Phác họa chân dung hung thủ tấn công tòa báo ở Paris

08-01-2015 22:37 | Quốc tế

SKĐS - Vào khoảng 11 giờ 30 phút (giờ Paris) ngày 7/1/2015, 2 người mang súng kalachnikov và súng phóng rocket đã xông vào tòa soạn tuần báo Charlie Hebdo, một tờ báo trào phúng ở quận 11 Paris và nổ súng trước khi tẩu thoát.

Vào khoảng 11 giờ 30 phút (giờ Paris) ngày 7/1/2015, 2 người mang súng kalachnikov và súng phóng rocket đã xông vào tòa soạn tuần báo Charlie Hebdo, một tờ báo trào phúng ở quận 11 Paris và nổ súng trước khi tẩu thoát. Theo thống kê sơ bộ, tổng cộng đã có ít nhất 12 người thiệt mạng, trong đó có 2 cảnh sát. Ngoài ra còn có 4 người bị thương.Trong số các nạn nhân, có 4 họa sĩ vẽ tranh châm biếm nổi tiếng của tờ Charlie Hebdo.

Bên ngoài tòa soạn Charlie Hebdo (ảnh nhỏ).

Vào khoảng 11 giờ 20 phút, 2 người đàn ông mặc đồ đen, nón trùm đầu, mỗi người trang bị một khẩu kalachnikov xuất hiện trước ngôi nhà số 6 đường Nicolas-Appert, quận 11 Paris. Họ gào lên: “Có phải Charlie Hebdo là ở đây không?”. Thấy rằng nhầm địa chỉ, hai kẻ này quay sang nhà số 10 cùng đường - trụ sở của tuần báo Charlie Hebdo. Khi vào được trong tòa nhà, các hung thủ xả súng vào bộ phận thường trực và leo lên tầng hai, nơi ban biên tập đang họp. Cả hai tên đã lạnh lùng nổ súng, giết hại những người đang ngồi họp bàn về nội dung trong phòng và cả viên cảnh sát có nhiệm vụ bảo vệ họa sĩ Charb - vì bất ngờ nên không kịp bắn trả. Chỉ có một người thoát chết nhờ trốn dưới gầm bàn. Người này nghe hai hung thủ hét to: “Chúng ta đã báo thù cho đấng tiên tri” và hô “Allah Akbar!”. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cho biết, có “3 tên tội phạm” tham gia vụ tấn công này đang được tích cực truy lùng, nhưng không nói rõ vai trò của tên thứ ba. Ông tuyên bố, tất cả đều được huy động để “vô hiệu hóa càng nhanh càng tốt 3 kẻ tội phạm”. Khi tẩu thoát, 2 hung thủ đã cướp một xe hơi và đụng một người đi bộ. Cảnh sát đang ráo riết truy lùng 2 kẻ này.

Người dân xuống đường tưởng niệm các nạn nhân (ảnh lớn).

Dưới đây là những gì người ta biết về anh em nhà Kouachi và vai trò của 2 kẻ này trong vụ nã súng tàn bạo vào tòa soạn báo Charlie Hebdo. Bài báo đầu tiên về Cherif trên tờ New York Times năm 2005 cho hay, mầm mống của ý định chiến đấu trong cuộc thánh chiến đã nhen nhóm trong con người Cherif từ những ngày hắn bị ngược đãi tại nhà tù tai tiếng Abu Ghraib của Mỹ trước đó. Năm 2008, Cherif Kouachi đã bị kết án 3 năm tù ở Paris vì giúp đưa các tay súng sang chiến trường Iraq. Trong vụ án này, Cherif là một thành viên của mạng lưới quận 19 của Paris - tổ chức khủng bố đặt tên theo một khu phố tại Paris, nơi phần lớn cư dân là tầng lớp lao động theo đạo Hồi. Trước khi vào tù, Cherif không phải là một người Hồi giáo mộ đạo, hắn đã có bạn gái, hút thuốc và uống rượu. Cherif và Said Kouachi được sinh ra ở Paris rồi lớn lên tại thành phố Rennes của Pháp. Sau đó, 2 kẻ này lại quay về Paris và tại đây Cherif làm một nhân viên giao bánh pizza. Thêm vào đó, anh em nhà Kouachi mồ côi từ khi còn nhỏ. Cha mẹ họ là di dân Algeria di cư sang Pháp.

Đây là lần đầu tiên xảy ra một vụ tấn công đẫm máu như thế vào một tòa soạn báo ở Pháp và là vụ tấn công đẫm máu nhất tại Pháp từ ít nhất 40 năm qua. Charlie Hebdo đã nhiều lần bị đe dọa kể từ khi tuần báo trào phúng này đăng các bức biếm họa vẽ Mohhamed vào năm 2006. Tháng 11/2011, tòa soạn của Charlie Hebdo bị đốt cháy. Năm 2013, một thanh niên đã bị kết án tù treo vì đã kêu gọi trên internet chặt đầu chủ nhiệm tờ Charlie Hebdo sau khi tờ báo này đăng các bức biếm họa Mohammed.

(Theo Liberation, AFP)

Diệp Anh

 

Mỹ, Anh, Ðức, Tây Ban Nha, Ủy ban châu Âu đã cực lực lên án vụ tấn công vào tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Pháp.

Ông Josh Earnest - Phát ngôn viên của Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định: “Toàn thể Nhà Trắng bày tỏ tình liên đới với gia đình của các nạn nhân bị sát hại và bị thương trong vụ tấn công này. Mỹ sẵn sàng hợp tác với Pháp để hỗ trợ tiến hành điều tra”.

Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố: “Vụ tấn công đẫm máu ở Paris thật đáng phẫn nộ. Chúng tôi sát cánh với nhân dân Pháp trong cuộc chiến chống nạn khủng bố và bảo vệ tự do báo chí”.

Thủ tướng Ðức Angela Merkel tố cáo: “Hành động khủng khiếp này không chỉ là một sự tấn công vào sinh mạng các công dân Pháp mà còn là vụ tấn công vào tự do báo chí và tự do ngôn luận - nền tảng của tự do dân chủ, không thể nào biện minh được”.

Tây Ban Nha lên án “hành vi khủng bố đê tiện và hèn nhát”: Tự do báo chí là “một quyền căn bản” mà Tây Ban Nha cũng đang “bảo vệ mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.

Từ Bruxelles, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố: “Tôi xúc động sâu sắc bởi vụ tấn công tàn bạo và bất nhân vào tòa soạn Charlie Hebdo. Ðó là hành vi không thể dung thứ, một hành động man rợ, làm chấn động tất cả mọi người chúng ta với tư cách một con người và là người châu Âu”.

 

 

 


Ý kiến của bạn