Phải cho giáo viên quyền dạy dỗ học sinh

20-05-2019 14:08 | Xã hội
google news

SKĐS - Mấy ngày gần đây, câu chuyện cô giáo Lê Thị Quy ở Trường THCS Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội bị đình chỉ công tác vì phạt học sinh quỳ, thực sự dấy lên không ít lo ngại về môi trường sư phạm.

Việc xử lý giáo viên trong trường hợp này cần phải có sự cân nhắc thận trọng, khách quan. Bởi như vậy là đề cao quyền của học sinh, mà lãng quên quyền của giáo viên. Giáo viên phạt quỳ học sinh mà bị kỷ luật, nghĩa là giáo viên đang bị tước đi cơ hội dạy dỗ học sinh của mình.

Giáo viên - Nghề nguy hiểm!

Trước đó, ngày 10/5, hình ảnh học sinh ở lớp 9B Trường THCS Thường Tín, Hà Nội, quỳ gối trước bục giảng trong giờ học, kèm đơn kiến nghị của phụ huynh lan truyền trên mạng xã hội. Cô Lê Thị Quy cho biết việc bắt học sinh quỳ là theo yêu cầu của phụ huynh, “con người ta hư quá nên yêu cầu làm như vậy. Việc học sinh quỳ có biên bản giữa tôi và phụ huynh”. Sau đó, Phòng GD-ĐT huyện Thường Tín (Hà Nội) đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác cô Quy một tuần để làm rõ vụ việc.

Phải chăng, khi các chuẩn mực đạo đức xã hội chông chênh, thì giáo viên cũng là một nghề nguy hiểm? Nhiều ý kiến cho rằng, ngày xưa đi học, bị phạt đánh vào tay, phạt quỳ gối, phạt úp mặt vào tường, phạt ra hành lang đứng là chuyện hoàn toàn bình thường. Những hình phạt nếu như không quá đáng, mang được tính răn đe mà trong phạm vi chấp nhận được của ngành giáo dục thì xã hội không nên quá khắc khe. Hãy để cho học sinh biết sợ giáo viên mà còn lo học hành cho tử tế.

“Quỳ không chết, con hư mới chết” - Đó là ý kiến của nhiều phụ huynh học sinh về việc kỷ luật cô giáo Lê Thị Quy, đã bao giờ các vị phụ huynh tự vấn lại bản thân: Mình đã dạy con mình như thế nào trước khi giao con cho nhà trường chưa? Tôi phải hỏi câu hỏi này, vì hiện nay, rất nhiều phụ huynh có tâm lý ở nhà cung phụng con như cung phụng bố mẹ, giao con cho nhà trường dạy dỗ nhưng không cho phép thầy cô được trách phạt con của mình, thầy cô nhỡ có phạt thì nổi đóa lên đâm đơn kiện với nhà trường “sao lại phạt con tôi”, con học tốt thì nói “do cháu thông minh”, con học kém thì quay sang trách thầy cô không biết cách dạy. Với những phụ huynh như vậy, gia đình tự nghỉ việc ở nhà mà dạy con, đừng đem con đến trường rồi vạ lây cho thầy cô! Thiết nghĩ trường hợp này vô tình phụ huynh đã tiếp tay cho các con chống đối với nhà trường và vô tình đẩy các con đi ngược với van hóa “Tôn sư - Trọng đạo” truyền thống lâu đời của người Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Thược - Hiệu trưởng Trường THCS Tô Hiệu trao đổi với phóng viên.

Ông Nguyễn Văn Thược - Hiệu trưởng Trường THCS Tô Hiệu trao đổi với phóng viên.

Quyền giáo viên ở đâu?

Có ý kiến cho rằng, để tránh tai nạn trong nghề, nên chăng ngành giáo dục nên ban hành một danh sách hình thức xử phạt và giáo viên bám theo đó thực hiện. Liên quan đến vấn đề nay, theo PGS. Chu Cẩm Thơ - Phó trưởng Ban Nghiên cứu kết quả giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục, Bộ GD&ĐT, giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng danh sách đấy có nhưng không có hình phạt quỳ hay đánh. Nhưng không phải vì thiếu “đánh”, thiếu “quỳ” sẽ khiến trẻ hư, các em không tôn trọng thầy cô hoặc là làm như thế thì ngành giáo dục đang bao che cho học sinh, tước hết quyền của nhà giáo.

Theo ông Nguyễn Văn Thược, Hiệu trưởng Trường THCS Tô Hiệu, huyện Trường Tín, Hà Nội cho biết, nhà trường đang trong quá trình xét tốt nghiệp và N. lại nằm trong danh sách 5 học sinh khả năng không đủ điều kiện vì học lực yếu. Cũng theo vị hiệu trưởng này, cô Lê Thị Quy là một trong những giáo viên mẫu mực của trường, có chuyên môn vững vàng và là giáo viên dạy giỏi nhiều năm, nhiệt tình, có trách nhiệm.

Như vậy, sự việc vừa qua, lỗi có phải đều thuộc cô giáo Quy không? Rõ ràng, không phải. Học sinh bị phạt quỳ là một trong 5 học sinh được xếp vào hạng cá biệt của lớp 9B, thường xuyên nghỉ học và có điểm số thấp. Thời điểm hiện tại, 5 học sinh nói trên đều có nguy cơ không đủ điều kiện để thi lên bậc trung học phổ thông. Vậy để học sinh tiến bộ, bắt phạt quỳ để học sinh tiến bộ mà bị đình chỉ dạy thì hơi nặng?

Cô Quy cho biết hình thức phạt quỳ được thực hiện theo đề nghị của phụ huynh học sinh kia: Phạt học sinh để tôi được cái gì? Thực lòng tôi không hề muốn điều đó. Nhưng các phụ huynh đề nghị đều là người trong địa phương, hàng xóm ở xung quanh nhà tôi. Người ta cứ tha thiết đề nghị giúp như thế, nên tôi đồng ý giúp đỡ họ để mong các cháu tiến bộ. Tôi biết đây là việc không nên làm nhưng đây là phụ huynh đề nghị, cô Quy chia sẻ.

Trước tiên con hư tại mẹ, sau đó mới nhắc đến học sinh hư tại giáo viên chứ! Học sinh cuối bậc trung học cơ sở đã bước vào độ tuổi vị thành niên với nhiều thay đổi bất thường về tâm sinh lý, nếu gia đình đùn đẩy hết nghĩa vụ uốn nắn cho nhà trường thì cũng nên tự xem xét lại.

Phạt quỳ đối với học sinh, đúng là hơi phản cảm, nhưng hình phạt quỳ không phải chưa có tiền lệ. Thế nhưng, bây giờ ranh giới giữa việc răn đe học sinh và việc xúc phạm học sinh, đã trở nên quá mong manh. Giáo viên thì hơi lúng túng, phụ huynh thì rất nóng nảy, mà dư luận thì quá ồn ào.

Đừng đề cao quyền của học sinh, mà lãng quên quyền của giáo viên. Giáo viên phạt quỳ học sinh mà bị kỷ luật, nghĩa là giáo viên đang bị tước đi cơ hội dạy dỗ học sinh của mình!


Lâm Viên
Ý kiến của bạn