Phá cố chỉ chữa viêm phế quản

SKĐS - Phá cố chỉ còn gọi là cố chỉ hay bổ cốt chỉ là hạt quả chín phơi khô hay sấy khô của cây phá cố chỉ.

Phá cố chỉ còn gọi là cố chỉ hay bổ cốt chỉ là hạt quả chín phơi khô hay sấy khô của cây phá cố chỉ.

Về thành phần hóa học, phá cố chỉ chứa các hợp chất coumarin, chất dầu, alcaloid, sterol... Về tác dụng sinh học, phá cố chỉ làm tim co bóp mạnh hơn, tăng lưu lượng máu đối với động mạch vành tim và các vi huyết quản; có tác dụng ức chế với liên cầu khuẩn, tụ cầu vàng, Staphylococcus, trực khuẩn lao và virut thường gặp; cải thiện triệu chứng bạch cầu giảm sau khi dùng phương pháp xạ trị, do phá cố chỉ có tác dụng kích thích sự sinh trưởng của tế bào bạch cầu hạt. Dịch chiết cồn có tác dụng đối với bệnh bạch biến. Phá cố chỉ còn có tác dụng gây hưng phấn với cơ trơn ruột và tăng trương lực cơ trơn tử cung cô lập. Gần đây có những nghiên cứu chỉ ra khả năng chống stress và tác dụng giảm đau của phá cố chỉ. Ngoài ra, Bakuchion trong phá cố chỉ và dẫn chất của nó có tác dụng đối với các nội tiết tố thượng thận.

Phá cố chỉ chữa viêm phế quản

Cây và vị thuốc phá cố chỉ.

Theo YHCT, phá cố chỉ có vị cay, đắng, tính ấm; quy vào các kinh can, thận, tỳ. Với công năng ôn thận trợ dương, nạp khí, chỉ tả. Được dùng trong trường hợp chân dương hư hàn dẫn đến liệt dương, di tinh, di niệu, tiểu nhiều lần, đau lưng, đau gối; hoặc trong các trường hợp thận hư phát suyễn, đoản hơi. Phụ nữ khí hư, bạch đới, kinh nguyệt không đều, bế kinh. Liều dùng 6-9g/ngày dưới dạng thuốc sắc, thuốc hoàn, hoặc cồn thuốc bôi ngoài da.

Phá cố chỉ được dùng làm thuốc trong các trường hợp:

Viêm phế quản mạn tính, tức ngực, khó thở: phá cố chỉ, thỏ ty tử, hồ đào nhục, nhũ hương, một dược, trầm hương mỗi vị 6g cùng mật ong chế hoàn, hoặc sắc uống trong ngày.

Bạch biến: phá cố chỉ giã dập, thêm cồn ethylic 30%, ngâm 3- 4 tuần. Lấy dịch chấm vào chỗ bị bệnh.

Trị tiểu tiện nhiều lần: phá cố chỉ (chích muối), tiểu hồi vi sao, đồng lượng, tán bột mịn, ngày uống 2 lần, mỗi lần 3-5 g, trước bữa ăn 1giờ.

Trị tiểu tiện không tự chủ: phá cố chỉ (chích muối), kim anh, khiếm thực, thục địa, ngưu tất mỗi vị 12g; hoài sơn 16g, trạch tả, phụ tử chế, phục linh, tang phiêu tiêu mỗi vị 8g; nhục quế 4g; sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần, uống sau bữa ăn 1,5-2 giờ. Có thể dùng độc vị phá cố chỉ trị đái dầm bằng cách, sau khi chích muối, đem tán bột mịn, ngày uống 2 lần, mỗi lần 3-5g.

Trị liệt dương, di tinh, tiểu tiện không tự chủ, lưng gối đau, lạnh: phá cố chỉ (chích muối) 12g; hồ đào nhục (nhân hạt óc chó), đương quy, ba kích, thục địa, đều chích rượu, mỗi vị 10g; tiểu hồi, nhục quế mỗi vị 6g. Các vị tán bột mịn, ngày uống 20g chia 3 lần. Có thể sắc hoặc ngâm rượu uống.

Trị di tinh: phá cố chỉ (chích muối), ba kích, sừng nai, thỏ ty tử, hoàng tinh, hoài sơn mỗi vị 12g, liên nhục 16g. Tán bột mịn, ngày uống 30g, chia 3 lần, uống trước bữa ăn 1 giờ 30 phút.

Trị tiêu chảy mạn tính: phá cố chỉ, sâm bố chính, tục đoạn, hoài sơn, mỗi vị 12g; nhục quế, can khương, nam mộc hương, sa nhân, trần bì, mỗi vị 8g. Tán bột mịn, ngày uống 20g chia 2-3 lần, uống trước bữa ăn 1 giờ.

Trị thiếu máu do nguyên nhân tủy xương: phá cố chỉ, hà thủ ô đỏ (chế), hoàng tinh, thỏ ty tử, đảng sâm, lộc giác mỗi vị 20g; phục linh, đương quy, đại táo mỗi vị 12g; lộc nhung 4g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần, sau bữa ăn 1,5-2 giờ.

Trị chứng giảm bạch cầu: phá cố chỉ sao vàng, tán bột mịn, uống ngày 3g hoặc luyện mật làm hoàn, uống lượng tương đương với 3g bột mịn.

Lưu ý: Phá cố chỉ có tác dụng hoạt huyết nên người viêm loét dạ dày, viêm đường tiêu hóa nói chung không nên dùng, đặc biệt các trường hợp có nguy cơ xuất huyết, trĩ xuất huyết, rong kinh, băng huyết ở phụ nữ. Dùng ngoài, cũng không nên dùng dung dịch quá đặc hoặc bôi quá nhiều lần trong ngày, đề phòng gây rộp da.

GS.TS. Phạm Xuân Sinh



Ý kiến của bạn