Hà Nội

PGS.TS Trần Như Dương: Bài học kinh nghiệm chống dịch COVID-19 tại thực địa

03-10-2020 11:29 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Là chuyên gia của Bộ Y tế có mặt tại các “ổ dịch” COVID-19 như Sơn Lôi, Hạ Lôi, Bình Thuận và đặc biệt là tại Đà Nẵng và một số tỉnh miền Trung, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 sáng ngày 3/10, PGS.TS Trần Như Dương- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã chia sẻ một số kinh nghiệm và các điều cần lưu ý về chuyên môn trong chống dịch COVID-19 tại thực địa

 

Tại sao phải “triệt để”, “thần tốc” trong chống dịch?

Theo PGS.TS Trần Như Dương, thực tế chống dịch tại Việt Nam ngay từ ngày đầu chống dịch cho đến nay chúng ta đã đề ra và duy trì 5 chiến lược lớn xuyên suốt, nhất quán để phòng chống dịch COVID-19 và đã được chứng minh qua thực tiễn là phù hợp và hiệu quả, cụ thể là: “ngăn chặn; phát hiện; cách ly; khoanh vùng dập dịch và điều trị hiệu quả”.

Trong chống dịch tại thực địa thì việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo “chiến lược phát hiện; chiến lược cách ly và chiến lược khoanh vùng dập dịch” là hết sức quan trọng và đóng vai trò then chốt cho chống dịch thành công.

PGS.TS Trần Như Dương nhấn mạnh: Khi ca bệnh COVID-19 xảy ra trong cộng đồng việc đầu tiên chúng ta phải làm ngay chính là phải truy vết tất cả những người tiếp xúc với bệnh nhân để tổ chức cách ly.

PGS.TS Trần Như Dương- Đội trưởng Điều tra giám sát dịch của Bộ Y tế tại Đà Nẵng tại một buổi điều tra dịch tễ khu vực nhà bệnh nhân COVID-19 tại Đà Nẵng sinh sống

Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân hay còn gọi là F1, đây là những người có nguy cơ rất cao bị lây bệnh và có thể sẽ trở thành nguồn lây nguy hiểm trong cộng đồng. Chính vì vậy việc truy vết F1 ngay khi phát hiện ca bệnh là yếu tố cực kỳ then chốt, quyết định trong việc chống dịch với nguyên tắc truy vết là phải “Thần tốc và triệt để”.

“Vậy tại sao lại phải thần tốc? và tại sao lại phải triệt để? bởi vì trong chống dịch COVID-19 ở bất cứ khâu nào ta cũng phải chạy nhanh hơn sự lây lan của dịch.

Chúng tôi phải chọn dùng từ “Thần tốc” mà vẫn còn cảm thấy chưa thể hiện hết được sự cần thiết về sự khẩn trương của công việc này vì thời gian ủ bệnh của COVID-19 có thể rất ngắn chỉ từ 1-2 ngày cho tới 14 ngày sau khi tiếp xúc với người bệnh. Chính vì vậy phải truy vết càng nhanh càng tốt, không được trậm trễ, bởi trậm chễ giờ nào, phút nào là nguy cơ F1 có thể trở thành F0 và sẽ làm lây ra toàn cộng đồng thì hậu quả sẽ rất khôn lường”- Phó Viện trưởng Trần Như Dương nói

Đồng thời thông tin thêm: Triệt để có nghĩa là phải truy vết được hết không được để sót F1. Nếu bỏ sót F1 thì rất nguy hiểm và đây là một chỉ số rất xấu trong chống dịch. Chính vì vậy buổi tập huấn đầu tiên về chống dịch cho tất cả các quận huyện ngay khi chúng tôi đặt chân đến Đà Nẵng cũng chính là tập huấn về truy vết tiếp xúc và tổ chức cách ly.

Bài học truy vết

“Nhớ lại những ngày đầu khi đi chống dịch tại Sơn Lôi, khi đó chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc truy vết nên việc truy vết F1 của những ca bệnh đầu tiên còn lúng túng. Tuy nhiên qua thực tiễn chúng ta đã dần có những kinh nghiệm cho việc này”- PGS.TS Trần Như Dương kể lại

Theo đó, khi truy vết không nên hỏi ngay bệnh nhân vào chi tiết những người tiếp xúc mà phải: xác định các “mốc dịch tễ” trước - bởi đây là những đầu mối dịch tễ lớn sau đó mới truy vết đến từng người tiếp xúc. “Mốc dịch tễ” chính là những địa điểm/những sự kiện mà bệnh nhân đã đến, đã tham dự trong thời gian từ 3 ngày trước khi khởi phát đến khi bệnh nhân được cách ly y tế (ví dụ các mốc dịch tễ hay gặp tại thực địa là đám cưới, đám ma, chợ, quán ăn, lễ hội, bệnh viện, cơ quan, công sở …).

“Truy các “mốc dịch tễ” rất quan trọng để từ đó mới truy ra từng cá nhân F1, nếu bị bỏ quên mốc dịch tễ thì có nghĩa là rất nhiều F1 sẽ bị bỏ sót”- PGS.TS Trần Như Dương khẳng định.

Một bệnh nhân thường đi rất nhiều nơi, tham gia rất nhiều hoạt động nên có rất nhiều “mốc dịch tễ” ở nhiều địa điểm khác nhau cần phải điều tra. Cho nên để truy vết thần tốc thì nhóm điều tra ban đầu khi phát hiện được các “mốc dịch tễ” phải báo ngay về bộ phận đầu mối bằng mọi phương tiện nhanh nhất, thường là dùng điện thoại hoặc gửi qua Zalo tên, địa chỉ của các mốc dịch tễ. Căn cứ vào các mốc dịch tễ nhận được, Bộ phận đầu mối ngay lập tức cử nhiều đội truy vết đồng loạt tới các địa điểm có “mốc dịch tễ” để truy vết F1.

Trong trường hợp một số “mốc dịch tễ” nằm ngoài địa bàn quản lý, bộ phận điều phối sẽ liên hệ và thông báo “mốc dịch tễ” cho các đơn vị liên quan để phối hợp điều tra truy vết ngay.

Dẫn thực tế từ Tại Đà Nẵng, PGS.TS Trần Như Dương cho hay có rất nhiều bệnh nhân các mốc dịch tễ không chỉ ở Đà Nẵng mà còn liên quan đến nhiều địa phương khác như TP Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, Quảng Nam...

“Lúc này, chúng tôi phải lập tức liên hệ với các địa phương trên để đồng loạt ra quân truy vết F1 tại các mốc dịch tễ đó. Chính cách làm này đã giúp cho việc truy vết được thần tốc và toàn diện. Còn nếu chỉ cử một đội truy vết làm từ đầu đến cuối thì có thể phải mất vài ngày đến hàng tuần cũng không truy vết xong được F1 và như vậy sẽ không đảm bảo tốc độ của việc chống dịch”- PGS.TS Trần Như Dương nói.

Giám sát có hệ thống, toàn diện các trường hợp sốt, ho, đau họng, viêm đường hô hấp tại cộng đồng


Từ thực tiễn, PGS.TS Trần Như Dương nhấn mạnh: Khi dịch bệnh đã có sự lây nhiễm trong cộng đồng, tình huống sẽ trở nên hết sức phức tạp vì mầm bệnh đã xâm nhập và có thể xuất hiện ở bất cứ nơi đâu, bất cứ đối tượng nào. Chúng ta cần chủ động, nhanh chóng tận dụng khoảng thời gian vàng ngay từ đầu để tổ chức giám sát, phát hiện, lấy mẫu và cách ly tất cả những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh trong cộng đồng.

Muốn làm được điều này, phải tổ chức giám sát có hệ thống, toàn diện các trường hợp sốt, ho, đau họng, viêm đường hô hấp tại cộng đồng dân cư. Khi phát hiện được những trường hợp này đều phải được coi là những ca bệnh nghi ngờ, phải tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm ngay lập tức.

Thực hiện được điều này triệt để sẽ đóng một vai trò hết sức quan trọng giúp chúng ta phát hiện được sớm nhất nguồn nghi ngờ lây nhiễm, cách ly, cô lập kịp thời, làm suy giảm tốc độ lây truyền của dịch. Đây là một chỉ số giám sát theo dõi dịch rất quan trọng và qua đó sẽ đánh giá được tình hình dịch bệnh tại cộng đồng.

“Qua kinh nghiệm thực tiễn chống dịch tại Đà Nẵng và một số tỉnh khu vực miền Trung chúng tôi thấy các tỉnh đã rất nhanh chóng thực hiện tốt công việc này và đây đều là những chỉ số giám sát bắt buộc phải báo cáo hàng ngày cho các đồng chí lãnh đạo. Chính vì vậy, tất cả những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh trong cộng đồng đều đã được phát hiện rất sớm, lấy mẫu và cách ly kịp thời, góp phần quan trọng cho việc chống dịch thành công”- PGS.TS Trần Như Dương khẳng định.

Cách ly triệt để, bài bản để cô lập nguồn lây

Theo Phó Viện trưởng Trần Như Dương, một trong những biện pháp giúp Việt Nam chống dịch thành công đó là thực hiện cách ly triệt để, bài bản để cô lập nguồn lây và không cho nguồn lây có cơ hội lây lan ra cộng đồng. Đối với bệnh nhân tổ chức cách ly nghiêm ngặt tại bệnh viện. Riêng đối với các trường hợp F1, đây là những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân COVID-19 nên có nguy cơ rất cao bị lây bệnh và có thể coi F1 chính là những nguồn lây tiềm tàng nhất.

Chính vì vậy, việc cách ly tập trung đối với F1 là một trong những biện pháp chống dịch cực kỳ quan trọng và bắt buộc phải làm. Khi truy vết được F1 phải nhanh chóng đưa ngay ra khỏi cộng đồng, kiên quyết không được cho F1 tự cách ly tại nhà. Bởi vì, việc cách ly tại nhà là không triệt để và rất khó kiểm soát. Chỉ cần người F1 lơ là, thiếu ý thức, vi phạm quy định đi ra ngoài mà lại là trường hợp nhiễm bệnh chưa được phát hiện thì khi đó nguy cơ gieo rắc vi rút là rất lớn, sẽ tạo thành lỗ thủng trong hệ thống phòng dịch của chúng ta để từ đó lây bệnh ra cộng đồng.

“Chính vì vậy, tôi muốn xin được nhấn mạnh lại một lần nữa sự cần thiết, sự cương quyết trong việc phải cách ly F1 bắt buộc tại cơ sở cách ly tập trung một cách nhanh nhất, không có ngoại lệ, không có thỏa hiệp trong giai đoạn hiện nay khi chúng ta còn có khả năng làm được điều đó”- PGS.TS Trần Như Dương nói.

Một trong những yếu tố thành công của Đà Nẵng trong đợt chống dịch vừa qua chính là việc chính quyền thành phố đã cương quyết và thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế trong thực hiện cách ly tập trung bắt buộc F1. Trong 1 tháng chống dịch, Đà Nẵng đã huy động, tận dụng mọi nguồn lực cả ở thành phố cũng như các quận huyện để tổ chức cách ly tập trung 11.621 trường hợp F1, trong đó, đã phát hiện được 121 ca bệnh dương tính từ những trường hợp F1. Những trường hợp F1 này đều đã được quây chặt ngay từ đầu nhờ thực hiện chiến lược cách ly tập trung như vậy.

Khoanh vùng, cách ly y tế toàn bộ vùng có dịch

Kiểm soát người ra vào tại các chốt phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng

Một trong những chiến lược quan trọng nữa trong chống dịch tại Việt Nam theo PGS.TS Trần Như Dương chính là khoanh vùng dập dịch. Khi xuất hiện các điểm nóng dịch tễ, ổ dịch phức tạp, ổ dịch có các yếu tố dịch tễ khó kiểm soát thì phải tiến hành khoanh vùng, cách ly y tế toàn bộ vùng có dịch, dập dịch triệt để ở bên trong để ngăn chặn không cho dịch lan rộng trong cộng đồng và không để dịch lây lan sang các vùng khác, địa phương khác.

Tùy theo tình hình thực tiễn về dịch tễ mà lựa chọn quy mô vùng cách ly một cách hợp lý với nguyên tắc khoanh vùng gọn nhất có thể, nguy cơ đến đâu thì khoanh vùng đến đó nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu chuyên môn mà lại giảm thiểu tối đa ảnh hưởng về kinh tế, an sinh xã hội của địa phương.

Có thể chọn quy mô là một cụm dân cư; một phần khu phố; một phần dãy phố; hoặc lớn hơn có thể là một thôn, một tổ, một đội, một ấp. Thời gian cách ly tối thiểu là 14 ngày, tùy theo diễn biến tình hình dịch mà thời gian cách ly có thể kéo dài hơn.

Từ kinh nghiệm thực tiễn chống dịch tại Đà Nẵng, hàng ngày, các nhóm dịch tễ của Trung ương và địa phương đã phân tích số liệu dịch tễ, chỉ ra các điểm nóng dịch tễ, các ổ dịch phức tạp để từ đó đề nghị chính quyền địa phương khoanh vùng chống dịch kịp thời.

Trong 1 tháng chống dịch, Đà Nẵng đã xác định được hơn 60 điểm nóng dịch tễ để tổ chức khoanh vùng dập dịch triệt để. Quy mô của các điểm khoanh vùng đều nhỏ gọn, chỉ từ vài trăm dân cho đến dưới 1500 dân. Chiến lược này rất linh hoạt, dễ thực hiện, và đã góp phần vừa chống được dịch, mà lại vẫn đảm bảo được vấn đề an sinh xã hội.

Huy động sức mạnh của cộng đồng tham gia phòng chống dịch

PGS.TS Trần Như Dương cũng nhấn mạnh thêm kinh nghiệm góp phần thành công trong chống dịch tại thực địa đó là dựa vào cộng đồng, huy động sức mạnh của cộng đồng.

“Chúng ta coi chống dịch COVID-19 như chống giặc cho nên đây là cuộc chiến của toàn dân, không riêng gì của ngành y tế hay của chính quyền. Cuộc chiến này cần có sự chung sức đồng lòng của toàn thể nhân dân để tạo ra một sức mạnh tổng hợp trong chống dịch. Tổ COVID-19 cộng đồng là một minh chứng cho điều đó”- PGS.TS Trần Như Dương nói.

Trong đợt chống dịch vừa qua, tại miền Trung, chỉ trong một thời gian ngắn, chính quyền các địa phương đã thành lập được hàng vạn tổ phòng chống dịch COVID cộng đồng trực tiếp tham gia vào công tác phòng chống dịch tại thực địa (Đà Nẵng: 2.200 tổ, Quảng Nam: 5.500 tổ, Quảng Ngãi: 2.300 tổ, Quảng Trị: 4434 tổ).

Quảng Nam đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch COVID-19

Với số lượng này, đồng nghĩa với việc chúng ta đã huy động thêm được gần 3 vạn người trực tiếp tham gia chống dịch một cách tích cực và hiệu quả tại cộng đồng. Những tổ COVID cộng đồng chính là những hạt nhân của phong trào toàn dân tham gia phòng chống dịch.

"Có thể nói, việc thành lập các tổ phòng chống COVID cộng đồng trong phòng chống dịch chính là sự sáng tạo, sự độc đáo của Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19. Với sự hoạt động của tổ COIVD cộng đồng, chúng ta đã thực sự đưa được các biện pháp phòng chống dịch vào tới từng hộ gia đình – chống dịch tại từng nhà mà tôi nghĩ rằng ít có nơi nào trên thế giới có thể làm được như vậy. Và đây chính là biểu hiện sinh động nhất của việc phòng chống dịch dựa vào nhân dân, toàn dân tham gia phòng chống dịch"- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định


Thái Bình
Ý kiến của bạn