PGS.TS Tăng Chí Thượng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, căn cứ vào chương trình hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc do Bộ Y tế ban hành mà Sở Y tế TP.HCM đã xây dựng chương trình phòng chống kháng thuốc cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay của thành phố.
“Chúng tôi xác định những việc phải làm ngay và những việc cần làm để huy động nguồn lực trong thời gian tiếp theo. Trước mắt là tập trung củng cố tình trạng sử dụng kháng sinh, nhất là việc chỉ định sử dụng kháng sinh và kê đơn hợp lý tại các BV trực thuộc Sở Y tế TP.HCM với hơn 100 BV. Ban chỉ đạo phòng chống kháng thuốc do Sở thành lập đã đi thực tế cách làm hay của các BV để kịp thời nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt. Trong đó chúng tôi ghi nhận đánh giá cao là Ban quản lý sử dụng kháng sinh trong BV của BV Nhân dân Gia Định. Từ khi thiết lập hội đồng này, ngoài hiệu quả điều trị phải đảm bảo rồi nhưng bên cạnh đó là số chi phí cho sử dụng kháng sinh giảm rất rõ, số ngày sử dụng kháng sinh cần thiết giảm từ 11 ngày xuống còn 8 ngày”- PGS. Thượng cho hay.
PGS.TS Tăng Chí Thượng.
Cũng theo ông Thượng, một số mô hình khác cũng được đánh giá rất cao như mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát kê đơn ở BV Nhi đồng 1. Với mô hình này, các bác sĩ kê đơn ở phòng khám đều được BV giám sát và kịp thời phát hiện, phản hồi nóng cho các bác sĩ nếu thấy kê đơn kháng sinh không hợp lý.
Mô hình thứ 3 đó là ứng dụng công nghệ thông tin, bác sĩ phải sử dụng phác đồ điều trị vì đối với bệnh lý mà không có chỉ định kháng sinh thì các bác sĩ không thể nào cho kháng sinh được. Chỉ có công nghệ thông tin mới làm được điều đó và đây là một cách làm hay của BV Quận Thủ Đức. Ông Thượng cho hay cái khó nhất là phải làm được bệnh án điện tử, việc chỉ định thuốc đều qua công nghệ thông tin hết thì mới có thể có dữ liệu giám sát nắm bắt kịp thời và có phản hồi.
Bên cạnh đó, Sở Y tế TP.HCM cũng đã hoàn thiện được kho dữ liệu phác đồ điều trị. Hiện nay kho dữ liệu này đã có 3.399 phác đồ cho tất cả các chuyên khoa trong đó có vấn đề quan trọng là chỉ định kháng sinh rất rõ. Và hiện nay tất cả các cơ sở khám chữa bệnh từ trạm y tế phòng khám đa khoa, BV công lập, BV tư nhân đều đã có các phác đồ điều trị. Khi đã có phác đồ chuẩn mực rồi thì điều quan trọng là làm thế nào giám sát việc tuân thủ phác đồ cho đúng.
Tuy nhiên, ông Thượng cũng cho biết, với hệ thống hơn 6.000 nhà thuốc tư nhân đang họat động trên địa bàn TP.HCM thì vấn đề bán thuốc kháng sinh không có đơn thuốc là thách thức không nhỏ. Bên cạnh đó là vấn đề ý thức người dân vẫn còn sử dụng thuốc kháng sinh tùy tiện, do đó Sở Y tế TP.HCM sẽ huy động nguồn lực toàn ngành để hướng dẫn các nhà thuốc quy định về bán thuốc theo đơn; thứ 2 là các nhà thuốc tiến đến khi bán thuốc phải nhập dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin để có dữ liệu giám sát chặt chẽ hơn.
Theo báo cáo toàn cầu về kháng thuốc năm 2014 của Tổ chức Y tế thế giới được tổng hợp từ 114 quốc gia trên khắp các khu vực cho thấy: người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng lên ở tất cả các nhóm tuổi. Tại Châu Âu: số ngày nằm viện tăng 2,5 triệu ngày, tỷ lệ tử vong 25.000 người/năm, Thái Lan, tăng hơn 3,2 triệu ngày nằm viện và tử vong 38.000 người/năm, ở Mỹ khoảng 2 triệu người mắc bệnh nhiễm khuẩn và tử vong 23.000 người/năm. Điều này tác động đến kinh tế, xã hội hết sức to lớn (ở Mỹ chi phí trực tiếp hơn 20 tỷ đô la/năm và chi phí gián tiếp hơn 30 tỷ đô la/năm) đặc biệt ở các nước nghèo, kém phát triển.
Tại Việt Nam, theo kết quả khảo sát về việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc vùng nông thôn và thành thị các tỉnh phía Bắc cho thấy nhận thức về kháng sinh và kháng thuốc kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp, đặc biệt ở vùng nông thôn.
Trong tổng số 2.953 nhà thuốc được điều tra, có 499/2083 hiệu thuốc ở thành thị (chiếm tỷ lệ 24%) và 257/870 hiệu thuốc ở nông thôn (chiếm tỷ lệ 29,5%) có bán đơn thuốc kê kháng sinh.
Đặc biệt, thuốc kháng sinh đã đóng góp 13% ở thành thị và 18% ở nông thôn trong tổng số doanh thu của hiệu thuốc. Phần lớn thuốc kháng sinh được bán mà không có đơn, chiếm tỷ lệ 88% (ở thành thị) và 91% (ở nông thôn).
Ba loại kháng sinh được bán nhiều nhất là ampicillin/amoxicillin (29%), cephalexin (12%) và azithromycin (7,3%).