- Bác sĩ đến với ngành y và đặc biệt là lĩnh vực khó như phẫu thuật tim mạch thế nào?
Trước khi trở thành phẫu thuật viên chính, cầm dao mổ tôi có 15 năm học. 6 năm ở Đại học Y Hà Nội, 4 năm là bác sĩ nội trú ở Bệnh viện Việt Đức, 2 năm đi Pháp để học về chuyên ngành phẫu thuật tim mạch. Trở về Việt Nam, tôi tiếp tục học thêm một năm ở Viện Tim TP.HCM cùng rất nhiều chuyên gia người Pháp.
- Bác sĩ từng chia sẻ mất 15 năm để được cầm dao mổ. Hành trình ấy có gì đáng nhớ và đem lại bài học quan trọng gì cho công việc hiện tại?
Đây là quá trình không hề đơn giản, rất cực nhọc. Khi còn là bác sĩ nội trú ở Việt Nam và Pháp, tôi đã làm tất cả mọi việc từ điều trị bệnh nhân cho đến những công việc của điều dưỡng, hộ lý. Tôi không từ chối bất cứ việc gì. Năm 1997, tôi bắt đầu được phụ mổ tim.
Ở Pháp, tôi phụ mổ hàng ngày cho các thầy. Trong môi trường ấy, tôi học được rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm để nâng cao trình độ. Dần dần, tôi được họ cho thực hiện một số kỹ thuật chính.
Đặc biệt, các thầy còn thay đổi nhận thức, thái độ của tôi đối với nghề. Bác sĩ cũng là công việc, nhiệm vụ của chúng tôi là phục vụ người dân, cứu người. Đó không phải sự ban ơn đối với bệnh nhân. Điều đó giúp tôi luôn hết mình với công việc.
- Ca mổ đầu tiên với vai trò là phẫu thuật viên chính trong sự nghiệp của bác sĩ diễn ra như thế nào?
Năm 2004, lần đầu tiên, tôi đứng trong phòng mổ với tư cách là phẫu thuật viên chính. Đó chỉ là ca phẫu thuật vá lỗ thông liên thất khá đơn giản. Sau 15 năm được đào tạo bài bản, 7 năm phụ mổ, lúc ấy, tôi như “quả bóng xì hơi” nên không còn thấy bỡ ngỡ, hồi hộp nữa.
Kể từ đó, mọi kỹ thuật phẫu thuật tim mạch phức tạp nhất đã được thực hiện tại Bệnh viện Tim Hà Nội.
- Ở thời điểm đó, chắc hẳn ngoài cách “cầm tay chỉ việc” không còn lựa chọn nào khác để các thầy truyền đạt lại kinh nghiệm, kiến thức cho các thế hệ sau?
Không chỉ ở thời điểm đó, cho đến tận gần đây, chúng ta vẫn phải duy trì “cầm tay chỉ việc”. Bác sĩ tuyến dưới phải lên tận bệnh viện tuyến trên hoặc chuyên gia phải xuống tận nơi để đào tạo.
Ví dụ, các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ thực hiện được thành công ca mổ vá lỗ thông liên thất cho bệnh nhi 55 tháng tuổi, thể trạng yếu, chúng tôi đã làm việc với nhau 4 năm qua. Thời gian đầu, họ lên Hà Nội học. Sau đó, chúng tôi xuống tận nơi để cầm tay chỉ việc cho họ.
- Như vậy, với sự phát triển của công nghệ thông tin, sinh viên y khoa, các bác sĩ phẫu thuật ở thời điểm này được hưởng lợi rất nhiều trong quá trình học tập, nâng cao chuyên môn? Ông suy nghĩ gì về điều này?
Đúng vậy! Thời tôi còn là sinh viên y khoa, chưa có điện thoại di động, chưa có mạng Internet. Các phẫu thuật viên chuyên ngành tim mạch cũng không nhiều, xuất phát điểm như nhau, nên ngoài một vài giáo sư thì người thầy của tôi chính là sách và bệnh nhân. Sau mỗi lần cầm dao mổ, tôi lại tự rút kinh nghiệm cho chính mình.
Ngày nay, sự phát triển của công nghệ thông tin giúp ích rất nhiều cho sinh viên y khoa, bác sĩ. Nếu chưa rõ vấn đề gì, các em có thể dễ dàng tìm kiếm trên Google.
- Vừa qua, các bác sĩ ở BV đa khoa tỉnh Phú Thọ đã lần đầu tiên phẫu thuật thành công cho ca mổ tim được điều khiển từ xa. Sự kiện này có lẽ sẽ minh chứng rõ nhất cho việc trong tương lai không xa, chúng ta có thể kỳ vọng thông qua Telehealth, nhiều bác sĩ hơn nữa sẽ được rút ngắn thời gian học tập, đạt trình độ chuyên môn để phẫu thuật tim mạch?
Telehealth là cuộc cách mạng trong ngành y. Vì vậy, tôi tin rằng đây là cơ hội để rút ngắn thời gian học tập của các phẫu thuật viên chuyên ngành tim mạch. Hiện tại, nhiều bác sĩ theo tôi học nghề chỉ sau 2-3 năm có thể tự tin cầm dao mổ.
Chúng tôi từng chỉ có một cách duy nhất để truyền đạt kiến thức cho các thế hệ sau là “cầm tay chỉ việc”, rồi đến chỉ dẫn qua chiếc điện thoại di động. Ngày nay, khi áp dung Telehealth, chúng tôi có thể trao đổi với nhau qua hình ảnh thực, âm thanh thực. Các ý tưởng, nội dung muốn truyền đạt đều diễn ra ngay lập tức, không còn khoảng cách địa lý.
- Bác sĩ đánh giá tương lai đó sẽ diễn ra trong bao lâu nữa? Tỷ lệ giữa việc trao đổi, đào tạo trực tiếp và từ xa sẽ dần thay đổi như thế nào?
Đối với các bác sĩ tuyến dưới, Telehealth đem lại 3 lợi ích: Một là, rút ngắn thời gian lên tuyến trên để học tập.
Hai là, tự tin thực hiện phẫu thuật. Thực chất, để một ca phẫu thuật thành công, 90% là phụ thuộc vào “cái đầu” của bác sĩ chứ không phải bàn tay. Như vậy, tư vấn đóng vai trò rất quan trọng trong sự thành công của cuộc mổ. Sự trợ giúp từ xa của các chuyên gia sẽ giúp các bác sĩ ở tuyến cơ sở yên tâm cầm dao, hạn chế tối đa các tai biến nguy hiểm. Đặc biệt, nếu tuyến dưới chẳng may để xảy ra biến chứng thì Telehealth sẽ giúp có được ngay chỉ dẫn xử trí kịp thời, trực tiếp từ bác sĩ tuyến trên, giúp cứu sống bệnh nhân trong gang tấc.
Ba là, trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát như hiện nay, việc áp dụng Telehealth sẽ đảm bảo sự an toàn cho các bác sĩ. Bởi họ không phải di chuyển giữa nhiều cơ sở y tế khác nhau.
Ngoài ra, Telehealth còn giúp tiết kiệm nguồn lực của xã hội, tận dụng cơ sở vật chất của bệnh viện tuyến dưới, giảm chi phí điều trị cho người bệnh.
Với những ưu điểm này, chắc chắn, tỷ lệ đào tạo, trao đổi trực tiếp và từ xa sẽ dần thay đổi. Trong đó, đào tạo từ xa qua Telehealth sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng, chiếm tỷ lệ ngày càng cao.
- Công cụ này đã, đang và sẽ được bệnh viện tim Hà Nội áp dụng để đào tạo các bệnh viện vệ tinh như thế nào?
Ngay từ đầu tháng 4 năm 2020, Bệnh viện Tim Hà Nội đã tổ chức một tuần 3 buổi đào tạo từ xa. Trong đó, hai buổi các chuyên gia trao đổi về lý thuyết, một buổi hội chẩn các ca khó.
Hàng trăm bác sĩ tại bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện đã tham gia các buổi đào tạo này. Các bác sĩ được đào tạo các kiến thức cơ bản về tim mạch, các bệnh lý, hướng dẫn cách cấp cứu bệnh nhân.
- Ông có nhận xét gì khi triển khai và vận hành hệ thống Telehealth của Viettel?
Thực tế việc sử dụng Telehealth trong ca mổ tim được hỗ trợ từ xa đầu tiên ở Việt Nam tại Bệnh viện đa khoa Phú Thọ cho thấy chất lượng đường truyền tốt, âm thanh và hình ảnh rất rõ nét, không có cản trở gì trong truyền tải thông tin giúp các bác sĩ dù ở xa nhưng như đứng cạnh nhau.
Tuy nhiên, Telehealth sẽ phát huy tác dụng tốt nhất đối với các ca bệnh ở mức độ dễ và khó vừa phải. Với các trường hợp đặc biệt, cực kỳ phức tạp, chúng tôi vẫn phải “cầm tay chỉ việc”. Các bệnh nhân này cần được phẫu thuật bởi những chuyên gia có kinh nghiệm và tại các cơ sở y tế có đầy đủ kỹ thuật hiện đại.
Về công nghệ, hiện tại tôi thấy nhiều bệnh viện đang triển khai Hệ thống hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) đều dùng của Viettel nên cũng có thể coi là một thành công của họ. Tuy nhiên, triển khai Telehealth cũng không đơn giản bởi không phải cơ sở y tế, bác sĩ nào cũng quen với việc sử dụng công nghệ. Ngoài ra, việc lắp đặt các thiết bị đầu cuối để áp dụng hệ thống này cũng là chi phí không nhỏ với các bệnh viện.
Đặc biệt, điều cần được quan tâm hiện nay là hoạt động khám, chữa bệnh từ xa chưa có quy định rõ ràng về việc các bệnh viện, bác sĩ, áp dụng phương pháp này sẽ được chi trả như thế nào. Nếu không có hướng dẫn bằng các quy định cụ thể thì cả các bệnh nhân, bác sĩ, bệnh viện… cũng khó có thể vận hành với Telehealth.
Telehealth là hệ thống hỗ trợ, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa được Viettel triển khai tại nhiều bệnh viện như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Tim Hà Nội… kết nối đến hàng chục bệnh viện tại các tỉnh thành trên cả nước. Dự kiến thời gian tới, Viettel sẽ triển khai kết nối Telehealth đến 1.000 cơ sở y tế, khám chữa bệnh trên toàn quốc. |
Thu Hà (thực hiện)