Phải chăng là “bình mới rượu cũ”?

01-07-2010 16:08 | Văn hóa – Giải trí
google news

Từ ngày 1/7, 5 hãng phim Nhà nước đồng loạt chuyển đổi sang hình thức Công ty TNHH một thành viên. Với hình thức này,

 Nhà quay phim Lý Thái Dũng
Từ ngày 1/7, 5 hãng phim Nhà nước đồng loạt chuyển đổi sang hình thức Công ty TNHH một thành viên. Với hình thức này, Nhà nước cấp vốn 100% nhưng trách nhiệm của doanh nghiệp là phải khiến đồng vốn được sinh lời. Không ít người hy vọng đó chỉ là sự thay đổi có tính chất "bình mới rượu cũ" sau những kinh nghiệm xương máu mà đơn vị tiên phong cổ phần hóa - Hãng phim truyện 1 đã và đang phải đối mặt. Nhưng cũng không ít nghệ sĩ lại mong một sự đổi mới thật sự để cứu ngành điện ảnh đang ngày một trì trệ. Chúng tôi đã trao đổi với một số nghệ sĩ xung quanh vấn đề này.

Việc 5 hãng phim Nhà nước chuyển đổi sang hình thức Công ty TNHH một thành viên thực chất chỉ là "bước đệm" cho kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp vào những năm sau này. Sự chuyển đổi này xem ra đang khiến giới làm nghề chộn rộn?

NSƯT, họa sĩ Vũ Huy: Đối với tôi, về cơ bản, đó là bước ngoặt lớn về mặt quản lý đã và sẽ có tác động rất lớn đến sự phát triển, truyền bá của nền điện ảnh đối với xã hội trong giai đoạn hiện nay. Về cơ bản, chúng ta buộc phải hiểu rằng sẽ không còn sự giúp đỡ, nuôi dưỡng của Nhà nước với điện ảnh như nó vốn có. Nói cách khác, sự chuyển đổi này đẩy nền điện ảnh cách mạng VN sang cơ chế quản lý tư nhân. Thật ra cơ chế quản lý tư nhân trong điện ảnh không có gì là mới so với thế giới nhưng ở VN, việc chuyển đổi cơ chế như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển của nền điện ảnh. Tôi nhớ năm 1995, khi Đoàn điện ảnh VN làm việc với Trung tâm điện ảnh quốc gia Pháp, ông  Giám đốc Trung tâm nói: "Nếu Chính phủ chúng tôi không có sự hỗ trợ đặc biệt cho nền điện ảnh Pháp, cụ thể là 200 triệu đô la một năm thì điện ảnh Pháp cũng đã bị tiêu diệt như điện ảnh Ý và các nền điện ảnh châu Âu...".

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Với những gì đang diễn ra tại các hãng phim Nhà nước, tôi gọi là "cuộc chuyển dịch chậm chạp". Sự chậm chạp này có lẽ bắt nguồn từ một nguyên nhân khá buồn, đó là dường như "Nhà nước" đang rất bối rối về việc có nên duy trì một nền điện ảnh mà mình là chủ đầu tư nữa không? Phương án thứ nhất: nếu Nhà nước vẫn giữ vai trò đó thì có thể nói sẽ... không có gì thay đổi về chất. Chỉ là “bình mới rượu cũ”  thôi. Lợi ích cho một số người đã mệt mỏi vì chờ đợi một cuộc biến đổi lớn là... được hỗ trợ về hưu sớm. Nhưng không hy vọng gì nhiều, bởi với cuộc chuyển đổi lần này, thực chất cơ chế không thay đổi bao nhiêu, còn những bó buộc vẫn nguyên đó, sự ỷ lại vẫn nguyên đó. Phương án thứ hai: Nhà nước buông hẳn ngành điện ảnh, để nó tự phát triển theo cơ chế thị trường, chỉ nắm giữ quyền kiểm soát để không có những sản phẩm độc hại văng ra thị trường, chỉ nắm giữ quyền đầu tư với những sản phẩm phục vụ lợi ích chính trị xã hội theo đơn đặt hàng của Nhà nước... Nếu được vậy thì không còn khái niệm hãng phim Nhà nước, không còn công chức văn nghệ và cũng không còn bệnh báo cáo thành tích song hành với bệnh quan liêu, bệnh ỷ lại, bệnh "ăn đầu vào" thảm hại như hiện nay nữa. Nhưng... việc ấy không nằm trong tầm tay nghệ sĩ.

NSƯT, nhà quay phim Lý Thái Dũng: Điện ảnh là một ngành đặc biệt nên sự quy hoạch, chuyển đổi cơ chế luôn kèm theo sự thay đổi nhân sự. Điều tôi băn khoăn chính là những lỗ hổng về "vị trí nhân lực" do những người đã gắn bó với ngành điện ảnh lâu năm sẽ ra khỏi cơ chế mới với nhiều lý do. Dây chuyền của bộ máy sản xuất trong ngành điện ảnh sẽ thiếu nhân lực trầm trọng do khâu đào tạo đội ngũ kế cận chưa được chuẩn bị hoặc chưa có kế hoạch đào tạo, ở cả thành phần sáng tạo nghệ thuật và lao động đặc thù.

Liệu có phải vì lâu nay làm phim không cần biết đến lỗ, lãi nên giờ đây lo lắng lớn nhất là trách nhiệm phải khiến đồng vốn Nhà nước cấp sinh lời?

 Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Nếu duy trì cơ chế Công ty TNHH một thành viên mà lại hy vọng hãng phim sinh lời thì thật là lãng mạn. Trong thực tế, các nghệ sĩ không kém cỏi trong kinh doanh, cũng không ngờ nghệch trong việc bảo vệ quyền lợi cho cá nhân mình. Rất nhiều người từ hãng phim Nhà nước đã bung ra lập hãng phim tư nhân, công ty truyền thông... hoạt động độc lập và sống tốt. Như vậy, vấn đề nằm ở cách bổ nhiệm cán bộ đại diện cho Nhà nước trong doanh nghiệp, chứ không nằm ở chỗ cái cơ chế mơ hồ đó vận hành ra sao. Bài toán mà người lãnh đạo công ty TNHH một thành viên phải giải để có đủ tiền trả lương cho hệ thống nhân sự dưới tay mình là làm sao có được (và giữ được) người tài trong doanh nghiệp, năng động tìm kiếm đầu vào, đầu ra cho tác phẩm một cách linh hoạt. Bên cạnh đó cần tinh lọc nhân sự quyết liệt để cất gánh nặng quỹ lương, song hành với việc trải chiếu hoa mời người tài đến với mình.

Nhà quay phim Lý Thái Dũng: Những phim hay của các nền điện ảnh cũng "đếm trên đầu ngón tay". Ngay những "nền công nghiệp điện ảnh" như Mỹ, Ấn Độ, Hồng Kông cũng không phải là một ngoại lệ. Điều quan trọng là những phim "ăn khách" và những "thu nhập phụ của bộ phim" sẽ hỗ trợ kinh phí cho những phim "lỗ". Thu nhập từ bán vé xem phim, quảng cáo từ truyền hình sẽ hỗ trợ tái đầu tư cho điện ảnh ở mọi khâu... Nếu cổ phần hóa mà không có sự hỗ trợ của Nhà nước về kinh phí, đào tạo, hạn ngạch nhập khẩu phim, rạp chiếu phim của Nhà nước... điện ảnh VN sẽ chết, hoặc nếu sống, nó sẽ không còn là điện ảnh VN nữa.

Để thu hút những người tài về với điện ảnh, tạo ra những bộ phim hay, đẩy điện ảnh Việt phát triển lên một bước mới, ở thời điểm này cần những điều kiện gì?

 Họa sĩ Vũ Huy
Họa sĩ Vũ Huy: Phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng những người làm điện ảnh trẻ, nhiệt huyết và đầy năng lực. Phải có nhiều hơn nữa những cuộc liên hoan phim, giao lưu các tác phẩm điện ảnh quốc tế, đặc biệt trong khu vực Đông Nam Á. Điện ảnh CMVN với truyền thống trên 50 năm với hơn 700 tác phẩm điện ảnh không phải là thành quả ngẫu nhiên, không phải là việc có nhiều tiền mà là chúng ta đã có một thời kỳ biết phát triển và sử dụng toàn bộ năng lực, trí lực của những người làm điện ảnh VN. Để làm mất điều này, không phát triển được nền điện ảnh VN bằng nền điện ảnh trong khu vực, đó là lỗi lớn của những người lãnh đạo.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Điện ảnh VN (bao gồm cả điện ảnh tư nhân) vẫn đang tồn tại, đang thu hút người tài và các nguồn đầu tư. Nó còn đang ở giai đoạn đầu thích nghi với quy luật tự nhiên, đang cố gắng để phát triển theo quy luật tự nhiên. Xét ở khía cạnh đó thì việc cổ phần hoá (thậm chí xoá sổ) vài hãng phim Nhà nước không phải là một thảm họa. Có lẽ trong tương lai gần, sẽ xuất hiện nhiều nhà sản xuất độc lập với dòng phim ít kinh phí mà giàu nhiệt huyết cùng song hành với thị trường điện ảnh giải trí. Đó là hướng phát triển lành mạnh. Công việc của những người quản lý ngành là biết nâng đỡ đúng đối tượng, đúng tác phẩm bằng giải pháp cơ chế tái đầu tư. Việc xét và tái đầu tư cho một tác giả, một hãng phim có tác phẩm tốt trong năm (bằng số tiền tổng dự toán làm phim đó) là giải pháp tốt mà nhiều quốc gia khác đã làm và thành công. Theo cách này, nguồn đầu tư của Nhà nước sẽ không rơi vãi ra ngoài tác phẩm, tạo nguồn hứng khởi cho các nhà làm phim chân chính.

            Nguyệt Nhi (thực hiện)


Ý kiến của bạn