Phá đường dây buôn bán thực phẩm chức năng giả

30-03-2012 9:28 PM | Thời sự

Liên quan đến thực phẩm chức năng (TPCN) giả, báo SK&ĐS trong các số báo 30 ngày 21/2 và số 40 ngày 10/3 đã liên tục phản ánh việc lợi dụng nhu cầu giảm béo của nhiều người, hàng loạt sản phẩm TPCN nhãn hiệu Lishou bị làm giả (loại 40 viên)

Liên quan đến thực phẩm chức năng (TPCN) giả, báo SK&ĐS trong các số báo 30 ngày 21/2 và số 40 ngày 10/3 đã liên tục phản ánh việc lợi dụng nhu cầu giảm béo của nhiều người, hàng loạt sản phẩm TPCN nhãn hiệu Lishou bị làm giả (loại 40 viên) gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng đã được cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ... Chiều 29/3, nhận được nguồn tin cơ quan chức năng triệt phá đường dây buôn bán TPCN giả quy mô lớn, PV báo SK&ĐS đã kịp thời có mặt theo chân các lực lượng chức năng phá án.

Hàng nghìn hộp TPCN giả bị thu giữ

Sau một thời gian dài trinh sát và điều tra, chiều 29/3, Đội Phòng chống tội phạm trong lĩnh vực y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm - Công an Hà Nội phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1 đã khám phá chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng giả TPCN Lishou với tổng trị giá gần 1,1 tỉ đồng

 Các cơ quan chức năng đang kiểm tra lô hàng thực phẩm chức năng Lishou giả. Ảnh: Nguyễn Thắng

Tại kho hàng 647 Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội, lực lượng chức năng đã bắt giữ nhiều thùng hàng TPCN Lishou giả. Lô hàng TPCN Lishou bị bắt giữ gồm 12 thùng với tổng số 1.748 lọ, mỗi lọ có giá khoảng 600.000 đồng do đối tượng Trần Thị Thanh Ly (trú tại TP. Hồ Chí Minh) thuê Phạm Hồng Pho cất giữ tại số 647 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội. Đặc biệt, toàn bộ số TPCN này đều được dán tem chống hàng giả của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an.

Trung tá Phạm Giang Sơn - Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm trong lĩnh vực y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm (Đội 6-PC49-Phòng Cảnh sát môi trường - Công an Hà Nội) cho biết, mỗi lọ thuốc Lishou (có 40 viên nén, mỗi viên là 500mg) đều được đóng gói bao bì, nhãn mác, in tem chống hàng giả một cách tinh vi, khó phát hiện. Trung tá Phạm Giang Sơn cho biết, rất nhiều sản phẩm làm đẹp không rõ nguồn gốc cũng bị thu giữ cùng với lô hàng TPCN giảm béo này như sản phẩm giảm cân 3X Slimming Power, sản phẩm làm hồng nhũ hoa… Đại diện của Công ty cổ phần Thiết bị y tế Phú Hải cho biết, công ty đã ngừng nhập khẩu và phân phối sản phẩm này (loại 40 viên) từ ngày 5/9/2011 sau khi có hàng loạt thông tin về TPCN giảm béo Lishou có chứa hoạt chất sibutramine nguy hiểm cho tính mạng người sử dụng.

 Các cơ quan chức năng đang kiểm tra xác định lô hàng giả.

Nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng

Liên quan đến TPCN giảm béo Lishou có chứa hoạt chất sibutramine nguy hiểm cho tính mạng người sử dụng, ngày 14/4/2011, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có Quyết định số 120/QĐ-QLD yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, giám đốc các cơ sở kinh doanh (KD) thuốc, giám đốc cơ sở sản xuất, đăng ký thuốc chứa hoạt chất sibutramine thu hồi tất cả các mặt hàng thuốc có chứa hoạt chất này do có tác dụng không mong muốn, đồng thời rút số đăng ký của tất cả các thuốc có chứa hoạt chất sibutramine ra khỏi danh mục các thuốc được cấp số đăng ký lưu hành trên thị trường Việt Nam.
 
Tuy nhiên, mới đây trên địa bàn Hà Nội (thị xã Sơn Tây, Thanh Trì...), lực lượng chức năng đã liên tục phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh loại TPCN Lishou giả có hàm lượng sibutramine trong thành phần. Điều nguy hiểm là do việc quảng cáo trên bao bì là giảm béo một cách khoa học như không có cảm giác đói nhưng không ảnh hưởng đến sự hấp thụ chất dinh dưỡng cần thiết nên nhiều người tiêu dùng vẫn sử dụng mà không hề biết sản phẩm này độc hại cho cơ thể.     
 
Trung tá Phạm Giang Sơn cho biết, hiện, cơ quan công an đang khẩn trương truy bắt chủ lô hàng là Trần Thị Thanh Ly và lập hồ sơ tiến hành tiêu hủy số TPCN giả nói trên. Vụ việc đã được bàn giao cho Công an kinh tế TP. Hà Nội để tiếp tục điều tra mở rộng. 
 

ThS. Phạm Trần Linh - Viện Tim mạch Quốc gia cho biết, những người sử dụng sản phẩm có chứa hoạt chất sibutramine nhằm mục đích giảm cân cần hết sức thận trọng vì hoạt chất này có thể gây các bệnh như: tăng huyết áp, rối loạn tim mạch, có nguy cơ đột qụy. Người bị bệnh tim mạch không được sử dụng vì có thể gây nhồi máu cơ tim, nguy hiểm đến tính mạng. Loại thực phẩm chức năng giả này đặc biệt nguy hiểm với những người có tiền sử bệnh tim mạch, tăng huyết áp. Nếu dùng liều cao sẽ làm tăng nhịp tim, gây rối loạn nhịp tim, rối loạn nặng hơn ở hệ thống tim mạch.

 Bài và ảnh: Thu Toàn


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH