Giáo dục và hướng dẫn người phụ nữ sau phá thai là vấn đề quan trọng, giúp đảm bảo an toàn cho họ. Thầy thuốc cùng với gia đình người phá thai giúp họ vượt qua mọi khó khăn, nhất là những chấn động về mặt tinh thần và tâm lý.
Sảy thai tự phát là trường hợp tử cung tự đẩy thai ra ngoài, thường xảy ra vào tháng thứ 2 hay tháng thứ 3 của thai kỳ, nguyên nhân phần lớn là do bất thường của thai và của nhau thai. Các nguyên nhân khác có thể là các bệnh toàn thân, rối loạn nội tiết, các bất thường về giải phẫu của cơ quan sinh dục ở người mang thai. Khi bị hư thai dưới 6 tháng và cân nặng dưới 1.000 gam thì gọi là sảy thai. Còn khi thai trên 6 tháng và trên 1.000g thì gọi là sinh non.
Phá thai là sự làm gián đoạn chu trình phát triển của thai hoặc thai được lấy ra khỏi tử cung người mang thai khi bào thai vẫn còn sống.
Có 2 loại trường hợp dẫn đến việc phá thai:
- Phá thai do người mang thai bị bệnh (có thể nguy hại đến tính mạng hoặc ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của thai) hoặc thai nhi bị bệnh hay có những khuyết tật nghiệm trọng.
- Phá thai do nguyên nhân gia đình - xã hội, do người mang thai không muốn có con trong khi thai vẫn phát triển bình thường. Có thể kể thêm các trường hợp mà người mẹ có thai do bị cưỡng hiếp. Những trường hợp phá thai này là do người mang thai tự ý quyết định chứ không do người thầy thuốc. Loại phá thai này hiện khá phổ biến trong xã hội chúng ta.
Việc phá thai có những diễn biến không bình thường
Các trường hợp phá thai cần được tư vấn, bàn bạc cẩn thận trước khi tiến hành thủ thuật. Thủ thuật dự định làm cần được giải thích cho người bệnh rõ.
Trước và trong thủ thuật phá thai, ở người phụ nữ thường hay gặp tình trạng cô đơn, lo lắng, sợ hãi. Sau phá thai, họ có thể bị rơi vào tình trạng trầm cảm. Ngoài ra, nạo phá thai có thể bị các tai biến hay biến chứng như: thủng tử cung, băng huyết, tổn thương cổ tử cung hoặc âm đạo, tai biến do dùng thuốc tê-mê. Các tai biến muộn hơn là sót thai, sót nhau, nhiễm trùng với sốt và chảy dịch hôi, viêm dính buồng tử cung ảnh hưởng đến chửa đẻ về sau…
Bạn bè và gia đình có thể không có mặt lúc phá thai để động viên giúp đỡ người bệnh. Vì thế, người điều dưỡng có thể là nhân tố quan trọng giúp họ phát hiện sớm các biến chứng cũng như khắc phục các bất thường về tâm sinh lý, kể cả khi họ đã trở lại với cuộc sống thường nhật. Sự đau đớn về thể xác do phải chịu đựng thủ thuật vẫn không thể sánh với sự đau đớn, bất ổn về mặt tinh thần của họ.
Các nguyên tắc về đạo đức và luật pháp trong phá thai
Phá thai được hợp thức hóa tại Hoa Kỳ vào năm 1973. Phá thai trong 3 tháng đầu là chuyện riêng tư giữa người mang thai và thầy thuốc của họ. Ở 3 tháng tiếp theo, nhà nước điều hành các cơ quan có trách nhiệm để đảm bảo việc phá thai được an toàn. Phá thai vào 3 tháng cuối có thể được thực hiện trong các trường hợp mà việc tiếp tục mang thai đe dọa đến tính mạng hay sức khỏe của người phụ nữ. Chú ý là luật pháp Hoa Kỳ công nhận người bệnh có toàn quyền quyết định tiếp tục hay không việc phá thai.
Ở Ý, nơi có Tòa thánh Vatican, luật phá thai được cộng nhận năm 1978 sau một cuộc trưng cầu dân ý sôi nổi kéo dài.
Mặc dù có những ý kiến phản đối kịch liệt biện pháp phá thai, việc nạo phá thai hợp pháp vẫn là một trong những phương pháp phổ biến nhất để kiểm soát sinh đẻ có kế hoạch đối với nhiều người ở nhiều nơi trên thế giới. Điều quan trọng là luật phá thai phải được chấp hành nghiêm chỉnh, các điều kiện chăm sóc y tế phải được quy định thành luật để đảm bảo an toàn cho người phụ nữ. Một thống kê cho thấy nạo phá thai là nguyên nhân của 5% số ca tử vong ở sản phụ.
Ở nước ta, Bộ Y tế quy định việc phá thai từ 6 tuần tuổi trở lên chỉ được phép tiến hành tại các cơ sở dịch vụ chuyên trách về sức khỏe sinh sản: từ tuyến huyện trở lên đối với thai từ 6 tuần đến hết 12 tuần tuổi (tính từ ngày đầu của kỳ kinh cuối) bằng phương pháp hút chân không; tại tuyến trung ương, tuyến tỉnh và tương đương đối với thai từ 7 tuần tuổi trở xuống (tính từ ngày kinh cuối cùng) bằng sử dụng thuốc (mifepriston và misoprostol, làm thai ngừng phát triển và gây sảy thai); từ tuyến huyện trở lên đối với thai từ 8 tuần đến hết 12 tuần tuổi (tính từ ngày đầu của kỳ kinh cuối) bằng phương pháp nong và nạo; tại tuyến trung ương, tuyến tỉnh và tương đương đối với thai từ 13 tuần đến hết 18 tuần tuổi bằng phương pháp nong và gắp. Trình độ của người thực hiện thủ thuật cũng được quy định chặt chẽ.
Vai trò của điều dưỡng - nữ hộ sinh trong việc chăm sóc phụ nữ phá thai
- Giải thích và hướng dẫn cho người phụ nữ những thủ tục cần thiết trước khi thực hiện thủ thuật. Đa số trường hợp cần được tư vấn, bàn bạc cẩn thận trước khi tiến hành thủ thuật. Thủ thuật phá thai dự định tiến hành cần được giải thích rõ cho người bệnh.
- Hướng dẫn người phụ nữ, hỗ trợ tinh thần cho họ trước, trong và sau khi phá thai để chống trầm cảm, có khi phải cần đến chuyên gia tâm lý. Tránh sử dụng rượu, cà phê hay các chất kích thích để giải quyết trầm cảm.
- Điều quan trọng là sau khi phá thai cần tránh giao hợp và giữ vệ sinh bộ phận sinh dục. Tránh dùng tăm bông, tránh thụt rửa âm đạo cho đến lần tái khám vào hai tuần sau đó.
- Tái khám sau 2 tuần. Trường hợp có các dấu hiệu như sốt, dịch âm đạo có mùi hôi, ra máu nhiều, bụng dưới co cứng và đau nhiều thì phải đến tái khám ngay.
- Như đã nói, trong các phá thai do nguyên nhân gia đình - xã hội, người phụ nữ sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn về mặt tinh thần. An ủi, giải thích, lắng nghe là biện pháp chủ yếu giúp học vượt qua nỗi đau tinh thần này. Nên hướng dẫn họ giải tỏa tâm trạng với người thân hoặc nhân viên y tế. Tránh giải sầu qua men rượu, qua thức đêm hay qua những cuộc vui chơi thâu đêm có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
- Về quan hệ tình dục: tháng đầu sau khi phá thai tránh quan hệ tình dục, tránh sử dụng các dụng cụ đưa vào âm đạo. Hướng dẫn cẩn thận cách phòng tránh thai và cần đánh giá lại cụ thể sự hiệu biết của họ về vấn đề này. Hướng dẫn cách vệ sinh sau quan hệ tình dục. Bày cách phát hiện có thai trong thời gian sớm nhất và nếu muốn phá thai vì lý do chính đáng thì nên đến các cơ sở dịch vụ chuyên trách. Đồng thời cung cấp cho họ những hiểu biết về các nguy cơ có thể xảy ra do phá thai như đã nói ở trên. Ngoài ra, cần hướng dẫn họ cách phát hiện các bệnh lây qua đường tình dục.
Hỗ trợ tinh thần cho họ trước, trong và sau khi phá thai để chống trầm cảm, có khi phải cần đến chuyên gia tâm lý
ThS. NGUYỄN THỊ NGỌC SƯƠNG (BV. ĐH Y Dược TP.HCM)