PGS.TS. Trương Thanh Hương: Người cứ đi để lối thành đường

15-04-2019 06:52 | Y tế
google news

SKĐS - Việt Nam những năm cuối của thế kỷ XX, ngày đó ai được khen là béo thường rất hãnh diện. Và khái niệm rối loạn mỡ máu là một danh từ xa lạ với hầu hết dân chúng.

Ngay cả trong các bệnh viện hạng 1, để được ký chỉ định làm xét nghiệm rối loạn mỡ máu phải là trưởng khoa trở lên. Nhưng có một nữ bác sĩ nội trú đã lặng lẽ, bền chí thuyết phục cả hội đồng khoa học, lao vào nghiên cứu một đề tài mà với các “cây đa, cây đề” của nền y học Việt Nam ngày đó chỉ là công tác thống kê lại kết quả của chuyên ngành hóa sinh, không xứng tầm với một bác sĩ nội trú (BSNT) được đào tạo bài bản từ Pháp trở về.

PGS. Trương Thanh Hương.

PGS. Trương Thanh Hương.

Là một trong hai BSNT tim mạch khóa đầu tiên của Đại học Y Hà Nội, BS. Trương Thanh Hương có cơ hội tiệm cận, đào tạo một cách bài bản tại các trung tâm y khoa của thế giới. Sau khi tốt nghiệp BSNT với số điểm cao, chị được tiếp nhận công tác tại Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai và là giảng viên của Trường đại học Y Hà Nội. Với những thành tích xuất sắc trong học tập và công tác, BSNT. Thanh Hương được cử đi tu nghiệp về tim mạch học lâm sàng và siêu âm - Doppler tim tại Đại học Paris VI, Bệnh viện Saint Antoin Paris; tiếp đó là tim bẩm sinh tại Bệnh viện Robert Debre. Năm 1997, trở về nước với những kiến thức đó, BS. Hương là một trong số rất ít bác sĩ có kiến thức chuyên môn cận lâm sàng chuẩn chỉnh, tiệm cận xu thế điều trị hiện đại. Các thầy, các giáo sư gạo cội của ngành y lúc đó, hầu hết đều mong muốn phát triển BS. Thanh Hương theo con đường siêu âm tim.

Vậy nhưng với những kiến thức đã được đào tạo, qua sách vở và thực tiễn lâm sàng điều trị hàng ngày, BSNT. Trương Thanh Hương lại thấy có mối liên quan mật thiết giữa tăng huyết áp (THA) và rối loạn lipid máu. Chị tâm sự: “Được học từ Pháp về và cũng theo sách vở thì: Xu hướng phát triển bệnh lý của một đất nước sau chiến tranh, thể nào cũng có những rối loạn lipid máu và THA. Yếu tố thuận lợi là do kinh tế khôi phục trở lại, điều kiện về vật chất, ăn uống thuận tiện hơn cộng với thói quen có hại như giảm vận động, lười vận động hơn khi chỉ là bật vô tuyến cũng có điều khiển, đi bộ thì ít nên đó chính là nguy cơ về bệnh mạch vành và các bệnh xơ vữa động mạch nói chung sẽ phát triển.

BS. Thanh Hương lập luận: Tôi thấy THA và tăng mỡ máu đều là các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành. Nếu hai yếu tố đó song hành với nhau thì nguy cơ mắc bệnh mạch vành càng lớn. Lipid máu sẽ phát triển thành xơ vữa động mạch, xơ vữa động mạch sẽ đi toàn bộ cơ thể gây ra bệnh lý thiếu máu cơ tim; xơ vữa động mạch não gây ra đột quỵ, xơ vữa động mạch ngoại biên gây ra thiếu máu các chi có thể gây cắt cụt chi, rồi xơ vữa động mạch toàn cơ thể hoặc xơ vữa động mạch chủ gây nên các cơn đau phình tách động mạch chủ rất khủng khiếp. Nhìn thấy tương lai nó phát triển khủng khiếp như thế, nên tuy nó chỉ là một xét nghiệm lipid máu thôi nhưng nó rất cần thiết cho thời điểm đó và tương lai của xu hướng phát triển bệnh tật nên tôi đã tha thiết trình bày với thầy Phạm Gia Khải, Chủ nhiệm Bộ môn Tim mạch và xin ý kiến của Hội đồng khoa học.

Nhưng khó khăn đã khởi phát ngay khi BS. Thanh Hương trình bày ý tưởng, đề tài nghiên cứu sinh (NCS) của mình trước hội đồng khoa học. Một số thầy đã phản đối kịch liệt. Trong quan điểm của các thầy thì đề tài NCS của BS. Hương chỉ là công tác tổng kết lại xét nghiệm của khoa sinh hóa. Nó không xứng tầm với một bác sĩ được đào tạo chính quy và bài bản cả trong nước lẫn nước ngoài. Một số thầy kiên quyết khẳng định: Siêu âm tim là lĩnh vực cận lâm sàng mà BS. Hương nắm rất vững và làm rất tốt, nên phát triển chính cái cận lâm sàng, cái thăm dò của mình được học để phát triển thành đề tài NCS. Hơn nữa, vào thời điểm năm 1995-1996, siêu âm, siêu âm Dopple đang là chuyên ngành rất “hot”, được nhiều người quan tâm, là lĩnh vực hi-teck, lĩnh vực mũi nhọn để phát triển bệnh viện. Nhất là với bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt như Bệnh viện Bạch Mai thì càng phải phát triển những kỹ thuật cao, kỹ thuật mũi nhọn.

PGS. Trương Thanh Hương khám cho bệnh nhi.

PGS. Trương Thanh Hương khám cho bệnh nhi.

PGS.TS. Trương Thanh Hương bồi hồi nhớ lại: Ngày đó, thầy Phạm Gia Khải là người lắng nghe tôi nhiều nhất. Thầy rất giỏi ngoại ngữ và là người có tầm nhìn xa, có những ý tưởng đi trước thời đại. Nhưng mình thầy Khải đồng ý thì cũng chỉ là 1/7 ý kiến của Hội đồng xét duyệt đề cương đề tài NCS. Vậy là sau khi thấu tỏ vấn đề, chính thầy Khải là người tích cực, chủ động cùng tôi thuyết phục các thầy khác trong hội đồng. Ngày đó, theo thầy Khải: học trò của thầy trong những lĩnh vực siêu âm tim không chỉ có mình BS. Thanh Hương. Vì vậy, việc BS. Hương đi vào một khoảng trống chưa có người nghiên cứu thì thực sự nên khuyến khích. Thầy Phạm Gia Khải đưa ra hình ảnh nghiên cứu khoa học của Albert Einstein, cũng chỉ bằng phương pháp thống kê nhưng nhà vật lý học vĩ đại đã viết ra phương trình mà đến nay cả thế giới vẫn đang dùng. Lý luận của GS.TS. Phạm Gia Khải đã thuyết phục được hội đồng thông qua đề cương NCS của ThS.BSNT. Trương Thanh Hương về: Mối liên hệ giữa rối loạn lipid máu và THA.

Vậy là khối đá tảng chặn lối đã được khai mở, nhưng bước tiếp trên con đường khoa học của mình, ThS.BS. Thanh Hương lại phải đối diện với khó khăn tiếp theo. Đó là sự đồng thuận của khoa sinh hóa, là việc hóa chất làm xét nghiệm lấy từ đâu, ai gửi bệnh phẩm để làm xét nghiệm...  Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng nó chỉ là áp lực tạo thành động lực để BS. Hương không lùi bước. Chị lại lặng lẽ thuyết phục GS. Lương Tấn Thành - Trưởng khoa Sinh hóa để giáo sư đồng thuận và cho triển khai mạnh kỹ thuật xét nghiệm lipid máu. Ngày đó, xét nghiệm lipid máu mới chỉ định lượng ở hai yếu tố đó là cholesterol, tryglycerid, chứ chưa có HDL Cholesterol, LDL_Cholesterol... Mà qua thực tế điều trị, BS. Thanh Hương thấy đây là những chỉ số rất quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh... Việc điều trị cho bệnh nhân không được cung cấp các tư liệu toàn diện của người bệnh nên bác sĩ khó có thể đưa ra các chẩn đoán và mức độ chẩn đoán xác định rối loạn lipid máu để qua đó có phác đồ điều trị chuẩn cho từng thể trạng bệnh nhân...

Được thầy Lương Tấn Thành hiểu và ủng hộ nhưng ngày đó, hóa chất không có sẵn vì nó không phải là xét nghiệm thường quy. BS. Thanh Hương lại thêm một lần đi đàm phán với bên công ty dược để họ ủng hộ và miễn phí cung cấp hóa chất. Để chuẩn số lượng và tránh lãng phí, Khoa Hóa sinh đề nghị BS. Hương tự đặt mua và lấy hóa chất về để khoa triển khai.

Đề cương được thông qua, Khoa Sinh hóa ủng hộ, hóa chất đã có nhưng nguồn bệnh nhân đúng chỉ định thì khai thác thế nào? Vậy là BS. Hương ngoài việc duy trì phát triển hoạt động siêu âm (như đã cam kết với các thầy) lại lao vào khám sàng lọc bệnh nhân, tổ chức các buổi sinh hoạt khoa học để chia sẻ kiến thức với bạn bè đồng nghiệp để họ đồng hành. Bằng các sinh hoạt khoa học, bằng hình thức trao đổi với các đồng nghiệp thì các chỉ định ngày càng nhiều và phát hiện ra nhiều bệnh nhân rối loạn mỡ máu. Việc chỉ định bilan lipid được mở rộng đến các bác sĩ của khoa khám bệnh miễn là đúng hướng cần làm lipid máu, có nguy cơ của bệnh mạch vành.

20 năm nhìn lại, mối liên hệ giữa rối loạn lipid máu và THA đã được khẳng định qua thực tiễn điều trị. Và đến nay xét nghiệm lipid máu đã trở thành xét nghiệm thường quy và cơ bản cho mỗi bệnh nhân trung niên khi đến viện. Để có kết quả này, là kết quả của quá trình học tập, nghiên cứu nghiêm túc, khả năng nhạy bén trong nghề nghiệp và sự kiên gan, bền chí với con đường đã chọn dù nó đầy chông gai. Điều đó đã được khẳng định bằng bề dày: 1 đề tài cấp Chính phủ, 5 đề tài cấp Nhà nước, 3 đề tài cấp Bộ, 2 đề tài cấp Trường đại học Y... mà PGS.TS. Trương Thanh Hương là Chủ nhiệm hoặc tham gia cùng việc tham gia biên soạn 16 giáo trình, sách chuyên khảo và công bố 37 bài báo khoa học trên các tạp chí y học có uy tín.

Với đam mê nghiên cứu khoa học của mình, hiện nay PGS.TS. Trương Thanh Hương đang tiếp tục nghiên cứu trên cương vị mới, đó là Trưởng phòng Sinh học phân tử chuyên nghiên cứu về rối loạn mỡ máu có yếu tố gia đình.


Đỗ Hằng
Ý kiến của bạn