PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu: Khám bệnh trực tuyến – Hướng đi mới của ngành y tế

23-04-2020 14:38 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Telemedecine đã được triển khai tại Việt nam từ nhiều năm trước, nhiều bệnh viện lớn làm rất chuyên nghiệp trong việc hội chẩn trao đổi trực tuyến giữa các cơ sở y tế với nhau.Tuy nhiên,lần này là tương tác trực tiếp giữa bệnh viện và bệnh nhân - một tương tác khó khăn nhất cả về hành lang pháp lý cũng như kỹ thuật thực hiện. Có thể nói, đây là sự khởi đầu mới trong việc ứng dụng công nghệ trong chăm sóc sức khỏe người dân.

Phóng viên Báo SK&ĐS đã có cuộc trao đổi với PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu – Đại biểu Quốc hội Việt Nam khoá XIV, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để hiểu rõ hơn về chương trình này.

PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

PV:Nhiều năm nay, chúng ta đã nói nhiều đến bệnh viện online, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, bệnh án điện tử,…. Dịch bệnh COVID-19 như một "cú hích" đã thúc đẩy cả ngành y tế đến lựa chọn phải chuyển đổi số, nhanh nhất có thể. Khám bệnh trực tuyến trở thành một vấn đề cấp thiết.Ông có thể cho biết mục đích của chương trình khám chữa bệnh từ xa này?

Triển khai Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và ứng dụng Bluezone bảo vệ cộng đồng, phòng chống COVID-19 tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu: Triển khai hệ thống Telemedicine mang lại hiệu quả cao trong nhiều hoạt động. Trước hết, triển khai nền tảng khám chữa bệnh từ xa giúp bệnh nhân được bác sỹ của các bệnh viện hàng đầu hỗ trợ, chẩn đoán và điều trị thông qua các phiên hội chẩn trực tuyến. Sự kết nối trực tuyến từ bệnh viện tuyến trên, từ các chuyên gia hàng đầu có thể giúp các bệnh viện tuyến dưới, vùng sâu, vùng xa xử lý được cả những ca bệnh phức tạp.

Từ những ứng dụng chẩn đoán, khám bệnh, tư vấn điều trị từ xa sẽ giúp các cơ sở y tế thực sự chuyển mình, góp phần giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên,đồng thời tạo nền tảng dữ liệu hồ sơ bệnh án cho bệnh nhân, là vai trò quyết định trong triển khai điều trị chăm sóc sức khoẻ toàn diện cho bệnh nhân sau này.

Việc chẩn đoán bệnh từ xa sẽ góp phần thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 thông qua việc giúp người dân hạn chế đến các cơ sở khám chữa bệnh nếu không cần thiết nhưng vẫn được chăm sóc y tế.

PV:Thưa PGS, hoạt động khám trực tuyến này sẽ thực hiện ra sao, và áp dụng được với những chuyên khoa nào? Về phía Bệnh viện Đại học Y, công tác chuẩn bị đã diễn ra như thế nào để có thể triển khai chương trình khám chữa bệnh từ xa này?

PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu: Tất cả các chuyên khoa đều có thể áp dụng được. Đối với các bệnh viện, sẽ cần hệ thống truyền dữ liệu ảnh, hệ thống kết nối hội nghị trực tuyến. Còn đối với các cá nhân người dân bị bệnh sẽ dựa trên các phần mềm, các dụng cụ theo dõi cá nhân tại nhà.

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã có sự chuẩn bị cho công tác khám chữa bệnh từ xa này từ rất sớm. Ngay khi bắt đầu xây dựng hệ thống bệnh viện vệ tinh, chúng tôi đều khuyến khích kết nối phần mềm, dữ liệu thống nhất với nhau. Về hình ảnh, kết quả chẩn đoán chúng tôi  đã thường xuyên trao đổi, hội chẩn và đưa ra phương án tốt nhất cho bệnh nhân.

Cách đây 3 năm, bệnh viện đã kết hợp với các đơn vị khác triển khai hệ thống khám bệnh lý tim bẩm sinh và bệnh lý ở trẻ sơ sinh tại An Giang. Trẻ sơ sinh đều được kiểm tra bằng các thiết bị y tế công nghệ như ống nghe có khả năng khuếch đại tiếng tim, các dữ liệu sẽ được chuyển về trung tâm tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và thông qua phần mềm trí tuệ nhân tạo có thể tự nhận biết được các tiếng bệnh lý hoặc bình thường. Đây cũng là kinh nghiệm rất quý báu để chúng tôi có thể triển khai khám chữa bệnh từ xa theo dự án của chính phủ vừa đề ra.

PV: Để thực hiện tốt chương trình này, không chỉ Bệnh viện Đại học Y mà về phía các bệnh viện vệ tinh cũng phải có sự phối hợp, ông đánh giá thế nào về sự chuẩn bị cố gắng của các bệnh viện vệ tinh? Và hiện nay các bệnh viện có thể đáp ứng đến đâu trong việc ứng dụng khám chữa bệnh từ xa này?

PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu: Tôi nghĩ việc quan trọng nhất cần chuẩn bị là nhân lực. Đây là 1 vấn đề hết sức mới, cũng không thể  tránh khỏi những trục trặc ban đầu. Nhưng ngay khi Bệnh viện Đại học Y bắt đầu triển khai nền tảng công nghệ mới này với hệ thống bệnh viện vệ tinh, tiêu biểu là Mường Khương (Lào Cai), Quảng Xương (Thanh Hoá) đều sử dụng rất thành thạo. Tuy nhiên, bối cảnh điều kiện thiết bị y tế còn hạn chế, có những đơn vị còn chưa có cáp quang,  thiếu máy tính, trang thiết bị y tế, máy chụp, máy siêu âm,… đều rất cũ. Vì vậy kết nối IT là điều khó khăn. Chính vì vậy, cùng với việc mở rộng thì các đầu cầu cần hoàn thiện cơ sở vật chất, chúng ta làm thật tốt từng đơn vị một để chương trình thực sự hiệu quả!

PV:Thưa ông, với người bệnh, để tham gia trực tiếp vào chương trình khám chữa bệnh trực tuyến này, người bệnh cần làm thế nào?

PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu: Trước hết bệnh nhân cần tải ứng dụng, sau đó chỉ cần đăng ký và sử dụng theo hướng dẫn. Đối với bệnh nhân ngoại trú của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội liên hệ qua tổng đài để được hỗ trợ. Các bệnh nhân cũ đã có mã bệnh án để truy cập và đặt lịch khám từ xa, đặt hẹn, đặt phẫu thuật can thiệp. Riêng lĩnh vực tư vấn bệnh thì hiện nay, các hành lang pháp lý chưa hoàn thành.  Mong Bộ y tế sớm đưa ra các hướng dẫn, quy định cụ thể trong việc tiến hành khám chữa bệnh từ xa.

Bệnh nhân được thăm khám trực tuyến bằng một số trang thiết bị y tế tự sử dụng, sau đó chuyển đổi chỉ số qua ứng dụng điện thoại.

Triển khai Khám chữa bệnh từ xa, các bệnh viện tuyến Trung ương sẽ giảm tải khám, chữa các bệnh thông thường, để dành sức lực tập trung điều trị các ca bệnh nặng mà bệnh viện tuyến dưới chưa xử lí được. Theo tôi đây chính là cách làm chuyên nghiệp hoá các cơ sở khám chữa bệnh, là hướng đi của tương lai trong y tế.

PV:Xin trân trọng cảm ơn ông!

Box:  Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ Y tế khuyến cáo: Không nên đến cơ sở y tế nếu không phải cấp cứu. Hãy hỏi cán bộ y tế online trước khi muốn đi khám bệnh.


Ý kiến của bạn