Pha chế tập trung thuốc điều trị ung thư - Nhiều lợi ích cho bệnh nhân

06-11-2019 14:23 |
google news

SKĐS - Thay vì pha chế rải rác tại các khoa lâm sàng, BV Hữu Nghị đã triển khai pha chế tập trung thuốc điều trị ung thư và là một trong số ít BV triển khai kỹ thuật mới trong công tác dược bệnh viện, góp phần nâng cao chất lượng điều trị.

Theo các chuyên gia dược, hóa trị liệu là phương pháp phổ biến để điều trị các bệnh ung thư. Khoảng 70% các trường hợp ung thư cần đến điều trị hóa chất. Các thuốc chống ung thư hầu hết là các thuốc gây độc tế bào do đó liều lượng phải được tính chính xác dựa trên những đặc điểm của từng bệnh nhân (tuổi, giới, diện tích bề mặt cơ thể, các chỉ số sinh hóa...) và thuốc thường được pha loãng trước khi truyền cho bệnh nhân.

Do vậy, việc chuẩn bị thuốc cho hoá trị liệu là một công việc pha chế theo đơn cần phải được thực hiện và giám sát bởi dược sĩ.

TS.BS Nguyễn Thế Anh - Phó Giám đốc BV Hữu nghị, Trưởng khoa Hồi sức tích cực của BV cho biết, bắt đầu từ năm 2013, BV đã tiến hành pha chế tập trung thuốc điều trị ung thư. Trước đây, việc tiến hành pha chế hóa trị liệu được thực hiện tại các khoa lâm sàng và người thực hiện là điều dưỡng viên, điều này đã dẫn đến một số bất cập.

Chẳng hạn, pha chế trong điều kiện không đảm bảo, gây nguy hại cho cả người pha chế và người bệnh: Tiếp xúc với thuốc chống ung thư có thể dẫn đến các tác dụng phụ như viêm da tiếp xúc, ho, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy... Ngoài ra, tiếp xúc trong thời kỳ mang thai làm tăng rủi ro bất thường của thai nhi, thai ngoài tử cung, sảy thai...

Việc pha chế đơn lẻ dễ dẫn đến lãng phí (ví dụ: Bệnh nhân cần dùng liều 125mg oxaliplatin trong khi oxaliplatin chỉ có dạng đóng gói 100mg và 50mg)...

Tiến hành pha chế tập trung thuốc điều trị ung thư tại BV Hữu Nghị.

Nhận thức rõ những bất cập trong việc pha chế đơn lẻ và ý nghĩa thực tiễn của công tác pha chế tập trung thuốc điều trị ung thư, BV Hữu Nghị đã thực hiện pha chế tập trung thuốc điều trị ung thư tại Khoa Dược. Theo Thạc sĩ, Dược sĩ Bùi Đức Trung, thực tế công tác pha chế tập trung cho kết quả rất tốt trên cả 3 mặt: an toàn, hiệu quả và kinh tế.

Về tính an toàn, đối với nhân viên y tế, pha chế với quy trình chuẩn và thiết bị chuyên dụng giúp cách ly hoàn toàn với thuốc. Không ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. Rác thải độc hại được tập trung xử lý, tránh gây ô nhiễm môi trường.

Đối với bệnh nhân, pha chế trong “Tủ pha chế vô trùng cách ly” với kỹ thuật vô trùng giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ nhiễm khuẩn của thuốc.

Việc pha chế dưới sự giám sát chặt chẽ của dược sĩ đảm bảo đúng liều lượng, đúng dịch pha truyền và hạn chế các tương kỵ. Pha chế theo quy trình chuẩn đảm bảo được chất lượng của thuốc qua đó đảm bảo hiệu quả điều trị. Không những thế, việc pha chế tập trung tiết kiệm được thuốc dùng cho các bệnh nhân có cùng thuốc điều trị.

Để triển khai công tác pha chế tập trung thuốc điều trị ung thư, BV đã đầu tư một buồng kỹ thuật để thực hiện việc pha chế thuốc tập trung. Buồng kỹ thuật đó đảm bảo cho điều kiện pha chế thuốc một cách an toàn nhất, đáp ứng đầy đủ yêu cầu trong công tác điều trị. Khoa Dược đã cùng với các phòng chức năng xây dựng Phòng Pha hóa trị liệu với các trang thiết bị hiện đại, đảm bảo an toàn, hiệu quả cho công tác pha chế các thuốc gây độc tế bào: Tủ vô trùng cách ly, tủ bảo quản thuốc và thành phẩm, trang bị bảo hộ cho nhân viên pha chế...

Đồng thời, nghiên cứu xây dựng quy trình chuẩn pha chế từng loại thuốc ung thư; đào tạo kỹ thuật pha chế vô trùng cho nhân viên pha chế; xây dựng phần mềm quản lý, kiểm soát thông tin pha chế, giảm thiểu tối đa sai sót trong quá trình thực hiện.

Buồng kỹ thuật thực hiện việc pha chế thuốc tập trung đảm bảo an toàn.

Nói về quy trình pha chế tập trung thuốc điều trị ung thư, TS.BS Thế Anh nhấn mạnh, việc pha chế thuốc này phải có quy trình giám sát chặt chẽ các khâu để tránh được nhầm lẫn về hàm lượng thuốc, liều lượng thuốc, tên thuốc… Cụ thể, bác sĩ sẽ kiểm tra xem có bao nhiêu bệnh nhân cùng sử dụng một loại thuốc điều trị ung thư, mỗi bệnh nhân sử dụng hàm lượng bao nhiêu trong 1 ngày. Sau đó, bệnh nhân sẽ được ghi đơn và gửi lên khoa Dược bệnh viện để tập trung đơn thuốc cho đơn vị pha chế. Đơn vị pha chế thuốc sẽ tính liều để sử dụng đủ cho bệnh nhân đó, dán tem nhãn ghi tên, khoa phòng điều trị, nồng độ, liều lượng... rồi chuyển về khoa điều trị sử dụng cho từng người bệnh.

"Các thuốc điều trị ung thư đa số rất đắt tiền, sử dụng dựa trên tính toán chính xác từng kg cân nặng của người bệnh để dùng liều lượng cho thích hợp. Khi pha chế tập trung thì những phần thuốc chưa sử dụng hết sẽ tiếp tục được pha chế để sử dụng cho bệnh nhân tiếp theo mà không phải hủy bỏ thuốc đó đi. Nếu cùng một lọ thuốc, bệnh nhân tiết kiệm 10-20% cho một liều thuốc. Điều quan trọng nữa là không để thuốc đó phát tán ra môi trường, không để thuốc tiêu hủy tránh lãng phí trong điều kiện kinh tế người dân còn hạn chế"- Phó Giám đốc BV Hữu Nghị nói.

Điều 18, Thông tư 22/2011/TT-BYT ngày 10/6/2011 của Bộ Y tế Quy định tổ chức và hoạt động của khoa Dược bệnh viện nêu rõ: ”Khoa Dược đảm nhiệm việc pha chế thuốc điều trị ung thư vào trong dịch truyền hoặc trong dung dịch tiêm cho khoa lâm sàng. Nơi chưa có điều kiện thì khoa Dược phải xây dựng quy trình pha chế, hướng dẫn và kiểm soát việc pha thuốc ung thư cho người bệnh tại khoa lâm sàng”.

Dương Hải
Ý kiến của bạn