Một trong những nội dung của dự luật sửa đổi được nhiều người dân quan tâm là mức hỗ trợ chi trả tiền gửi có vượt hạn mức hay dừng ở không quá 75 triệu đồng/cá nhân như quy định hiện hành một khi ngân hàng phá sản. Một điều nữa mà dư luận xã hội băn khoăn - đó là "quyền lợi của người gửi tiền sẽ được xử lý như thế nào khi phá sản ngân hàng"?
Không ít ý kiến cho rằng mức quy định chi trả của bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75 triệu đồng không có ý nghĩa thực tiễn khi người gửi đến hàng tỉ đồng, vì thế cần phải xem xét kỹ quy định này. Luật cần xác định bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền là ưu tiên số 1 vì tiền gửi của người dân chiếm 85% vốn huy động của ngân hàng, có thể coi là cổ đông đặc biệt của ngân hàng. Tỉ lệ chi trả người gửi tiền phải tương ứng với tiền gửi thay vì gửi 100 triệu cũng được bồi thường 75 triệu đồng, gửi 10 tỉ đồng cũng nhận 75 triệu đồng. Nếu không chi trả vượt mức chi của bảo hiểm tiền gửi là 75 triệu đồng/người thì sẽ ảnh hưởng đến tính an toàn của hệ thống.
Điều nữa mà dư luận xã hội cũng rất băn khoăn là: quyền lợi của người gửi tiền sẽ được xử lý như thế nào khi phá sản ngân hàng? Không ít ý kiến cho rằng, một khi ngân hàng phá sản thì phải trả cả tiền gốc, lãi cho người dân để tránh hiệu ứng domino rút tiền hàng loạt, gây đổ vỡ dây chuyền cả hệ thống. Không trả đúng, đủ cho người dân sẽ khiến họ mất niềm tin vào hệ thống ngân hàng.
Theo quy định kinh nghiệm quốc tế, nhiều nước không cho phá sản tổ chức tín dụng để đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền. Còn dự thảo luật đưa ra phương án phá sản sẽ là phương án cuối cùng xử lý tổ chức tín dụng yếu kém.
Phương án cho phá sản ngân hàng chỉ là 1 trong 5 giải pháp được quy định trong dự thảo luật để Ngân hàng Nhà nước có thể xử lý một ngân hàng yếu kém nhằm bảo vệ người gửi tiền và an toàn hệ thống. Theo đó, một ngân hàng bị kiểm soát, đặc biệt là được đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước và được cơ cấu lại theo các phương án: phục hồi, sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; giải thể; chuyển giao bắt buộc; phá sản. Với tổ chức ngân hàng nào còn có thể phục hồi được thì tiến hành tái cơ cấu, còn với những ngân hàng yếu kém không phục hồi được thì cần phải xử lý. Phá sản chỉ nên xem là biện pháp cuối cùng, khi những phương án khác như phục hồi, chuyển giao, giải thể... không thực hiện được.
Chính phủ đề xuất đưa vào luật các phương án cho phá sản ngân hàng để có nhiều lựa chọn, cơ sở pháp lý nhằm củng cố, đưa hệ thống ngân hàng trở lại hoạt động lành mạnh. Giải pháp phá sản được xem là "sau cùng" bởi trong quá trình hoạt động, Ngân hàng Nhà nước còn có rất nhiều quy định kiểm soát khác nhau để ngân hàng hoạt động an toàn, đúng hướng.
Trở lại với băn khoăn của người dân về quy định chi trả của bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75 triệu đồng chưa công bằng với người gửi nhiều tiền và người gửi ít tiền đều như nhau. Theo Luật Bảo hiểm tiền gửi hiện hành, bảo hiểm tiền gửi nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản. Tiền gửi được bảo hiểm là tiền đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng.
Theo luật định hiện hành, nếu một ngân hàng phá sản, các tài sản còn lại của ngân hàng đó sẽ được ưu tiên tiến hành chi trả cho chủ nợ là các khoản vay đặc biệt đầu tiên, tiếp đến chính là những người gửi tiền, thứ ba là các tổ chức tín dụng trên thị trường liên ngân hàng, đối tượng tiếp theo được xét duyệt chi trả là người sở hữu trái phiếu ngân hàng, thứ năm là các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ và cuối cùng là các cổ đông của nhà băng đó.
Tuy nhiên, việc tiến hành phá sản một tổ chức tín dụng và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng đó sẽ mất một khoảng thời gian rất dài và khoản tiền người dân nhận được sớm nhất chính là khoản bảo hiểm tiền gửi. Về vấn đề này, người dân có thể yên tâm, bởi trước đó, giải trình trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, dự luật đã cho phép Chính phủ áp dụng các giải pháp đặc biệt, do đó có thể quy định chi trả vượt hạn mức cho người gửi tiền trong trường hợp đặc biệt. Như vậy, về cơ bản vẫn là đảm bảo quyền lợi người gửi tiền và sẽ không xảy ra hiệu ứng domino khi cho phá sản ngân hàng.