Đa số các phản ứng sau tiêm nhẹ và tự khỏi
Theo PGS.TS Trần Minh Điển, hầu hết các phản ứng của vắc xin là nhẹ và tự khỏi. Do vắc xin kích thích hệ thống miễn dịch nên các phản ứng tại chỗ: sốt, sưng, nóng, đỏ, đau sẽ tự khỏi. Tai biến nặng là rất hiếm.
Chẳng hạn, phản ứng thông thường sau tiêm vắc xin DPT có thành phần ho gà toàn tế bào thường là phản ứng tại chỗ (sưng, đỏ, đau): lên tới 50%. Sốt (>38ºC): lên tới 50%. Các triệu chứng toàn thân, kích thích, khó chịu, quấy khóc: lên tới 60%
Một số phản ứng nặng sau tiêm vắc xin có thể do trẻ mắc các bệnh trùng hợp ngẫu nhiên hay gặp ở trẻ nhỏ như tim bẩm sinh, sặc sữa, nhiễm trùng huyết, đột tử, xuất huyết não…
PGS.TS Trần Minh Điển.
"Phản ứng sau tiêm chủng ảnh hưởng đến niềm tin và sự hưởng ứng của cộng đồng, các bậc cha mẹ; đồng thời ảnh hưởng cả đến các cán bộ làm tiêm chủng mở rộng… Tuy nhiên nếu cha mẹ lơ là, “quay lưng” với việc tiêm vắc xin cho trẻ thì sẽ làm giảm tỷ lệ tiêm vắc xin, làm giảm miễn dịch cộng đồng, bệnh dịch có nguy cơ quay trở lại.
Tôi lấy ví dụ, ở Nhật, tác động của phản ứng sau tiêm chủng vắc xin DPT tới mắc ho gà ở Nhật. Sau khi có 2 trường hợp chết sau tiêm vắc xin DPT, tạm dừng tiêm chủng. Sau đó đã có 41 trường hợp tử vong do bệnh ho gà bùng phát ở đất nước này"- PGS. Điển cho hay.
Bộ Y tế khuyến cáo các bậc cha mẹ tiếp tục đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng để phòng các bệnh nguy hiểm.
Những điều bà mẹ cần thực hiện khi đưa con đi tiêm chủng
PGS. Điển khuyến cáo, trước tiêm chủng
Bà mẹ, gia đình trẻ cần: Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ/phiếu tiêm chủng. Theo dõi tình trạng sức khỏe trẻ
Thông báo với cán bộ y tế tiền sử bệnh tật/sử dụng thuốc của trẻ/phản ứng sau tiêm chủng của lần tiêm chủng trước.
Cán bộ y tế: Khám sàng lọc. Khai thác tiền sử bệnh tật/sử dụng thuốc/ tiền sử di ứng. Tiền sử tiêm chủng/phản ứng sau tiêm chủng
Trong tiêm chủng
Cán bộ y tế: Hướng dẫn bà mẹ cách theo dõi trẻ. Theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng
Bà mẹ, gia đình trẻ: Cùng cán bộ y tế theo dõi trẻ trong 30 phút tại điểm tiêm chủng.
Thông báo cho cán bộ y tế nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe: Khóc, bứt rứt, khó chịu, nôn, trớ, tại vết tiêm quầng đỏ lan rộng, nổi ban …
Ảnh minh họa.
Sau khi tiêm chủng
Bà mẹ, gia đình trẻ: Tiếp tục theo dõi tại nhà trẻ trong 1 đến 2 ngày sau tiêm chủng. Người theo dõi trẻ phải là người trưởng thành và biết chăm sóc trẻ.
Cho trẻ bú/ăn đủ bữa, đủ số lượng, đúng tư thế, không bú/ăn khi nằm… thường xuyên kiểm tra trẻ, đặc biệt ban đêm.
Các dấu hiệu cần theo dõi: Tinh thần; tình trạng ăn, ngủ, nhiệt độ, phát ban, biểu hiện tại chỗ tiêm (sưng, đỏ…).
Không đắp bất cứ thứ gì vào vị trí tiêm.
Đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế khi có các dấu hiệu: Sốt cao >39 độ C, khó hạ nhiệt độ, hoặc sốt kéo dài hơn 24 giờ. Quấy khóc dai dẳng, kích thích vật vã, lừ đừ, ...
Khó thở: rút lõm hõm ức, bụng, tím môi, thở ậm ạch. Da nổi vân tím, chi lạnh. Nôn trớ nhiều lần, bỏ bữa ăn, bú kém, bỏ bú
Co giật. Phát ban. Hoặc khi trẻ có biểu hiện bất thường khác về sức khỏe khiến cha mẹ lo lắng.
Lưu ý với các bà mẹ sử dụng thuốc tại nhà: Không tự ý dùng thuốc. Khi dùng thuốc phải tuân theo chỉ dẫn của cán bộ y tế.
Nếu trẻ sốt cần cặp nhiệt độ, theo dõi sát, chườm nước ấm, nới rộng quần áo. Không nên dùng các loại thuốc lá, cây… khi chưa có chỉ định của nhân viên y tế. Dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Cần tìm đến tự tư vấn nhân viên y tế trước và sau khi xử lý tại nhà.