Phá hoại tượng, trộm cổ vật: Hồi chuông báo động

15-04-2019 13:21 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Mặc dù nhiều vụ phá hoại, xâm hại tượng, trộm cắp cổ vật ở các di tích đã xảy ra và làm nóng dư luận, tuy nhiên tình trạng này vẫn tái diễn khiến người dân bức xúc.

Chùa Khánh Long (xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội) là nạn nhân mới nhất của sự việc này, bởi nhiều pho tượng tại chùa đã bị kẻ xấu phá hoại những ngày gần đây.

Được xây dựng vào năm 1698, chùa Khánh Long được xem là một trong những chùa cổ tại Thủ đô Hà Nội hiện nay. Người khai sáng ra ngôi chùa này là Quốc sư Hòa thượng - Nguyễn Đức Trung, tự là Đạo chất Thiền sư. Trải qua thăng trầm lịch sử, chùa bị tàn phá bởi chiến tranh, khi hòa bình lập lại, chùa được người dân đóng góp, công đức để tu tạo thờ Phật.

16/18 pho tượng tại chùa Khánh Long gần đây bị kẻ xấu phá hoại khiến dư luận rất bức xúc.

16/18 pho tượng tại chùa Khánh Long gần đây bị kẻ xấu phá hoại khiến dư luận rất bức xúc.

Tuy nhiên gần đây, đang trong thời gian trùng tu, tôn tạo, chùa Khánh Long đã bị xâm hại nghiêm trọng. Đại đức Thích Thanh Khánh, trụ trì chùa Khánh Long vừa cho biết, từ cuối tháng 3/2019, nhà chùa phát hiện một số pho tượng La Hán bằng đá cẩm thạch bị kẻ xấu dùng gạch, đá đập vỡ ngón tay, ngón chân và tai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến không gian thờ tự, chốn tôn nghiêm. Hiện tại, theo thống kê, 16/18 pho tượng tại chùa Khánh Long bị kẻ xấu phá hoại và nhà chùa đã báo cáo sự việc đến các cơ quan chức năng địa phương truy tìm thủ phạm để xử lý theo quy định pháp luật.

Trên thực tế, nhiều sự việc tương tự từng xảy ra ở các đền, chùa ở nước ta khiến dư luận bức xúc. Không trực tiếp đập phá tượng thì người dân, du khách thập phương lại có kiểu xâm hại theo cách riêng của mình. Điển hình tại chùa Bái Đính (Ninh Bình) có 2 hành lang La Hán đặt 500 pho tượng được làm bằng đá xanh, mỗi mùa lễ hội, hàng vạn lượt du khách đến tham quan, đi qua hành lang tượng La Hán đã dùng tay sờ, nhét tiền lẻ vào tay các pho tượng. Sau thời gian dài, hàng trăm pho tượng tại chùa Bái Đính đã bị mòn, màu đá xanh bị mòn khiến màu đen bóng nổi lên ở nhiều vị trí như tay, chân, quần áo các pho tượng...trông rất mất thẩm mỹ. Hành động sờ tay, nhét tiền lẻ lên tượng La Hán ở chùa Bái Đính do đó được đánh giá cần loại bỏ vì phản cảm, xâm hại di tích.

Không những vậy, người dân nước ta nhiều lần bàng hoàng và lo sợ bởi vấn nạn trộm cắp cổ vật ở chùa chiền. Điển hình như chùa Vẽ (thành phố Bắc Giang), kẻ gian từng đột nhập lấy cắp 4 pho tượng quý có niên đại hàng trăm năm mang giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học thẩm mỹ cao. Bên cạnh đó, chùa Hiển Lễ (thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), chỉ trong thời gian ngắn bị kẻ gian liên tiếp đột nhập lấy trộm 15 pho tượng khiến nhân dân địa phương lo lắng, bức xúc. Đặc biệt, dư luận và các nhà nghiên cứu từng bức xúc bởi tượng Quan Thế Âm ở chùa Mễ Sở (tỉnh Hưng Yên) bị mất cắp. Đây là pho tượng Phật cổ quý hiếm, một kiệt tác hiếm có ở Việt Nam bởi mang phong cách nghệ thuật của thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 được đánh giá có thể đưa vào danh sách bảo vật quốc gia. Ngoài ra, chùa Bổ Đà nhiều năm qua nằm trong tầm ngắm của đạo chích bởi chùa có nhiều cổ vật giá trị. Năm 2009, chùa Bổ Đà bị mất trộm 6 pho tượng phật, đầu năm 2016, chùa này bị kẻ gian đột nhập trộm mất 1 chiếc chóe cổ và 4 lộc bình, năm 2017 lại mất pho tượng Quan âm Tổng tử. Các pho tượng, lộc bình, chóe cổ bị mất tại chùa Bổ Đà đến nay vẫn “bặt vô âm tín”.

Theo các chuyên gia, việc tượng bị phá hoại bằng cách trực tiếp như ở chùa Khánh Long gần đây hoặc việc nhét tiền lẻ, sờ tay lên tượng La Hán tại chùa Bái Đính trong các mùa lễ hội là hành vi thiếu văn hóa của một bộ phận người dân khi đến với những chốn linh thiêng. Điều này xuất phát từ ý thức kém và có phần coi thường pháp luật của một số du khách khi hòa vào không gian văn hóa thiêng liêng. Trong khi đó, hành vi ăn cắp cổ vật là không thể chấp nhận. PGS.TS. Trần Lâm Biền cho rằng, đối với những tên “đạo chích”, cổ vật trong chùa là món mồi ngon béo bở dễ dàng lấy cắp. Để xảy ra tình trạng này bởi đa phần các cụ cao tuổi, thủ từ, thủ nhang thường là những người được giao trông coi di tích. Đến khi cổ vật bị mất cắp, trách nhiệm không biết quy cho ai. Bởi vậy, chúng ta cần chú trọng hơn trong công tác quản lý bảo vệ di sản văn hóa, di tích để tránh tình trạng “chảy máu cổ vật”.

Ban quản lý các khu di tích cần tiếp tục tuyên truyền, đồng thời cắt cử nhân viên túc trực để nhắc nhở người dân không xoa tiền, gài tiền lẻ lên tượng Phật nhằm đảm bảo sự tôn nghiêm. Chúng ta cũng không nên nghĩ việc trông coi di tích, bảo vệ cổ vật cho các cụ cao tuổi, thủ từ, thủ nhang... như thời gian qua mà cần phải có sự phối hợp giữa ngành văn hóa, chính quyền và nhân dân địa phương. Nếu lấp được những lỗ hổng ấy, vấn nạn phá hoại, xâm hại tượng phật và trộm cắp cổ vật tại các di tích mới không lặp lại “những trông thấy mà đau đớn lòng” ở trên.


Phạm Quỳnh
Ý kiến của bạn