người Việt.
Đi đến đỉnh điểm và có tính chất nghiêm trọng hơn là gần đây, nhiều trang mạng, shop bán hàng online như Lazada, Chotot, Mua bán nhanh, Sendo, Cozado...rao bán áo phông dành cho người lớn và trẻ em có in hình lá cần sa. Tìm hiểu trên các trang mạng trên, được biết áo phông in hình lá cần sa có xuất xứ từ Thái Lan, Trung Quốc, thậm chí được sản xuất ngay tại Việt Nam có màu đen, in hình 3D sắc nét, hình lá cây cần sa có dạ quang. Đặc biệt, vì áo màu đen nên lá cần sa trên áo nổi bật trong bóng tối. Những loại áo được các cửa hàng bán công khai tại một số chợ tại Hà Nội và cả trên mạng, nhận bán, giao hàng trên toàn quốc. Thường loại áo in hình lá cần sa sản xuất tại Việt Nam được bán với giá 100.000 đồng/chiếc; áo nhập khẩu từ 250.000 - 300.000 đồng/chiếc.
Mạnh tay xử lý và cần tuyên truyền kịp thời
Ngay sau khi nhận được những phản ánh từ các sự vụ nhân viên mặc bikini ăn mặc phản cảm kể trên, cơ quan quản lý văn hóa đã nhập cuộc. Theo đó, ngày 6/5, Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao (VH-TT) Hà Nội ra quyết định xử phạt hành chính đối với đại diện của công ty T.A trong vụ thuê chân dài mặc bikini tại siêu thị, mức phạt 40 triệu đồng căn cứ vào Điều 51, Nghị định 158/2013/NĐ - CP của Chính phủ về “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Quảng cáo”. Tương tự, ngày 12/5, Thanh tra Sở VH-TT Hà Nội cũng ra quyết định phạt hành chính nhà hàng cho nhân viên nữ mặc bikini phục vụ thực khách 40 triệu đồng. Cả hai sự việc này, Thanh tra Sở VH-TT Hà Nội đều nhấn mạnh, “hành vi quảng cáo có nội dung trái với truyền thống lịch sử, văn hoá, thuần phong, mỹ tục Việt Nam”.
Riêng với việc in hình lá cần sa trên áo phông mà nhiều trang mạng rao bán công khai, cơ quan chức năng liên quan đang vào cuộc làm rõ. Tuy nhiên, một số luật gia nhận định, tại Điều 25 Luật Thương mại năm 2005 đã quy định rõ về những hàng hóa cấm kinh doanh, hàng hóa bị hạn chế, hàng hóa kinh doanh có điều kiện, trong đó nêu rõ hàng hóa bị cấm kinh doanh là chất ma túy. Theo Nghị định 82 năm 2013 của Chính phủ quy định danh mục các chất ma túy thì cần sa là chất ma túy, do đó những cơ sở in áo có hình lá cần sa đã vi phạm pháp luật; các cơ sở kinh doanh, buôn bán áo đã tiếp tay cho người vi phạm.
Nguy hiểm hơn, theo bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS, hành vi bán áo phông in cây cần sa là tuyên truyền cho chất ma túy và thu hút sự quan tâm của mọi người, nhất là giới trẻ đến ma túy. “Dù vô tình hay cố ý thì cũng là hình thức tuyên truyền cho hình ảnh của chất cấm với dụng ý không lành mạnh, có thể nhằm tạo cho giới trẻ quan tâm đến loại chất cấm này”, bà Trương Thị Ngọc Ánh chia sẻ.
Để ngăn chặn việc sản xuất, mua, bán sản phẩm áo phông in hình lá cần sa, nhiều người cho rằng, ngoài việc cơ quan chức năng cần điều tra, làm rõ những sai phạm của cá nhân, tổ chức (nếu có) thì cần phải có hình thức tuyên truyền tới người dân, đặc biệt giới trẻ. “Báo chí cần vào cuộc lên tiếng tuyên truyền mạnh mẽ để những người sử dụng hay có ý định mua các loại áo này nhận ra không sử dụng nữa, vì đó là bộ phận của cây ma tuý gây nghiện và gây ra các tác hại khủng khiếp đối với giới trẻ nếu sử dụng chúng”, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đưa ra ý kiến.