Phải bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh

19-03-2015 23:06 | Thời sự
google news

SKĐS - Tinh gọn bộ máy, tập trung nguồn lực, khắc phục chồng chéo trong chỉ đạo, điều hành và giải quyết cơ bản tình trạng thiếu bác sĩ làm công tác khám

Tinh gọn bộ máy, tập trung nguồn lực, khắc phục chồng chéo trong chỉ đạo, điều hành và giải quyết cơ bản tình trạng thiếu bác sĩ làm công tác khám, chữa bệnh là những kỳ vọng mà nhiều nhà quản lý đề cập khi nói về mô hình trung tâm y tế mới được triển khai thí điểm trên địa bàn một số địa phương đã, đang thực hiện.

Khắc phục chồng chéo

Ngay từ năm 2013, Bình Dương được cho là “tiên phong” trong hợp nhất 3 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế ở các huyện, thị và thành phố gồm: bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế và trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình với chức năng phòng bệnh, khám, chữa bệnh và thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình...Trung tâm y tế là đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Sở Y tế, chịu sự quản lý, chỉ đạo về tổ chức, biên chế và hoạt động chuyên môn của Sở Y tế; đồng thời, chịu sự quản lý nhà nước theo địa bàn của UBND các huyện, thị xã và thành phố.

Theo báo cáo của Sở Y tế Bình Dương, ngay từ khi sáp nhập, Sở đã chỉ đạo kiện toàn bộ máy tổ chức nhân sự lãnh đạo các trung tâm y tế. Các trung tâm y tế tuyến huyện khẩn trương ổn định, đồng bộ và đạt được những kết quả bước đầu trong việc huy động được nguồn lực, trang thiết bị được điều chuyển và sử dụng có hiệu quả, trong phối hợp giảm sự chồng chéo so với lúc chưa sáp nhập. Nổi bật là mọi cán bộ viên chức có thể được luân chuyển, điều động, bố trí vào các khoa lâm sàng trong những ngày cao điểm, phát huy hiệu quả công tác đồng thời giải quyết được vấn đề thiếu cán bộ viên chức nhất là đội ngũ bác sĩ; đây là điều trước đây khối điều trị tuyến huyện không làm được. Bác sĩ tuyến xã luân phiên về trung tâm y tế tham gia khám và điều trị, xử lý một số bệnh cấp cứu nhờ đó nâng cao được trình độ chuyên môn, kỹ thuật, quy trình khám chữa bệnh, đồng thời góp phần nâng cao năng lực khám chữa bệnh tại trạm y tế, phòng khám đa khu vực.

Năm 2008, mô hình y tế tuyến huyện, thị, thành của Hậu Giang bao gồm: phòng y tế, trung tâm y tế, trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình và bệnh viện đã được áp dụng. Qua thực tế hoạt động cho thấy nhiều chồng chéo, bất cập từ mô hình này cứ lặp lại mà ngành y tế chưa thể khắc phục được. Có thể thấy rõ nhất là chồng chéo trong khâu chỉ đạo, điều hành, kể cả tuyến huyện, thị, thành và tuyến xã, phường, thị trấn. “Các đơn vị thường chưa phối hợp chặt chẽ khi thực hiện nhiệm vụ chung, điển hình là công tác phòng, chống dịch bệnh. Mỗi khi có kế hoạch thì người triển khai trước, người triển khai sau, nên dẫn đến thực hiện nhiệm vụ chậm trễ. Khâu báo cáo thường cập rập và chậm trễ do phòng y tế phải tập hợp từ nhiều đầu mối. Cán bộ chuyên trách dân số khi giao về trạm y tế quản lý thì sự chỉ đạo và điều động cán bộ chuyên trách dân số gặp không ít khó khăn do phải phụ thuộc vào lãnh đạo, điều hành của trạm y tế” - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang Nguyễn Ngọc Tiến cho biết.

Bước đi thận trọng và chắc chắn

Vấn đề tinh giản bộ máy, biên chế của ngành y tế Quảng Ninh khi thực hiện sáp nhập các đơn vị tuyến huyện được thực hiện thận trọng, chắc chắn và quyết liệt. Để có những bước đi vững chắc, theo BS. Vũ Xuân Diện - Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh, để điều chỉnh chức năng tại trạm y tế, trung tâm y tế và thu gọn đầu mối y tế ở tuyến xã và tuyến huyện nhằm có sự đầu tư tập trung cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực, ngành y tế của Quảng Ninh đã tổ chức 27 đoàn để khảo sát toàn bộ thực trạng hoạt động của các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện, phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế tuyến xã trên địa bàn, từ đó xây dựng phương án điều chỉnh chức năng nhiệm vụ của các đơn vị để tránh sự chồng chéo lãng phí. Trên cơ sở rà soát, ngành chia các trạm y tế xã theo 3 mô hình. Cụ thể: Đối với các xã ở xa các cơ sở y tế tuyến huyện, tỉnh, địa bàn và giao thông khó khăn có nhu cầu khám chữa bệnh, khám quản lý thai nghén, sinh đẻ... tại trạm y tế của người dân còn cao thì duy trì thực hiện đầy đủ 11 chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Bộ Y tế để đảm bảo đạt Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020; đồng thời, từng bước hiện đại hoá các cơ sở y tế ở xa trung tâm tạo điều kiện để đồng bào có nhiều hơn cơ hội tiếp cận với những dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng hơn. Đối với các xã, phường, thị trấn ở gần các cơ sở y tế tuyến huyện, tỉnh, địa bàn và giao thông tương đối thuận lợi, người dân trong xã không có nhu cầu sinh đẻ hoặc khám phụ khoa, khám thai... tại trạm y tế thì sẽ bỏ chức năng đỡ đẻ thường và khám chữa bệnh thông thường tại trạm. Tuy nhiên, các trạm sẽ bổ sung chức năng tham gia quản lý nhà nước về ATVSTP, quản lý hành nghề y tế tư nhân... Trên cơ sở điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ này, đã tiến hành điều chỉnh nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất cho phù hợp, tránh dàn trải.

Thanh Phương

 

 


Ý kiến của bạn