Cụ thể, vào lúc 23 giờ ngày 6/8, Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận bệnh nhân T.C.T (18 tuổi, ngụ Hậu Giang) vào viện với lý do mệt. Bệnh nhân cho biết, trước ngày nhập viện đã đi uống rượu với 4 người bạn có "pha nhầm" chai cồn rửa tay vào rượu. Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, niêm hồng, nôn ói nhiều. Kết quả xét nghiệm độc chất cho thấy nồng độ methanol trong máu 242.25mg/dL.
Lúc 15 giờ 7 phút ngày 7/8, bệnh viện tiếp tục tiếp nhận P.T.Q (21 tuổi, ngụ Q.1, TP.HCM) trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc được, niêm hồng. Trước ngày nhập viện, anh Q. đã đi uống rượu cùng anh T.C.T và bạn bè. Hôm sau, bệnh nhân mệt, nôn ói nhiều và người nhà phải đưa đi cấp cứu. Hiện chưa có quả xét nghiệm độc chất nhưng chẩn đoán theo dõi ngộ độc methanol ngày 3. Bệnh nhân được điều trị tại ICU, dùng ethanol, Vitamin B1.
Lúc 15 giờ 10 phút ngày 7/8, Bệnh viện Nhân dân Gia Định lại tiếp nhận thêm 3 bệnh nhân đều ở TP.HCM. 3 bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc được, niêm hồng và hiện đang chờ kết quả xét nghiệm độc chất methanol.
Như vậy, trong 4 ngày gần đây, tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định liên tiếp tiếp nhận bệnh nhân liên quan đến ngộ độc sau sử dụng rượu. Vào ngày 4/8 bệnh viện này đã tiếp nhận 4 trường hợp ngộ độc methanol. Cụ thể, một nhóm sinh viên làm thêm ở quán ăn đã uống rượu pha với nước ngọt từ khuya 3/8 đến rạng sáng 4/8. Rượu được lấy từ trong kho hàng của quán ăn. Sau buổi nhậu này, 1 người tử vong tại phòng trọ, 1 người tử vong tại bệnh viện, 6 người nhập viện cấp cứu.
Methanol thường được gọi là cồn công nghiệp, có nhiều công dụng khác nhau: làm sơn, dung môi… Chất này rất độc với cơ thể và hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm.