PGS.TS Trần Văn Tớp: "Hiến máu, tôi đang làm cuộc sống của tôi tươi đẹp hơn"

17-08-2021 10:00 | Nhịp cầu Nhân ái

SKĐS - Người ta thường ví "1 giọt máu bằng 6 bát cơm" nên nhiều người quan niệm đi hiến máu là hại sức khỏe lắm. Vậy mà có một người thầy vẫn âm thầm sẻ chia những "giọt máu hồng". Đó chính là PGS.TS Trần Văn Tớp – Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

PGS.TS Trần Văn Tớp: "Hiến máu, tôi đang làm cuộc sống của tôi tươi đẹp hơn." - Ảnh 1.

Niềm vui lớn nhất của thầy chính là những lần hiến máu, cứu được tính mạng, sức khỏe của người bệnh. Đó là động lực để thầy tiếp tục hành trình đầy tính nhân văn này.

Có rất nhiều cách để một cá nhân có thể đóng góp những việc làm thiện nguyện cho cộng đồng, cho xã hội, với PGS.TS. Trần Văn Tớp thì việc tình nguyện sẻ chia những "giọt máu hồng" là một trong những cách làm thiết thực nhất. 

Bởi thầy tâm niệm, máu là món quà vô giá mà cuộc sống ban tặng cho con người. Có máu đầy đủ cơ thể con người mới tồn tại và khỏe mạnh, nhưng hàng ngày, hàng giờ vẫn hàng trăm ngàn người vì nhiều lý do sức khỏe khác nhau đang rất cần đến máu để chữa trị bệnh tật và duy trì sự sống.

Ngôi trường có bảng thành tích "hiến máu" đáng tự hào

Hơn 35 năm gắn bó với mái trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, thầy không chỉ đào tạo được rất nhiều thế hệ sinh viên giỏi đóng góp cho đất nước mà còn là tấm gương sáng trong các hoạt động thiện nguyện của nhà trường.

Không chỉ trực tiếp tham gia hiến máu, bản thân thầy luôn tích cực vận động, tuyên truyền hoạt động hiến máu tình nguyện đến cán bộ, giáo viên, sinh viên của trường. Thầy cũng chính là người đảm nhận trọng trách Trưởng Ban Chỉ đạo hiến máu của trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Có người đầu tầu gương mẫu nên phong trào hiến máu tình nguyện của trường Đại học Bách Khoa ngày càng phát triển. Ngay từ những năm đầu, nhà trường vận động được khoảng 2.600 - 3.000 đơn vị máu, chiếm đến 0,3% số lượng máu được hiến của cả nước. Những năm gần đây, con số này đã lên đến hơn 4.000 đơn vị máu. Đây thực sự là một thành tích "khủng".

PGS.TS Trần Văn Tớp: "Hiến máu, tôi đang làm cuộc sống của tôi tươi đẹp hơn." - Ảnh 2.

Dù có hết tuổi được tham gia hiến máu nhưng tôi sẽ tiếp tục lan tỏa những giá trị nhân văn của cuộc sống và nghĩa cử cao đẹp của phong trào hiến máu cứu người.

Tự hào, thầy chia sẻ: "Điều gì đã làm nên danh tiếng của một trường đại học? Rất nhiều tiêu chí, nhưng một điều chắc chắn là đóng góp của người học. Ngoài học tập tốt, nghiên cứu giỏi, còn cả tinh thần, trách nhiệm vì cộng đồng. Nếu có bảng xếp hạng về thành tích hiến máu, tôi tin chắc rằng Bách khoa Hà Nội cũng sẽ xếp đầu hoặc trong "top" có phong trào hiến máu tốt nhất trong các trường đại học. Khi ra trường, các em hoàn toàn có thể tự hào về kiến thức, kỹ năng và lòng nhân ái, sẵn sàng chia sẻ với cộng đồng. Bởi vì ngay từ trong Nhà trường, các em đã được rèn luyện, thấm nhuần và thực hành thường xuyên để mỗi việc làm, mỗi hành động nhân ái trở thành thói quen".

Hiện, nhà trường đã và đang phối hợp với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và Báo Tiền Phong tổ chức nhiều chương trình hiến máu tình nguyện ý nghĩa như: Ngày Chủ nhật Đỏ… và các chương trình thường niên "Bách khoa - Nghìn giọt hy vọng".

Ngoài hiến máu, thầy còn tham gia hiến tiểu cầu và hiến máu khẩn cấp. Mỗi khi nghe thông tin về tình trạng khan hiếm máu, ngay lập tức, thầy cùng vợ đến Viện Huyết học – Truyền máu TƯ để tham gia. Đến nay vợ thầy cũng đã tham gia hiến máu được 8 lần. Hai con trai cũng noi gương bố mẹ rất tích cực hiến máu, kể cả khi học tập ở nước ngoài hay khi về nước.

Với những đóng góp đặc biệt trong phong trào Hiến máu nhân đạo, thầy đã vinh dự được lãnh đạo Bộ Y tế trao Kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân".

Sẽ vẫn tiếp tục hiến máu khi còn có thể

Trải nghiệm qua 20 lần hiến máu, PGS, TS Trần Văn Tớp chia sẻ: "Cách đây gần 40 năm, khi còn là sinh viên ở Nga, thể trạng gầy gò, tôi hồ hởi đến đăng ký nhưng bị từ chối. Nhưng sau đó, nhờ rèn luyện sức khỏe và tuân theo các hướng dẫn để hiến máu an toàn, sau đó tất cả các lần hiến máu của tôi đều suôn sẻ, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe và có thể trở lại làm việc bình thường ngay sau khi hiến máu. Nên giờ, đối với tôi, việc hiến máu trở thành sự kiện bình thường của ngày hôm đó".

Từng chứng kiến những em bé xanh xao phải chống chọi với căn bệnh Thalassemia hay còn gọi là tan máu bẩm sinh, 1 căn bệnh quái ác, không có cách chữa trị dứt điểm, phải truyền máu cả đời để duy trì sự sống. Và theo ước tính, để duy trì sự sống cho các em, đến năm 30 tuổi các em sẽ phải truyền trên 1000 lít máu với số tiền lên đến 3 tỉ dồng. Đây thực sự là 1 gánh nặng khủng khiếp cho gia đình các em và của toàn xã hội. Điều đó luôn làm thầy trăn trở, day dứt và hối thúc thầy tiếp tục hành trình này.

PGS.TS Trần Văn Tớp: "Hiến máu, tôi đang làm cuộc sống của tôi tươi đẹp hơn." - Ảnh 4.

Thầy cùng Ts. Bạch Quốc Khánh – Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TƯ tham gia hiến tiểu cầu.

Với thầy, hiến máu cho ai, hiến bao nhiêu lần, giờ không còn là quan trọng nữa. Quan trọng nhất là những giọt máu của mình nhanh chóng tới được với người bệnh đang trong lúc cần máu để duy trì sự sống. Bởi mất đi một ít máu, cơ thể có thể bù lại được nhưng mất đi một mạng người thì không gì có thể bù đắp được.

Đi hiến máu là tôi đang làm cho cuộc sống của chính tôi tươi đẹp hơn. Khi dòng máu chảy trong cơ thể một người chỉ là để duy trì sự sống nhưng cũng dòng máu ấy chảy trong cơ thể nhiều người thì nó trở thành một làn sóng của yêu thương.

Bởi vậy, thầy thật sự hạnh phúc khi biết rằng đâu đó có những người đã được cứu sống bằng chính giọt máu của mình. Hạnh phúc khi được sẻ chia. Hạnh phúc khi biết mình vừa làm một điều có ích cho xã hội. Hơn nữa hiến máu cũng là động lực để thầy rèn luyện sức khỏe của bản thân. Bởi khi có sức khỏe tốt mới cống hiến được cho xã hội và tiếp tục được tham gia hiến máu

Tuy đã đến tuổi nghỉ hưu, nhưng thầy luôn mong Quy định về độ tuổi hiến máu của Việt Nam được điều chỉnh, kéo dài hơn để có thêm nhiều cơ hội hiến máu. Và để tận dụng cơ hội của mình, thầy đã tham gia hiến tiểu cầu để có thể được hiến thêm nhiều lần nữa. Mặc dù quy trình và yêu cầu hiến tiểu cầu phức tạp hơn, cũng như thời gian kéo dài hơn. Một chu trình tách tiểu cầu khép kín DRAW - RETURN sẽ phải kéo dài trong vòng 60 phút.

Thầy cũng luôn tâm niệm: Tôi không làm trong ngành y nhưng luôn cảm động về tình thần quên mình vì người bệnh của các y, bác sĩ nên dù có hết tuổi được tham gia hiến máu nhưng tôi sẽ vẫn tiếp tục lan tỏa những giá trị nhân văn của cuộc sống và nghĩa cử cao đẹp của phong trào hiến máu cứu người.

Theo TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết, máu là loại thuốc điều trị đặc biệt quý, chỉ có thể được hiến tặng từ những người khỏe mạnh, xuất phát từ tình cảm và trách nhim của mỗi người đối với cộng đồng và máu của người hiến tặng tình nguyện an toàn hơn của người bán máu chuyên nghiệp.

Cho đến nay chưa có một chế phẩm sinh học nào có thể thay thế hoàn toàn chức năng của máu, vì vậy nguồn máu để cho cấp cứu và điều trị bệnh nhân vẫn từ nguồn người hiến máu. Mặc dù số lượng máu hàng năm đều tăng nhưng chúng ta vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về số lượng. Điều này khiến cho cuộc sống của những người bệnh cần truyền máu bị đe dọa từng ngày. Hơn nữa, kể từ năm 2020, khi đại dịch COVID-19 càn quét, đã tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống nói chung và dịch vụ truyền máu nói riêng, khiến số lượng máu tiếp nhận luôn không thể đủ cho điều trị và càng khan hiếm. Bởi vậy một khi bạn cho đi máu của mình – tức là bạn đã trở thành anh hùng cứu sống nhiều mạng người hơn.

Châu Giang
Ý kiến của bạn