Sáng 11/10, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương tổ chức kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930-15/10/2020), Đại hội Thi đua yêu nước ngành Dân vận, tuyên tương điển hình “Dân vận khéo” toàn quốc và trao giải Cuộc thi báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” giai đoạn 2017-2020.
Tại sự kiện này, PGS.TS Trần Như Dương- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW là 1 trong 203 tấm gương điển hình “Dân vận khéo” được tuyên dương.
Trong bài tham luận tại hội nghị, PGS.TS Trần Như Dương chia sẻ là cán bộ ngành y tế làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng, công việc hàng ngày, hàng giờ của chúng tôi đều gắn bó mật thiết với nhân dân. Tất cả các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng đều được triển khai ở nơi dân và đều phải dựa vào nhân dân để thực hiện.
PGS.TS Trần Như Dương điều tra dịch tễ khu vực nhà bệnh nhân COVID-19 tại Đà Nẵng sinh sống.
“Chúng tôi nhận thấy chỉ khi nào được dân hiểu, dân tin, dân hợp tác, dân ủng hộ thì công việc mới thành công được. Nhận thức sâu sắc được điều đó, những cán bộ y tế chúng tôi khi triển khai công việc luôn lấy người dân làm trung tâm cho mọi hành động và việc làm của mình với mục đích cao nhất là tất cả đều phải vì lợi ích, vì sức khỏe của nhân dân và phải thiết thực với nhân dân. Có được như vậy thì người dân mới tin, mới yêu, mới ủng hộ và cùng tham gia”-PGS.TS Trần Như Dương nói.
Chúng ta coi chống dịch COVID-19 như chống giặc cho nên đây là cuộc chiến của toàn dân, cuộc chiến này cần có sự chung sức, đồng lòng của toàn thể nhân dân để tạo ra một sức mạnh tổng hợp cho chống dịch. Tổ phòng chống COVID-19 cộng đồng là một minh chứng cho điều đó.
“Trong đợt chống dịch vừa qua tại miền Trung, chúng tôi được Bộ Y tế phân công vào tâm dịch để cùng sát cánh với chính quyền và nhân dân miền Trung tham gia chống dịch. Nhận thức được vai trò to lớn của cộng đồng, của người dân trong công tác chống dịch, vì thế đi đến đâu cán bộ y tế chúng tôi cũng đã chủ động tham mưu, đề xuất cho ban chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương và trực tiếp hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật để thành lập ngay những tổ phòng chống Covid cộng đồng để tham gia chống dịch”- PGS.TS Trần Như Dương kể.
Với cách làm như vậy chỉ trong một thời gian ngắn trong vòng 10 ngày đầu của dịch, chính quyền các địa phương miền Trung thông qua công tác dân vận đã thành lập được hàng vạn tổ phòng chống COVID cộng đồng trực tiếp tham gia vào công tác phòng chống dịch tại thực địa (cụ thể là: Đà Nẵng: 2.200 tổ, Quảng Nam: 5.500 tổ, Quảng Ngãi: 2.300 tổ, Quảng Trị: 4434 tổ).
Với số lượng này đồng nghĩa với việc chúng ta đã huy động thêm được gần 3 vạn người dân trực tiếp tham gia chống dịch một cách tích cực và hiệu quả tại cộng đồng. Hơn nữa, tổ COVID cộng đồng cũng chính là để phát huy vai trò, sự sáng tạo của nhân dân tham gia vào những công việc chung của đất nước, đồng thời phát huy sức mạnh đoàn kết của cả hệ thống chính trị nhất là ở cơ sở, động viên nhân dân tham gia phòng chống dịch, củng cố mối quan hệ gắn bó, niềm tin giữa nhân dân với chính quyền.
Mục tiêu của tổ COVID cộng đồng chính là giám sát và tuyên truyền phòng, chống COVID-19 chủ động tại từng hộ gia đình. Tổ Covid cộng đồng cũng chính là cầu nối chủ động, là cánh tay nối dài về công tác phòng chống dịch của chính quyền và ngành y tế đến với nhân dân, giúp cho người dân yên tâm, tin tưởng và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch.
Các tổ này đều hoạt động trên tinh thần tình nguyện, tự nguyện với nòng cốt là các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể tại cộng đồng, người tình nguyện tại khu dân cư dưới sự tổ chức, quản lý của chính quyền địa phương và sự hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật của ngành y tế. Tùy theo điều kiện thực tế, mỗi tổ phụ trách từ 40-50 hộ gia đình và có phân công danh sách hộ gia đình cụ thể cho từng tổ.
Kiểm soát người ra vào tại các chốt phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng
Những tổ COVID cộng đồng chính là những hạt nhân của phong trào toàn dân tham gia phòng chống dịch và là biểu hiện sinh động của việc phòng chống dịch dựa vào nhân dân, toàn dân tham gia phòng chống dịch. Điều đó cũng thể hiện chiều sâu thực chất của công tác dân vận chính quyền”- PGS.TS Trần Như Dương khẳng định.
Chia sẻ tại hội nghị, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW bày tỏ: Càng làm việc và nhất là trong những lúc khó khăn nhất, chúng tôi lại càng thấm thía câu nói: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Cán bộ y tế chúng tôi sẽ luôn ghi nhớ về điều đó và vận dụng trong công tác phục vụ nhân dân của mình.