Theo thống kê, tính đến tháng 10/2017, toàn miền Bắc đã ghi nhận 99 ca bệnh sởi, chủ yếu ở Hà Nội (chiếm gần 50% số ca mắc toàn miền Bắc), Hải Dương, Nghệ An... Tuy số ca mắc chưa cao, không có ổ dịch lớn nhưng đáng chú ý là địa bàn phân bố ca bệnh rộng, rải rác trên nhiều địa bàn nên các chuyên gia khuyến cáo việc phòng chống dịch cũng cần hết sức lưu ý.
Tại Hà Nội, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho hay, tổng số trẻ chưa tiêm phòng sởi sau 5 năm trên địa bàn là 32.634 trẻ. Điều này tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh khi mùa đông xuân đang đến gần. Từ đầu năm đến nay toàn thành phố đã ghi nhận 45 trường hợp mắc sởi, 1 ca tử vong. Đặc biệt số ca bệnh tăng nhanh trong hai tháng 9 và 10; xuất hiện tại 40 xã phường của 21 quận huyện. Hiện nay bệnh sởi có xu hướng tăng trong các tuần gần đây, trung bình mỗi tuần ghi nhận 4-5 ca bệnh dương tính với sởi.
PGS.TS Trần Đắc Phu.
Trước thực tế này, PV Báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế xung quanh việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân 2017-2018, trong đó có bệnh sởi.
PV: Xin ông cho biết những dịch bệnh nào có nguy cơ bùng phát trong mùa đông xuân đang tới gần?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Trong mùa đông xuân thì nổi lên là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, bệnh có liên quan tới khí hậu lạnh, ẩm. Trước tiên phải kể đến là bệnh cúm, đáng chú ý là có cả bệnh cúm độc lực cao ở một số nước cũng đang phát triển và lây truyền qua gia cầm; thứ 2 là bệnh cúm lây qua đường hô hấp từ người sang người, có khá nhiều người mắc bệnh cúm trong mùa đông xuân.
Bên cạnh đó là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác như bệnh sởi, ho gà, bạch hầu, viêm màng não do não mô cầu... Bệnh tay chân miệng cũng có thể gia tăng đến cuối tháng 11, đầu tháng 12... Bệnh tiêu chảy do rota virus cũng dễ lây và phát triển trong mùa đông xuân này.
Tuy nhiên phải nói thêm rằng, nếu như trước đây chưa có tiêm chủng thì số ca mắc nhiều, nhập viện nhiều - nhất là các bệnh bạch hầu, ho gà, bệnh sởi... thì đến nay nhờ có tiêm chủng đã khống chế được được dịch bệnh, số mắc rải rác ít hơn.
Tính đến thời điểm hiện nay chưa ghi nhận bệnh dịch nào phát triển bùng phát nhưng cũng có yếu tố rải rác các ca bệnh. Chính vì vậy, tôi cho rằng nếu không làm quyết liệt từ thời điểm hiện nay thì dịch bệnh rất dễ bùng phát. Chúng tôi đặc biệt lưu ý với các bệnh sởi, ho gà, bệnh cúm… giải pháp đặc hiệu là tiêm chủng, do đó cần tiến hành rà soát, tổ chức tiêm vét cho các đối tượng còn ở vùng khó khăn hoặc đông dân cư, tiêm nhắc lại đối tượng thiếu mũi để bảo vệ cho người dân.
PV: Bệnh sởi có xu hướng gia tăng trong những tuần gần đây. Vậy điều này có gì là bất thường không, thưa ông?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Bệnh sởi thường phát triển mạnh trong mùa xuân. Năm nay, qua theo dõi số ca bệnh lâm sàng cho thấy thấp hơn năm ngoái. Đặc biệt những năm gần đây chúng ta giải quyết được mạnh vấn đề bệnh sởi sau khi chúng ta tổ chức tiêm chiến dịch tiêm cho 23 triệu trẻ em từ 1-14 tuổi, không còn ổ dịch mạnh nữa. Tuy nhiên vừa qua có xuất hiện lẻ tẻ một số ca bệnh ở Hà Nội, Hải Dương… những ca bệnh này có những bệnh nền ví dụ như tim bẩm sinh, các bệnh mạn tính khác mà không đi tiêm vắc xin.
Hiện tỉ lệ tiêm chủng của chúng ta đạt 97%; còn lại 3%, nhưng nếu cộng dồn lại trong nhiều năm thì tổng số trẻ chưa được tiêm cũng tăng lên, do đó chúng tôi quyết định tập trung toàn bộ cho “tiêm vét” sởi trong giai đoạn hiện nay.
Tại Hà Nội cũng đã có những chỉ đạo mạnh mẽ trong vấn đề phòng chống bệnh sởi, ví dụ như trong giám sát xử lý ổ dịch, đặc biệt là vấn đề chỉ đạo tiêm vắc xin. Hà Nội cũng sẽ lấy đội xung kích phòng chống sốt xuất huyết trong thời gian vừa qua để đi điều tra những đối tượng chưa được tiêm chủng trong cộng đồng, do Hà Nội có lượng người vãng lai đến khá nhiều. Cái thứ 2 là trước kia tiêm 1 tháng/1 lần; rồi tiêm 1 tháng/2 lần nhưng trong thời gian tới sẽ tổ chức tiêm 1 tuần/1 lần để cho khả năng tiếp cận của trẻ em với vắc xin được tăng lên.
PV: Vậy ông có khuyến cáo gì cho người dân để phòng bệnh sởi trong giai đoạn hiện nay?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Về khuyến cáo phòng chống bệnh sởi, thì sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra. Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp. Mọi người đều có thể bị mắc sởi, rubella và dễ lây lan thành dịch, đặc biệt ở trẻ em chưa được tiêm phòng sởi, rubella đầy đủ. Biểu hiện của bệnh: sốt, phát ban và viêm long đường hô hấp; có thể dẫn đến những biến chứng nặng như: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm não,... dễ dẫn đến tử vong.
Để chủ động phòng chống bệnh sởi, rubella, ngành Y tế khuyến cáo người dân hãy đưa trẻ từ 9-12 tháng đến cơ sở y tế để được tiêm vắc xin phòng sởi mũi 1 và tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ trên 18 tháng tuổi, tiêm vắc xin sởi-Rubella cho trẻ từ 1-14 tuổi. Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày. Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa..), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng. Làm sạch đồ chơi, đồ vật bị nghi ngờ ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch. Lau sàn nhà, nắm đấm cửa, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung hoặc bề mặt của đồ vật nghi ngờ bị ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường từ 1 – 2 lần/ngày.
Khử trùng và vệ sinh thông khí: Thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào và đảm bảo thông khí thoáng cho nhà ở, phòng học, nơi làm việc, phòng điều trị hàng ngày. Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt tại những phòng chật hẹp, ít thông khí ở khu vực ổ dịch. Hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Phụ nữ có thai tuyệt đối không tiếp xúc với người mắc bệnh rubella. Thông báo cho cơ sở y tế khi có biểu hiện mắc bệnh để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly y tế kịp thời.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!