Hà Nội

Phác đồ điều trị tiêu chảy trẻ em và việc dùng oresol

20-07-2016 17:25 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Phác đồ điều trị tiêu chảy của trẻ em theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có nhiều thay đổi, trong đó có việc thay đổi cách dùng oersol.

Một số thay đổi chính

Dung dịch oresol  mới  có hiệu quả điều trị hơn dung dịch oresol cũ:

Trong tiêu chảy nhất là tiêu chảy cấp, trẻ sẽ ở trong trạng thái mất nước, chất điện giải, là dạng mất dịch đẳng trương. Cần dùng dung dịch oresol bù sự mất dịch đó.

Hiện nay theo khuyến cáo của WHO, ta thường dùng loại dung dịch oresol pha theo công thức mới. Dung dịch oresol pha theo công thức mới có tỉ trọng và tổng độ thẩm thấu thấp trong khi dung dịch oresol pha ra theo công thức cũ có tỉ trọng và tổng độ thẩm thấu cao (xem bảng dưới).

oresol

Nồng độ natri chlorid và glucose khan trong công thức mới  đều thấp hơn trong công thức cũ. Theo đó, dung dịch oresol mới tỉ trọng thấp dùng dịch oresol cũ tỉ trọng cao. Dung dịch oresol có tỉ trọng thấp có ưu điểm làm giảm tới 33% số trẻ cần phải truyền dịch, giảm 20% số lượng phân phải bài tiết, giảm 30% số trẻ bị nôn  so với dùng dung dịch oresol có nồng độ cao.

Bổ sung kẽm trong điều trị dự phòng tiêu chảy:

Kẽm có vai trò quan trọng trong việc tăng cường chức năng miễn dịch và hồi phục biểu mô ruột. Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, trẻ em các nước đang phát triển trong đó có nước ta có tới 30 - 40% thiếu kẽm. Theo các nghiên cứu của WHO, việc bổ sung kẽm trong điều trị tiêu chảy cấp, tiêu chảy kéo dài đều có lợi.

Trong điều trị tiêu chảy cấp: nhóm  trẻ  1 tháng  đến 5 tuổi (không phân biệt tuổi và tình trạng dinh dưỡng) dùng kẽm với liều 5 - 45mg/ngày đã làm giảm 20% thời gian tiêu chảy, giảm 18 - 59% lượng phân và với liều 10 - 20mg/ngày làm giảm độ nặng và thời gian mắc bệnh so với nhóm trẻ không dùng kẽm.

Trong điều trị tiêu chảy kéo dài: nhóm trẻ dùng kẽm giảm được 24% trẻ bị tiêu chảy, giảm 42% thất bại trong điều trị so với nhóm trẻ không dùng kẽm. Riêng với trẻ  dưới 1 tuổi là trẻ trai bị gầy mòn hay trẻ có nồng độ kẽm trong huyết tương thấp hơn bình thường thì sự dáp ứng với kẽm tỏ ra tốt hơn. Nhận xét chung là dùng kẽm sẽ làm giảm thời gian và độ nặng của bệnh tiêu chảy kéo dài.

Ngoài ra, trong dự phòng nhóm trẻ bổ sung đủ kẽm giảm tỉ lệ tiêu chảy khoảng 18% so với nhóm trẻ không bổ sung kẽm.

Lưu ý: liều kẽm nói trên là liều quy ra kẽm chứ không phải là liều của các muối kẽm ví dụ: 1 viên 200mg kẽm sulfat sẽ tương ứng với 45mg kẽm;  1ống (10ml) chứa 77,6mg gluconat kẽm tương ứng với 10mg kẽm.

oresolẢnh minh hoạ

Dùng các thuốc trong chống tiêu chảy trẻ em:

Có ba nhóm thuốc dùng trong tiêu cháy trẻ em (cấp và kéo dài).

Nhóm kháng sinh: trẻ bị tiêu chảy cấp do nhiễm khuẩn thì phải dùng kháng sinh. Lưu ý: cần phải biết chắc do nhiễm khuẩn (thông qua khám xét nghiệm) mới dùng kháng sinh theo chỉ định thầy thuốc. Tránh tự ý dùng kháng sinh khi không chắc chắn bị nhiễm khuẩn, dùng sai kháng sinh không đúng so với bệnh… sẽ không khỏi bệnh mà sinh ra việc kháng thuốc.

Nhóm lập lại hệ cân bằng vi khuẩn đường ruột: trong ruột có hệ vi khuẩn ở thế cân bằng tự nhiên. Do một số điều kiện nào đó, có khi một số vi khuẩn có hại sẽ tăng sản nhanh, lấn lướt các loại vi khuẩn có lợi, gây mất sự cân bằng tự nhiên này và tạo ra sự tiêu chảy do rối loạn cân bằng vi khuẩn. Tiêu chảy này thường kéo dài. Lúc đó cần cho trẻ uống một loại vi sinh lành tính (thường là vi khuẩn hay bào tử đông khô) khi vào cơ thể chúng phát triển rất mạnh, lập  lại  sự cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, do đó trẻ sẽ hết tiêu chảy. Thông thường có các loại sau:

Lactobacillus acidophilus: chế từ vi khuẩn đông khô. Nhờ axít và kháng sinh tiết ra từ vi khuẩn mà chế phẩm sẽ lập lại hệ cân bằng vi khuẩn ruột, chống loạn khuẩn ruột, kích thích tăng IgA, phục hồi khả năng hấp thu của niêm mạc ruột.

Bacillus Clausii: chế từ bào tử chế phẩm sẽ lập lại hệ cân bằng vi khuẩn ruột, chống loạn khuẩn, đồng thời sản xuất một số vitamin nhóm B, đối kháng và khử độc các tác nhân gây tiêu chảy.

Saccharopmyces boulardii: chế từ tế bào nấm men. Ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và nấm men Candida, đối kháng và khử độc tố vi khuẩn (như Vibrio cholerae, Clostridium dificile), kích thích tăng IgA, phục hồi khả năng hấp thu của niêm mạc ruột.

Tất cả các sản phẩm này phải để ở nơi mát, không được pha vào nước nống khi uống (vì nhiệt độ cao sẽ diệt loại vi khuẩn ta cần cho phát triển).

Nhóm thuốc bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa:

Bao gồm các thuốc có cấu trúc xốp và có độ nhớt cao, tương tác với gycoprotein của dịch nhầy như smecta. Smecta là muối diosmectit (aliminium magnesium silicat). Có cấu trúc từng lớp, tạo ra độ nhớt cao (khi hòa vào dịch) nên có tính bao che niêm mạc rất lớn. Có tính bám dính cao vào niêm mạc tiêu hóa (do cấu trúc xốp và độ nhớt cao): làm tăng sức chịu đựng của lớp gel trên niêm mạc khi bị các tác nhân khác tấn công (do tương tác với glycoprotein của chất). Nhờ đó  mà bảo vệ được niêm mạc đại tràng, chống được sự kích thích, chống sự tiêu chảy mạn. Smecta có thể gây ra hay làm tăng sự táo bón nhưng rất hiếm; có tính chất hấp thụ làm giảm hiệu lực của các thuốc khác nên phải dùng cách xa các thuốc khác ít nhất là 2 giờ. Thường trình bày dưới dạng thuốc gói, dạng bột; phải pha với nước thành hỗn dịch mới uống.

Dung dịch oresol  sau  khi pha xong phải đạt nồng độ đẳng trương. Muốn có nồng độ ấy phải  pha đúng tỉ lệ trong nước đun sôi để nguội bằng những dung cụ đo lường chính xác.

Về nước để pha dung dịch oresol: phải là nước đun sôi để nguội hoặc là nước uống tinh khiết đóng chai. Không được dùng nước khoáng đóng chai vì nước khoáng đóng chai đã có chất điện giải sẵn khi pha với bột oresol sẽ được dung dịch ưu trương.

Về tỉ lệ pha dung dịch oesol: cứ mỗi gói bột oreol  thì phải pha thành 1 lít dung dịch oresol. Muốn pha đúng tỉ lệ bột thành dung dịch oresol cần phải có dụng cụ đong dung tích 1.000ml và que khuấy. Do không có dụng cụ này, một số bà mẹ cho cả gói oresol vào trong bát ăn dung tích chỉ khoảng 300ml, rồi dùng nước gạn ra từng ít một cho trẻ uống. Như thế dung dịch oresol lúc đầu sẽ rất đặc do pha thiếu nước và là dung dịch ưu trương. Khi trẻ uống dung dịch ưu trương (ít nước và nhiều muối) thì sẽ bị khát. Thấy trẻ còn khát bà mẹ cứ tiếp tục cho uống dung dịch ưu trương này dẫn đến tình trạng và trẻ sẽ bị “ngộ độc muối”:

Khi thừa muối sẽ có sự tăng áp lực thẩm thấu máu. Cơ thể sẽ tự điều chỉnh bù trừ bằng cách: tăng tiết hoóc-môn ADH  để giữ nước (tăng tái  hấp thu nước ở ống thận, tăng cảm giác khát, kích thích uống nước); chuyển dịch nước từ trong ra ngoài tế bào, làm mất dịch nội bào, đào thải bớt một số phân tử có tính thấm ra ngoài tế bào nhằm duy trì cân bằng giữa hai phía màng tế bào.

Tuy nhiên, nếu có sự tăng áp lực thẩm thấu máu quá cao (do nhiễm muối quá đậm đặc và phản ứng tự điều chỉnh quá muộn thì sẽ gây tổn tổn thương các mô đặc biệt là mô não. Riêng tại não, có một cơ chế đặc biệt: tự sinh ra các thành phần có sự thẩm thấu bên trong tế bào để có thể giảm bớt sự mất cân bằng giữa hai phía màng của tế bào thần kinh. Tuy nhiên cũng do cơ chế này, khi áp lực thẩm thấu máu tăng quá nhanh trong khi môi trường  nội bào của tế bào thần kinh vẫn ở trong tình trạng thẩm thấu cao (hơn các loại tế bào khác), nước từ ngoài sẽ tràn vào não gây phù não.

Ngộ độc muối (dùng thừa dung dịch oresol đậm đặc) có các biểu hiện sau:

- Sốt cao, đi ngoài nhiều lần gọi là tiêu chảy ưu trương.

- Khát dữ dội, môi nứt nẻ, đòi uống (trong tiêu chảy cấp mất nước lúc đầu thường có khát nhưng không dữ dội bằng).

- Mắt trũng da khô, khóc không có nước mắt, véo vào da vết véo mất đi rất nhanh, ít hay không có nước tiểu.

- Ngủ gà xen kẽ với những cơn kích thích vật vã quấy khóc dữ dội. Tăng trương lực cơ toàn thân, rung giật cơ chân tay mặt từng cơn ngắn, phản xạ gân xương tăng nhẹ, xuất hiện cơn co giật toàn thân. Dùng seduxen có thể cắt được cơn co giật nhưng tái phát lại ngay.

- Rối loạn nhịp thở, hôn mê sâu, phù não cấp (triệu chứng nặng đe dọa tính mạng).

- Xét nghiệm máu sẽ thấy các chỉ số chất điện giải cao hơn bình thường (natrichlorid máu 168 - 179mmol/lit;kalimau 4,7 - 5,1mmol/lit, chlorid máu 123 mmol/lit).


DS.CKII. BÙI VĂN UY
Ý kiến của bạn