Thành lập, mua lại hàng chục doanh nghiệp để mua bán trái phép hóa đơn
Công an TP. Hải Phòng cho biết, đây là vụ án phức tạp, có liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều doanh nghiệp trên nhiều địa bàn các tỉnh, thành phố trong cả nước. Các đối tượng này đã tiếp tay cho các loại tội phạm khác như tham nhũng, buôn lậu, rửa tiền, trốn thuế... với số lượng lớn, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Tang vật vụ án được cơ quan công an thu giữ.
Trước đó, qua công tác nghiệp vụ Phòng CSKT - Công an TP. Hải Phòng phát hiện một ổ nhóm đối tượng có dấu hiệu hoạt động mua bán trái phép hóa đơn GTGT, qua đó xác định đối tượng Lê Quốc Thanh (52 tuổi, trú xã Bắc Sơn, huyện An Dương, TP. Hải Phòng) cầm đầu cùng một số đối tượng khác tham gia đắc lực trong đường dây. Quá trình điều tra thu thập chứng cứ, các trinh sát Ban Chuyên án gặp phải rất nhiều khó khăn vì băng nhóm của Thanh đều là những đối tượng đã tham gia hoạt động mua bán trái phép hóa đơn GTGT lâu năm, có rất nhiều kinh nghiệm và thủ đoạn tinh vi. Chúng được Thanh phân chia công việc, nhiệm vụ rất chặt chẽ, rõ ràng, ngay chính các đối tượng trong đường dây cũng không được gặp gỡ nhau, mọi việc đều phải thông qua sự chỉ đạo của Thanh. Riêng Thanh cũng thường xuyên thay đổi phương tiện đi lại để tránh bị theo dõi. Bản thân y không quản lý, cất giữ bất kỳ đồ vật, tài liệu nào liên quan đến hoạt động mua bán hóa đơn mà giao cho đối tượng Bùi Thị Ngọc Oanh (45 tuổi, trú tại phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng) quản lý tại nhà riêng của Oanh.
Sau nhiều tháng liên tục, kiên trì theo dõi, thu thập các tài liệu, chứng cứ, ngày 2/10, nắm được thông tin Thanh và Oanh sẽ viết hóa đơn khống để bán cho khách hàng. Tại nhà riêng của Oanh, Phòng CSKT phối hợp của các phòng nghiệp vụ Công an thành phố đã bắt quả tang Thanh và Oanh đang bán hóa đơn GTGT khống với số tiền hơn 22 triệu đồng cho Trần Thị Phương Linh (29 tuổi, trú ở quận Hải An, Hải Phòng).
Qua khám xét, cơ quan điều tra thu giữ tại đây nhiều bộ dấu tròn công ty; con dấu chức danh giám đốc; hàng chục quyển hóa đơn GTGT đã ghi và chưa ghi nội dung; trên 10 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của các công ty (ma) do Thanh và Oanh thành lập để thực hiện việc mua bán trái phép hóa đơn GTGT cùng nhiều tang vật liên quan khác. Tại Cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận đã tổ chức hoạt động mua bán hóa đơn GTGT từ năm 2012 đến nay, chúng đã thành lập và mua lại hàng chục doanh nghiệp chỉ để mua bán hóa đơn GTGT với số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Địa bàn hoạt động của chúng liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố lớn trên cả nước như Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An... Cơ quan công an đã tạm giữ hình sự Lê Quốc Thanh và Bùi Thị Ngọc Oanh để tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Hóa đơn điện tử - Giải pháp ngăn chặn mua bán hóa đơn “khống”
Do việc sử dụng hóa đơn giấy dễ dãi (đặt in, tự in hóa đơn giấy, không có sự kết nối dữ liệu về hóa đơn với cơ quan thuế), một số đối tượng đã lợi dụng sự thông thoáng này để thành lập nhiều doanh nghiệp, hoặc mua lại các doanh nghiệp không kinh doanh trên thực tế nhưng được sử dụng hóa đơn để xuất hóa đơn khống, sử dụng hóa đơn lòng vòng nhằm mục đích được khấu trừ, hoàn khống thuế GTGT...
Theo Tổng cục Thuế, thời gian qua, công tác quản lý hóa đơn của doanh nghiệp đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Đáng chú ý trong số đó là quy định về in, phát hành, sử dụng hóa đơn áp dụng đối với hóa đơn giấy theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP đã không còn phù hợp với bối cảnh triển khai thủ tục hành chính điện tử. Nghị định số 51/2010/NĐ-CP cũng chưa tạo điều kiện pháp lý đầy đủ cho việc triển khai rộng rãi, phổ biến áp dụng hóa đơn điện tử trong bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ.
Tại dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) với mục tiêu bảo vệ, nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế, nâng cao năng lực của cơ quan thuế, Ban soạn thảo Luật đã bổ sung quy định về áp dụng hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử vào Dự thảo Luật. Theo luật sư Nguyễn Hưng, Công ty Luật TNHH The Light cho rằng, việc đưa hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử vào trong luật đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế có thể chủ động khởi tạo hóa đơn điện tử, không phải mua hóa đơn giấy. Hơn nữa, việc sử dụng hóa đơn điện tử đã đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa của ngành thuế, phù hợp với sự phát triển của thời đại công nghệ thông tin đang bùng nổ hiện nay. Ngoài sự cần thiết phải đưa vào luật những quy định về hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử, thì các quy định của luật là khá chặt chẽ, đảm bảo cơ quan thuế có thể quản lý, giám sát tình hình sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp, hạn chế việc mua bán hóa đơn bất hợp pháp như hiện nay.
Còn theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, việc chuyển đổi từ giao dịch sử dụng hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử là yêu cầu tất yếu của một hệ thống thương mại hiện đại, minh bạch và góp phần đáng kể trong việc hạn chế doanh nghiệp “ma” chuyên mua bán hóa đơn khống. Việc này cũng sẽ giúp ngành thuế “quản” được việc phát hành hóa đơn của người nộp thuế, hỗ trợ tích cực cho công tác đối chiếu, xác minh hóa đơn để qua đó phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.