Hà Nội

Phải có trái tim thép

24-03-2018 07:54 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ở tuổi gần 80, nguyên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Đặng Vũ Chư vẫn hàng ngày giữ chế độ tập luyện với việc đi bộ một tiếng đồng hồ cuối giờ chiều quanh hồ Hoàn Kiếm.

Ông cũng từng vượt qua di chứng tai biến bị liệt cả tay chân, nhờ nỗ lực tập luyện với ý chí đã sống thì phải sống khỏe và cống hiến tri thức cho đời.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Đặng Vũ Chư (giữa) nhận danh hiệu 50 năm tuổi đảng năm 2018.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Đặng Vũ Chư (giữa) nhận danh hiệu 50 năm tuổi đảng năm 2018.

Chiến thắng tai biến

Năm 2010, ông Đặng Vũ Chư bị tai biến mạch máu não nặng. Nguyên do là vì trong chuyến đi Nhật, ông quên mang thuốc theo mình, 4 ngày không dùng thuốc. Trước đó ông có tiền sử tăng áp huyết. Sau 4 ngày ở Nhật, về Việt Nam được 1 ngày thì buổi chiều ông thấy trong người có thay đổi, cầm bút ký văn bản không được, cầm chuột vi tính điều khiển khó khăn, ông nhận ra sự nguy hiểm, nên gọi bác sĩ tới giúp đỡ. Ông có bác sĩ theo dõi sức khỏe riêng nên đưa xe tới cấp cứu ngay. Bác sĩ đến khám cho ông thì lại cho rằng chỉ bị đau khớp mà thôi và không chỉ định đưa ông tới bệnh viện. Nửa đêm hôm đó, ông đột quỵ. Vợ ông gọi xe cấp cứu đưa ông vào bệnh viện chữa trị. Khi chụp kiểm tra, bác sĩ thông báo ông có cục máu đông ở bán cầu trái, phải xử lý ngay.

Bệnh viện điều trị cho cục máu đông đó tan đi bằng cách truyền và tiêm một loại thuốc đặc trị của Mỹ. Cục máu tan dần, máu lại lưu thông lên não thì khôi phục được tế bào não. Nhưng vấn đề là tay chân ông đã liệt. Ông cần được phục hồi chức năng và tập luyện kiên trì thì mới có thể đi lại được.

Việc tập cử động tay chân, đi lại rất đau đớn. Đau tới ứa nước mắt. Nhưng lúc đó ông nghĩ, mình không thể là một ông già liệt, nằm một chỗ làm khổ vợ con, các cháu. Ông đã sống là phải khỏe, phải đi lại nhanh nhẹn và còn nhiều việc hữu ích phải làm cho gia đình, đóng góp trí tuệ cho xã hội. Ngày nào cũng tập luyện đầy đau đớn, kéo dài trong 3 tháng thì phục hồi được chức năng, ông đã đi lại được và tay cũng đã làm việc được gần như trước kia. Hai từ mà ông thường tự nhắc đi nhắc lại với mình đó là phải “kiên trì”, “chịu đau”. Mỗi ngày đặt quyết tâm phải tiến bộ hơn ngày hôm qua. Đơn cử như cánh tay của ông không thể giơ lên được, ông đã cùng với sự hỗ trợ của chuyên viên phục hồi chức năng, mỗi ngày cố gắng giơ tay cao hơn một chút, dù đau đớn tới cỡ nào cũng phải vượt qua. Đó là thử thách để trở lại với cuộc sống bình thường. Cuối cùng, ông đã chiến thắng được di chứng của tai biến.

Hiện nay, tuy đã đi lại được, nhưng khớp gối của ông Đặng Vũ Chư vẫn có chút vấn đề, hạn chế tốc độ đi, khi lên xuống cầu thang cũng khá khó khăn. Nhưng ngay cả điều ấy cũng không cản trở ông trong các hoạt động sinh hoạt thường ngày hoặc tham gia các hoạt động hưu trí, hoạt động của các hội khoa học hoặc văn hóa, mục đích là để tiếp cận nhanh các tri thức mới và đóng góp cho cộng đồng những kinh nghiệm đúc kết của chính ông qua quá trình làm việc, nghiên cứu trong ngành công nghiệp.

Điều mà ông Chư thấy mình thật may mắn, đó là não đã phục hồi toàn vẹn. Ông không bị lẫn lộn hay mất trí nhớ sau tai biến đó. Một phần do ông được sử dụng thuốc tốt để phục hồi trí nhớ, phục hồi chức năng tế bào não. Sau đó, ông còn dùng bài thuốc quý, cổ truyền của Trung Quốc từ thời nhà Thanh. Trong bài thuốc này có vài chục vị, trong đó có sỏi mật của con trâu vàng sống ở vùng Tây Tạng.

Hiện nay, ông luyện “thể dục não” bằng cách đọc tin tức hàng ngày và viết hồi ký để lại cho con cháu những bài học kinh nghiệm sống rút ra từ cuộc đời giàu chất liệu của mình. Cuốn hồi ký của ông trải dài từ thời còn đi học, qua nhiều nơi sống khác nhau do chiến tranh loạn lạc, việc đi học tại Tiệp Khắc cũ, giai đoạn ông là Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ, đối mặt với thách thức chuyển đổi để duy trì hoạt động khi khối Đông Âu sụp đổ, mất hết thị trường, chính ông đã cùng đội ngũ cán bộ ngành công nghiệp, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, năng động tìm kiếm nguồn nguyên liệu, mở lối giao thương với thị trường mới là nước Đức, cứu cả ngành công nghiệp nhẹ thời năm 1990, chính thức khởi động mạnh mẽ thời kỳ đổi mới của nước ta.

Ông Đặng Vũ Chư đã chiến thắng bệnh tai biến mạch máu não và các di chứng để sống khỏe và cống hiến tri thức cho đời.

Ông Đặng Vũ Chư đã chiến thắng bệnh tai biến mạch máu não và các di chứng để sống khỏe và cống hiến tri thức cho đời.

Quyết liệt với một trái tim thép

Chia sẻ về giai đoạn ấn tượng này trong cuộc đời hoạt động của mình, ông Đặng Vũ Chư cho rằng, người lãnh đạo không chỉ cần sự quyết liệt mà phải có một “trái tim thép”. Thời bao cấp, ngành dệt nước ta gia công cho Liên Xô cũ, mỗi năm 6 vạn tấn bông, một nửa 3 vạn tấn trả lại cho bạn bằng sản phẩm, nửa còn lại là tiền công bạn trả cho ta dùng để may mặc trong nước, kể cả trang phục cho lực lượng vũ trang. Khi Liên Xô và khối Đông Âu sụp đổ thì nguồn này không còn nữa. Ông Chư nhận được thông tin này và thực sự bị sốc. Không có nguồn nguyên liệu, cả ngành dệt may sẽ bị bức tử! Ông run rẩy cầm bức điện mà không tin ở mắt mình. Hàng loạt những dự cảm xấu lướt nhanh trong đầu ông, không có bông, hàng vạn công nhân ngành dệt mất việc làm. Ngay tối đó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười cũng gọi điện cho ông Chư hỏi ông cách giải quyết. Ông Chư đề nghị được dùng khoản tiền viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Thụy Điển để cho ngành dệt mua bông. Chính phủ họp khẩn cấp và quyết định cấp chi phí cho ngành dệt mua một vạn tấn bông. Theo phương án khác, Chính phủ cũng cử ông Chư sang Liên Xô để giải quyết nốt số bông còn lại theo hợp đồng đã ký trước khi có sự kiện tan rã, phía bạn trả lời chỉ giao số bông còn lại dưới dạng hàng đổi hàng, và bạn chỉ lấy hàng thực phẩm. Nhưng thật trớ trêu là khi đó, nguồn thực phẩm nước ta sản xuất cung ứng cho dân ta còn chưa đủ, lấy đâu ra thực phẩm mà đổi cho bạn. Ông Chư vẫn quyết tìm ra phương án. Một tuần sau bên bạn bay sang Việt Nam để thương thảo tiếp về hợp đồng. Đàm phán ở Hà Nội chưa ngã ngũ, lại đưa bạn vào TP. Hồ Chí Minh đàm phán tiếp, chủ yếu vấn đề nằm ở loại hàng và giá cả. Họp và thương thảo kéo dài, căng thẳng, cuối cùng hai bên chốt được hợp đồng và tiến hành ký kết hợp đồng ngay. Lúc đó là 2 giờ sáng! Trong lịch sử ngoại thương, đó là một trường hợp hy hữu khi hợp đồng đã được ký vào đêm khuya như vậy.

Trong buổi ông được trao Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng đầu năm 2018, nhìn dáng vị cựu Bộ trưởng ở tuổi 80 vẫn đi lại khoan thai lên bục nhận danh hiệu, nhiều người thầm khâm phục ông. Cũng trong buổi lễ đó, chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ với thế hệ trẻ, ông Đặng Vũ Chư tâm đắc nhấn mạnh quãng đời thanh niên của mình, khi đất nước còn trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, ông cùng những bạn cùng lứa đã dấn thân trong phong trào 3 sẵn sàng, từ đó mà được học tập, trải nghiệm cuộc sống, rèn luyện bản lĩnh để trưởng thành và tiến bộ rất nhanh. Trong cuộc đời đầy ý nghĩa với những thành tựu xuất sắc của mình, ông Chư luôn tâm niệm cống hiến trí tuệ và tâm huyết, cách làm việc sáng tạo để xây nền công nghiệp hiện đại, xây dựng đất nước phồn vinh. Muốn như vậy, thì ngoài sức khỏe thể chất, còn cần sức khỏe tinh thần để không bị cám dỗ, nhất là khi ở cương vị cao.


Kiều Bích Hậu
Ý kiến của bạn