Hà Nội

Phải coi sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn là một tội ác

06-06-2017 06:34 | Xã hội
google news

SKĐS - Có thể nói vấn đề thực phẩm không an toàn đây không phải là vấn đề mới phát sinh mà đã được lên tiếng từ nhiều năm nay. Từ năm 2009 Quốc hội khóa XII đã thực hiện giám sát tối cao về ATTP và ban hành một nghị quyết riêng về vấn đề này

Có thể nói vấn đề thực phẩm không an toàn đây không phải là vấn đề mới phát sinh mà đã được lên tiếng từ nhiều năm nay. Từ năm 2009 Quốc hội khóa XII đã thực hiện giám sát tối cao về ATTP và ban hành một nghị quyết riêng về vấn đề này, đó là Nghị quyết đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, đến nay tuy đã có những chuyển biến nhất định trong kiểm soát ATTP, xong chuyển biến còn chậm và tình trạng thiếu ATTP vẫn đang xảy ra khá phổ biến ở nước ta, đang là vấn đề rất lớn gây bức xúc cho toàn xã hội.

Bên lề hành lang Quốc hội, PV Báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với các đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề này.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dường) phát biểu tại hội trường sáng 5/6

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương): “Phải coi sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn là một tội ác”

Chúng ta đã nhiều lần kêu gọi sự tử tế từ người sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhưng những gì chúng ta nhận được chỉ là sự phản hồi yếu ớt do cái bóng quá lớn của lợi nhuận đã bao trùm lên ý chí; chi phối dẫn đến hành động thiếu lương chi của họ. Chúng ta đã chờ đợi đủ lâu để cùng nhau giải bài toán quản lý nhà nước và an toàn thực phẩm, nhưng cho đến nay đáp số của bài toán đó vẫn chưa có được kết quả như chúng ta mong đợi, một khi tấm lòng và sự kiên trì đã đến giới hạn, lời giải cuối cùng và cần thiết lúc này chính là sự trừng trị nghiêm khắc nhất của pháp luật.

Trên hết là tinh thần nhập cuộc và thái độ tuyên chiến không khoan nhượng với thực phẩm bẩn của chính cộng đồng người tiêu dùng chúng ta, trong khi nguồn lực con người và kinh phí luôn có hạn thì sức mạnh ý chí, sự tỉnh táo và chung tay cộng đồng trách nhiệm của người tiêu dùng sẽ là một nguồn lực vô hạn đủ mạnh để có thể chuyển hóa tinh thần nếu chúng ta biết khơi nguồn. Phải coi sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn là một tội ác, thấy tội ác mà không lên tiếng đấu tranh, tố giác, nhắm mắt làm ngơ, chọn giải pháp an toàn cho mình thì có khác gì sự thỏa hiệp, bắt tay với cái ác và cũng đáng bị lên án.

Những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm vì lương tri phải có trách nhiệm đối với sức khỏe cộng đồng, vì sự tồn vong của quốc gia, chấm dứt ngay cách làm ăn gian dối, bất chính. Nhân dân hãy tỏ rõ thái độ khi chứng kiến thực phẩm mất an toàn và mạnh dạn lên tiếng tố giác, đấu tranh tới cùng với những hành động sai trái trong ATTP. Hãy trả lại cho xã hội môi trường an lành vốn có của nó, tôi tin chắc rằng không một ai có thể thoát được tai mắt của nhân dân, một khi nhân dân đã lên tiếng, chúng ta không đủ giàu để để lại cho con cháu về tiền bạc và vật chất, nhưng chúng ta đủ niềm tin, ý chí và phải hành động sáng suốt để kịp thời trao cho các cháu một đời sống tinh thần và thể chất khỏe mạnh, đủ sức làm chủ tương lai, đừng để những hạn chế, yếu kém của chúng ta hôm nay trở thành gánh nặng và trách nhiệm phải giải quyết cho thế hệ đời sau.

Đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang) phát biểu tại hội trường

Đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang): “Cần một cơ quan chuyên trách ATTP chứ không phải cần một ban quản lý ATTP”

Một khảo sát cho thấy gần 65% người tiêu dùng cho rằng công tác quản lý ATTP của nhà nước chưa đạt yêu cầu. Việc đảm bảo ATTP là quá trình thực thi pháp luật đòi hỏi có thái độ nghiêm minh cùng năng lực và kỹ năng quản lý phù hợp. Thiếu nghiêm minh thực thi pháp luật trong ATTP thì dù có các giải pháp hỗ trợ đến đâu vẫn không thể phát huy được tác dụng. Quản lý ATTP ở nước ta được thực hiện bởi ba bộ: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ công thương, chủ yếu căn cứ vào chức năng sẵn có của các bộ này. Thực tiễn cho thấy mô hình này còn nhiều bất cập, chưa có phối hợp hiệu quả, nhất là chưa thực sự chuyên môn hóa ở một số nơi và thống nhất trách nhiệm quản lý nhà nước đối với ATTP.

Quản lý ATTP cần tuân thủ quy luật tự nhiên và sự toàn vẹn của chuỗi cung ứng an toàn của thực phẩm. Việc quản lý nhà nước của ba bộ khác nhau đã vô tình băm nhỏ chuỗi cung ứng này và làm giảm đi hiệu quả của quản lý ATTP. Đã đến lúc phải có một cơ quan chuyên trách thống nhất chịu trách nhiệm quản lý ATTP ở nước ta, cơ quan này sẽ toàn tâm, toàn lực đầu tư phát triển nhân lực, thực hiện trách nhiệm đảm bảo ATTP, việc này cũng phù hợp với mốt số mô hình ở các nước phát triển trên thế giới. Tôi xin nhấn mạnh, chúng ta cần một cơ quan chuyên trách ATTP chứ không phải cần một ban quản lý ATTP.


Trần Lâm
Ý kiến của bạn