Hà Nội

PGS.TS.BS. Nguyễn Quang Tuấn - Ứng cử viên ĐBQH khóa XIV: Bác sĩ “3H” của bệnh viện “3TH”

20-05-2016 12:39 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - “Tôi biết mình đi qua cuộc đời này chỉ một lần. Vì vậy, nếu cần thể hiện tình cảm của mình với ai đó, hoặc làm một điều tốt đẹp cho những người xung quanh, tôi xin làm ngay trong lúc này…”

“Tôi biết mình đi qua cuộc đời này chỉ một lần. Vì vậy, nếu cần thể hiện tình cảm của mình với ai đó, hoặc làm một điều tốt đẹp cho những người xung quanh, tôi xin làm ngay trong lúc này…”

Vì một trận ốm mà trở thành… bác sĩ

Thời học sinh, Nguyễn Quang Tuấn giỏi xuất sắc các môn khoa học tự nhiên với thành tích học sinh giỏi quốc gia môn vật lý. Nếu tiếp tục con đường “vật lý”, anh cũng đã trở thành một trong những người đầu tiên của nước nhà đi theo lĩnh vực vật lý nguyên tử. Trận ốm nặng đúng trước kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế năm 1983 tại Bungari như một sự can thiệp của số phận khiến chàng trai Hà Nội rẽ sang con đường y học. Thời điểm anh đỗ ĐH Y cũng là lúc chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra. Chàng trai Hà Nội ấy đã tạm gác việc học, lên đường nhập ngũ, trở thành anh bộ đội tên lửa trên mảnh đất Hà Tu nơi biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

“Cũng có lúc tôi cảm thấy buồn bởi lẽ ra đang được khoác chiếc áo blouse thì mình lại khoác áo lính, đối diện với tử thần. Nhưng sau này, tôi hiểu rằng những năm quân ngũ không vô ích. Nó giúp tôi có sự tự tin, dạn dày của một con người đã từng ở rất gần lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết, giúp tôi nhìn cuộc sống thật hơn”- PGS.TS. Nguyễn Quang Tuấn chia sẻ.

Sau 4 năm trận mạc, năm 1988, anh lính trẻ Nguyễn Quang Tuấn trở lại giảng đường ĐH Y. Mặc dù là một trong những người dẫn đầu về học tập của toàn khóa nhưng 1 - 2 năm đầu tiên với anh vẫn chỉ là sự trả bài của một học trò chuyên cần.

“Khi tôi học Y 3, thật sự bắt đầu mê mẩn ngành này” - BS. Tuấn cho biết. Ấy là lúc bắt đầu đi lâm sàng tại bệnh viện, chứng kiến các bác sĩ tim mạch mang đến sự hồi sinh kỳ diệu cho những trái tim đang dần nguội lạnh. Duyên gắn bó chuyên ngành tim mạch cũng bắt đầu từ đó.

“Tôi biết mình đi qua cuộc đời này chỉ một lần. Vì vậy, nếu cần thể hiện tình cảm của mình với ai đó, hoặc làm một điều tốt đẹp cho những người xung quanh, tôi xin làm ngay trong lúc này. Vì rằng tôi sẽ không quay lại cuộc đời này một lần nữa” (William Penn). Những lời tha thiết này đã được PGS.TS. Nguyễn Quang Tuấn lấy làm lời dẫn trong cuốn “Tự sự của trái tim” của anh - một cuốn sách phản ánh khá rõ con đường khoa học mà anh đang đi. Đó cũng là tình yêu người, yêu đời sâu sắc của một trái tim bác sĩ tài năng và tràn đầy nhân ái. Trong mỗi bước đường công tác, anh đã biến tình yêu đó thành hiệu quả thật sự trong việc hồi sinh cho những trái tim đau.

Tuấn nói anh yêu cái đẹp, vì thế từng vết mổ trong cơ thể bệnh nhân, với anh cũng phải đẹp. Trong công việc, niềm vui với anh không bao giờ đọng lại lâu như những trăn trở, bởi "suy nghĩ làm cho người ta luôn mới, không giậm chân tại chỗ".

Người góp phần làm thay đổi sâu sắc lĩnh vực Tim mạch can thiệp tại Việt Nam

Giải nhất Nhân tài đất Việt năm 2010 lĩnh vực y tế về đề tài “Can thiệp động mạch vành qua đường ống thông (đặt stent)” vinh danh PGS.TS. Nguyễn Quang Tuấn và TS. Phạm Mạnh Hùng khẳng định tầm vóc mới của y học Việt Nam với khu vực và thế giới. PGS. Tuấn luôn kiên định quan điểm: “Phải tập trung vào ngành mũi nhọn. Nếu không có mũi nhọn, thế giới sẽ không biết Việt Nam là ai. Ta cũng không thể “ngoi lên mặt đất” để người ta nhìn thấy mình”.

Năm 1996, BS Nội trú Nguyễn Quang Tuấn sang học ở Pháp về “Tim mạch học can thiệp” - một chuyên ngành lúc đó Việt Nam còn ở bước sơ khai, mà nhu cầu thì rất nhiều trong điều trị. Tốt nghiệp xuất sắc tại Trường đại học Toulouse, anh nhận được lời mời ở lại làm việc, nhưng anh vẫn quyết định về nước vào năm 1997. Với anh, đó cũng là một quyết định khó khăn. Về Việt Nam, hành trang của anh chỉ có sách vở, không có internet và điều kiện làm việc. Anh cảm nhận rõ nhất thực tiễn khác biệt giữa Việt Nam và Pháp, tựa như từ thiên đường và tụt xuống mặt đất. Phương pháp điều trị bằng can thiệp khi bắt đầu đem vào áp dụng tại Việt Nam đã vấp phải nhiều rào cản. Chi phí trung bình cho mỗi ca can thiệp động mạch vành khoảng 2.000 USD, vào thời điểm 1997 là quá lớn đối với nhiều bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân vẫn chưa tin tưởng vào khả năng của các bác sĩ nước nhà và cũng chưa biết nhiều về phương pháp điều trị này; các đồng nghiệp trong nước cũng chưa ủng hộ ngay. Nong động mạch vành bị tắc vì xơ vữa động mạch còn bị cho là quá xa vời, vì nhiều người cho rằng đó là bệnh của riêng các nước phát triển. Bởi thế, thời gian đầu, trung bình mỗi năm chỉ có 8-10 ca tới điều trị. Phải tới năm 1999, phương pháp này mới được ứng dụng rộng rãi.

Nhưng rồi mọi chuyện đã trở nên thuận lợi hơn. Việt Nam đã bỏ ra số tiền rất lớn vào thời điểm trước năm 2000 - đó là 2 triệu USD để mua máy móc phục vụ cho ngành tim mạch. Quyết định đó do GS. Phạm Song đưa ra, quả là một đầu tư đúng đắn cho tương lai, tạo những điều kiện ban đầu cho ngành tim mạch can thiệp. Bên cạnh đó, BS. Tuấn cũng hạnh phúc vì may mắn  có được những người thầy giỏi mà anh thường nhắc đến với lòng biết ơn sâu sắc như thầy Phạm Gia Khải, Nguyễn Lân Việt. Các thầy đã giúp đỡ và động viên anh rất nhiều trong thời gian đầu làm nghề. Những thành tích y khoa mà BS. Tuấn đạt được là chiếc cầu nối giúp người bệnh tiếp cận kỹ thuật can thiệp hiện đại với chi phí thấp hơn, không phải tốn kém đi ra nước ngoài. Nước nhà cũng tiết kiệm được ngoại tệ cho việc thuê chuyên gia trong lĩnh vực tim mạch.

“Y học không ngừng phát triển bởi bản thân nó và bản thân mình”, PGS. Tuấn luôn tâm niệm như vậy. Kỹ thuật đặt stent kể từ giải thưởng Nhân tài đất Việt năm 2010 đến nay vẫn được anh và đồng nghiệp không ngừng hoàn thiện. Có thủ thuật trước đây cần vài tiếng, giờ rút xuống còn 45 phút. Những rủi ro cũng ngày càng được kéo xuống mức thấp nhất.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tặng hoa cho bệnh nhân bị vỡ tim được cứu sống tại Bệnh viện Tim Hà Nội.

Bác sĩ 3H - Bệnh viện 3TH

Năm 2012, BS. Nguyễn Quang Tuấn có quyết định về làm Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội. Lúc này, Bệnh viện đang gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất lẫn trang thiết bị, là bệnh viện phẫu thuật tim nhưng lại không có nội khoa, can thiệp. Sau nhiều ngày suy nghĩ, trăn trở, anh đã có một quyết định táo bạo: Đứng ra vay vốn ngân hàng để xây dựng, cải tạo lại toàn bộ bệnh viện. Viện Tim Hà Nội được xây dựng theo mô hình Bệnh viện công lập tự chủ, hạch toán như một doanh nghiệp, đến 2015 đã mở cơ sở 2 khang trang rộng rãi ở đường Võ Chí Công.  Với mô hình này, Bệnh viện có điều kiện xây dựng cơ chế làm việc để cán bộ y tế làm việc với tâm thế là người cung cấp dịch vụ chứ không chỉ là phục vụ và người bệnh được coi là nhân vật trung tâm. Viện hoạt động với phương châm 3H (Head, Hand, Heart - làm việc với trí tuệ, kỹ năng và cái tâm) và 3 TH (Bệnh viện thân thiện, dịch vụ thuận tiện, nhân viên thanh lịch) của các y, bác sĩ dành cho bệnh nhân.

Bên cạnh phòng của Giám đốc Tuấn tại cơ sở 2 của Viện Tim Hà Nội là hội trường. Vào lúc quá Ngọ, khi tôi đang phỏng vấn anh để thực hiện bài báo này, bên Hội trường đang diễn ra một khóa học của Viện. Anh có chủ trương đào tạo liên tục cho các bác sĩ của Viện bằng nhiều hình thức như là đào tạo tại chỗ và du học tại các nước tiên tiến hơn ta. Tháng 4 năm nay, Viện đã ký kết hợp tác với Bệnh viện Perigueux (Pháp) nhằm tăng cường hợp tác trao đổi về trang thiết bị y tế hiện đại và nâng cao trình độ, tay nghề của các y bác sĩ giữa hai bệnh viện. Trước đó, anh cũng đã ký kết hợp tác với nhiều bệnh viện lớn ở một số nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản… Không khí say sưa học tập, nghiên cứu khoa học sôi nổi trong Viện, xuất phát từ đam mê nghiên cứu khoa học, cập nhật không ngừng những kiến thức mới từ vị giám đốc này. Nhiều đề tài cấp Bộ, cấp Nhà nước đã được nghiệm thu đưa vào áp dụng.

Viện Tim Hà Nội đã chuyển giao công nghệ kỹ thuật can thiệp tim mạch tới bệnh viện của 26 tỉnh trên toàn quốc và đang thêm 8 tỉnh nữa. Quy trình được bệnh viện áp dụng thành công là đào tạo nhân lực; tư vấn xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị; cử toàn bộ êkíp tới nơi nhận chuyển giao để “cầm tay chỉ việc” từ việc đánh giá bệnh nhân, tổ chức phương án triển khai cho đến thực hiện cụ thể trên từng ca bệnh.

BS. Tuấn cho biết, một trung tâm đào tạo cho người bệnh và người nhà của họ sẽ được thành lập để giáo dục, phổ biến, tuyên truyền cho người dân biết cách phòng, chống các bệnh tim mạch, cách phát hiện sớm để được điều trị kịp thời. Rồi đây, người dân có cơ hội có được trái tim khỏe nhờ tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng đến từ trái tim của các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội. Hàng năm, Bệnh viện Tim Hà Nội là đơn vị khám chữa bệnh miễn phí, hỗ trợ bệnh nhân nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt nhiều nhất so với các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước. Viện đã chi nhiều tỉ đồng trong nhiều năm nay cho việc xuất bản các ấn phẩm hướng dẫn cách tự chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh và phát hiện bệnh sớm; Đã xuất bản hàng trăm ngàn cuốn sách phát miễn phí cho các bệnh nhân và cộng đồng dân cư trên cả nước. “Là người bác sĩ, nhiệm vụ cao cả nhất, giỏi nhất và cần làm nhất là hướng dẫn người dân biết cách chăm sóc sức khỏe để không mắc bệnh. Đừng tự hào mình giỏi, mình phẫu thuật giỏi nhất, mình chữa được bệnh hiểm nghèo mà hãy trăn trở, tìm cách hạn chế việc mắc bệnh của người dân. Đó mới là cái tâm của người làm nghề y” - BS. Tuấn tâm sự.

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuấn (người đeo kính, thứ 4 từ trái qua) đang chỉ đạo phẫu thuật thay van tim.

Khi người ta làm việc bằng cả trái tim mình, kết quả đạt được sẽ không chỉ là gạch đầu dòng để ghi trong bảng thành tích. Đó là khi con người ta hạnh phúc vì được sống cùng tình yêu của mình, mỗi ngày. BS. Tuấn cho rằng, y học có phát triển thì sức khỏe của người dân mới được chăm sóc một cách tốt nhất. Vì vậy, anh luôn mang tất cả tâm huyết và trí tuệ của mình cống hiến cho sự nghiệp cao quý... Với cái tâm trong sáng ấy, PGS.TS.BS. Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội luôn được đồng nghiệp tin tưởng, được nhiều thế hệ người bệnh quý mến. Anh đã được tín nhiệm cao lựa chọn là Ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XIV. Anh ý thức rằng, trở thành ĐBQH đồng nghĩa anh có điều kiện mang tiếng nói từ cơ sở, những kinh nghiệm thực tiễn mà mình đang “ngụp lặn” hàng ngày đến với diễn đàn lớn của nhân dân. Do đó có điều kiện góp phần đưa y tế đến gần nhân dân hơn và phục vụ tốt cho nhân dân hơn. Đương nhiên là khi đó trách nhiệm sẽ nặng nề hơn nhưng cũng giống như công việc hàng ngày của một người bác sĩ, nếu như có sự gắn kết, giải quyết mọi khúc mắc từ công tác khám chữa bệnh đến khâu quản lý thì mọi việc đều… trôi.

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuấn hiện là Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội; giảng viên chính Bộ môn Tim mạch Trường ĐH Y Hà Nội; Chủ tịch Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam; Chủ tịch Hội Tim mạch Hà Nội; Ủy viên Ban Quản lý dự án, hoạt động Phòng, chống bệnh tăng huyết áp thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia Y tế giai đoạn 2012-2015; thành viên Trường môn Tim mạch học Đông Nam Á (Fs ACC); thành viên Ban cố vấn Hội Tim mạch học can thiệp châu Á-Thái Bình Dương (FAPSIC); thành viên Hội Tim mạch học can thiệp Hoa Kỳ (FSCAI)…


Võ Hồng Thu
Ý kiến của bạn