Phải chặn đứng tận gốc nạn buôn bán người

26-10-2009 15:35 | Tin nóng y tế
google news

Thống kê của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho thấy: Trong 5 năm qua, cả nước xảy ra 1.586 vụ với 2.888 đối tượng lừa bán 4.008 nạn nhân.

Thống kê của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho thấy: Trong 5 năm qua, cả nước xảy ra 1.586 vụ với 2.888 đối tượng lừa bán 4.008 nạn nhân. So với 5 năm trước tăng 1.009 vụ, 2.117 đối tượng và 2.935 nạn nhân. Bên cạnh đó còn khoảng hơn 20 nghìn phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày ở địa phương, nghi là nạn nhân của nạn buôn bán người.

Tình trạng tội phạm buôn bán người tại nước ta đang có xu hướng phức tạp với nhiều hình thức, thủ đoạn mới. Những năm gần đây, bên cạnh những thủ đoạn cũ như lừa phụ nữ kết hôn trái pháp luật với người nước ngoài, rủ rê đi du lịch, đi làm ăn để bán người ra nước ngoài làm gái mại dâm, lợi dụng chính sách nhân đạo trong việc cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, bọn tội phạm đã lợi dụng sự phát triển công nghệ thông tin, thông qua internet, điện thoại di động để dụ dỗ, lừa gạt các nạn nhân hoặc thiết lập các đường dây gái gọi hay thiết lập các tour du lịch tình dục xuyên quốc gia. Xác định tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em là một loại tội phạm nguy hiểm, gây nguy hại cho trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến thuần phong mỹ tục, đạo đức và lối sống của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định tiến hành Chương trình 130/CP nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, các tổ chức xã hội và toàn thể nhân dân trong cuộc chiến phòng, chống tội phạm buôn bán người. Sau 5 năm thực hiện Chương trình 130/CP, lực lượng Công an, Biên phòng đã điều tra khám phá 1.292 vụ, bắt giữ 2.257 đối tượng. Viện Kiểm sát nhân dân các cấp truy tố 1.116 bị can về tội mua bán phụ nữ và 388 bị can tội mua bán trẻ em. Từ 2004 đến nay, đã giải cứu 1.238 nạn nhân và tiếp nhận 2.936 nạn nhân của các vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em trở về. Trong số các nạn nhân trở về có 80% được tiếp cận các dịch vụ tư vấn tâm lý, cung cấp thông tin, chính sách hỗ trợ; 30% nhận được kinh phí tái hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ học nghề từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, trước tình hình hoạt động tội phạm buôn bán người ngày càng diễn ra phức tạp, xu hướng tăng, quốc tế hóa, chúng ta cần có những nỗ lực cao hơn nữa, thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ hơn nữa. Các cấp ủy, bộ, ngành, địa phương cần nhận thức rõ công tác phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em là nhiệm vụ chính trị, kinh tế xã hội quan trọng, tăng cường công tác phối hợp, thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác phòng chống tội phạm buôn người để tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội ngăn chặn, đẩy lùi và xóa bỏ nạn buôn bán người ra khỏi xã hội.

Xuân Khu


Ý kiến của bạn