Năm hình như 2008, không khí chuẩn bị cho đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội xuýt xao chộn rộn, ăm ắp những hân hoan dự tính, những máu lửa sục sôi, nhất là trong giới văn nghệ sĩ Thủ đô. Giữa bối cảnh ganh đua nước rút, bỗng dưng tin ra “sét đánh ngang tai”, Hà Nội công bố dừng dự án phim “Thái tổ Lý Công Uẩn”, một bộ phim tầm cỡ quốc gia, có cả “Ban chỉ đạo thực hiện” với kinh phí sẵn sàng lên tới cả vài trăm tỷ đồng. Người đã không chỉ kiên định dũng cảm mà phải cực kỳ thấu hiểu nội tình, duy lý và thực tế, để tham mưu cho lãnh đạo thành phố đưa ra gáo nước lạnh ấy chính là PGS.TS. Phạm Quang Long - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch đương nhiệm...
PGS.TS. Phạm Quang Long bên bức vẽ chân dung thầy của họa sĩ Chu Lượng.
Gần 10 năm đã qua từ độ nước sôi lửa bỏng, PGS.TS. Phạm Quang Long cũng giã từ đời quan chức, về hưu, nhưng chỉ là hưu trong ngạch bậc lãnh đạo, bởi ông vẫn tiếp tục làm thầy, vẫn đứng trên bục giảng, vẫn trở lại mái trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn mà cả một thời hoa niên ông ở đó, còn kiêu hãnh với tên Đại học Tổng hợp. Cũng sau sự rúng động “dừng dự án phim Thái tổ Lý Công Uẩn”, học trò thầy Long đang làm báo, làm điện ảnh, truyền hình hoặc nhiều những công việc liên quan đến văn học nghệ thuật, ngồi với nhau đều trầm trồ lẫn cả thở phào nhẹ nhõm. Nếu vẫn cố làm phim, hoàn toàn có thể hình thành nên một “thảm họa điện ảnh” tiêu tốn cả chục triệu USD nếu quy đổi, tất yếu theo đó sẽ là cơn giận dữ bùng phát của dư luận khắp nơi... Và thầy Long với cái thâm sâu của một ông đồ Nho, cái điềm đạm của một ông thầy giáo, cái lão luyện của người từng làm công tác nghiên cứu văn học tỏ tường đời sống văn nghệ, đã lường được những hệ lụy khủng khiếp nếu cứ “mũ ni che tai” buông xuôi theo ý một nhóm người nào đó, để tất cả thành sự đã rồi. Nhưng việc tham mưu cho lãnh đạo sớm kết liễu phim Thái tổ Lý Công Uẩn ngay lúc mới là dự án không phải là cú liều duy nhất, “trận đấu” mạo hiểm duy nhất của Giám đốc Phạm Quang Long. Ông cũng giữa một cơn mê muội bốc đồng khó kiểm soát khác của dư luận, giữa khi vụ án PMU18 là chủ đề bỏng rẫy nhất của tất cả hệ thống truyền thông, đã ký giấy phép họp báo cho một nạn nhân của chính báo chí, để cá nhân đó đưa ra các bằng chứng minh oan cho mình. Ký giấy phép rồi để tránh bị tác động bởi những áp lực từ tứ phía, ông vẫn thắp sáng điện bật máy tính phòng làm việc, rồi tắt di động, tới một nơi thật yên tĩnh để tĩnh tâm suy nghĩ. Không áp lực nào bằng áp lực một người bình thường bỗng dưng trở thành tội đồ dưới lưỡi tầm sét của báo chí, không sự đớn đau nào bằng một con người, một gia đình, thậm chí một dòng họ có thể bị đẩy tới đường cùng bởi sự bủa vây oan ức của hệ thống truyền thông đang cơn say mồi, Giám đốc Phạm Quang Long đã quyết định và sẵn sàng đương đầu, chấp nhận...
Ký ức bộn bề của những năm tháng làm quan, quan văn hóa, những ghi chép trong não bộ về những sự kiện, con người đã qua, những hỉ nộ ái ố, những cay đắng đến tưởng chừng không chấp nhận nổi, cả những bẽ bàng khi chạm vào góc khuất của mỗi cá nhân, mỗi số phận người may mắn thay đã thành nguồn tư liệu quý giá cho PGS.TS. Phạm Quang Long, để vài năm sau khi về hưu thầy đã hoàn thiện cuốn tiểu thuyết Lạc giữa cõi người mà nhiều độc giả lẫn nhà phê bình cứ muốn coi đấy như tự truyện. Ông không cần phải cố sức, không cần phải rút ruột rút gan, cũng chẳng cần những thủ pháp hay kỹ thuật kỹ xảo gì, cứ tự nhiên nhi nhiên, nhẩn nha kể, lầm rầm viết, hóm hỉnh chắp nối tường thuật các câu chuyện, tinh xảo chạm khắc nhân vật, là đã ra một xã hội con người thời thứ gì cũng xuống cấp sinh động và thật đến kinh hồn. Vốn sống, tư liệu sống cùng những đúc kết chiêm nghiệm của thầy Long trong mười mấy năm tạm bứt khỏi giảng đường đại học còn ứ thừa cho nhiều dự định tiếp theo nữa. Ngay khi làm lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội, một nơi mà động đến cái gì cũng có thể bị “gán tội” xâm hại di tích, PGS.TS. Phạm Quang Long đã giữ được cho Thủ đô nhiều địa chỉ văn hóa nguyên vẹn. Hà Nội, lật bất kỳ viên gạch nào lên cũng có thể phát hiện dấu xưa quá khứ ngàn đời, bỏ đi một ngôi nhà cũ, di dời một cây lưu niên cũng có thể chạm vào vùng ký ức dễ tổn thương của hằng vô số người, nên cái trọng trách lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, một “cái ghế” vốn bị xem là nhẹ miếng, nhưng rất dễ rơi vào vòng xoáy để dư luận nâng lên đặt xuống dập vùi săm soi. Giữ được di chỉ khảo cổ Đàn xã tắc, đối thoại với dân làng cổ Đường Lâm... và nhiều sự vụ nổi bật khác, Hà Nội quãng tháng năm ấy, đã may mắn có một nhà văn hóa làm quan văn hóa... Sân khấu Hà Nội dưới “triều” Giám đốc Phạm Quang Long cũng tưng bừng hứng khởi, các nhà hát, và anh chị em nghệ sĩ hưng phấn vì có đích thị một lãnh đạo mang tầm văn hóa. Môi trường ấy, bầu không khí ấy cũng kích thích trở lại Phạm Quang Long, để ông viết và Nợ non sông, Quan lớn về làng, Cao Bá Quát (viết chung với tác giả Huy Thịnh), Nguyễn Công Trứ... những kịch bản của ông đã tác thành sống động những vở diễn đa chiều ấn tượng của các nhà hát Thủ đô...
Tiểu thuyết Lạc giữa cõi người của tác giả Phạm Quang Long, một “thi pháp của sự chân thành” (lời nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng).
Về hưu đã vài năm, có đủ độ lùi thời gian để nhìn lại và suy ngẫm, dẫu PGS.TS. Phạm Quang Long vẫn chẳng có nhiều thời gian rảnh rỗi của riêng mình. Ông lại đi dạy, lại nghiêm cẩn với nghiệp làm thầy theo từ tuổi 20, và lại có dư dôi thêm một chút thời gian riêng cho gia đình. Làm thầy vẫn là trọng trách và sứ mệnh tinh thần PGS.TS. Phạm Quang Long ràng buộc cho mình. Học trò của ông, đặc biệt hoạt động trong lĩnh vực báo chí hơi bị nhiều. Hầu như ở bất cứ cơ quan nào cũng có phóng viên, nhà báo ra lò từ Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội hoặc sau này là Khoa Báo chí Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Học trò cũ dù làm báo nào, dù công việc gì, gặp Giám đốc Sở Phạm Quang Long hầu như cũng vẫn một mực cung kính, thân tình, cũng vẫn thưa thầy như thuở còn đi học. Thế nhưng, thầy Long cười, ẩn trong giọng nói còn nặng thổ ngữ Thái Bình quê cha đất tổ là sự hài ước sâu cay: Vẫn có cá biệt những người làm báo, trong những lúc nước sôi lửa bỏng nào đó, nằng nặc đòi gặp Giám đốc Phạm Quang Long và thái độ trợn trạo oai oách lắm, hách lắm, nạt nộ dậm dọa lắm... Thầy Long chấp nhận cái hiện thực cuộc sống ấy, chỉ tự vấn mình là ở góc độ làm thầy, có thể truyền thụ cho học sinh kiến thức, nhưng định hướng truyền thụ và neo vào mỗi người một văn hóa ứng xử trước sau như nhất, biết mình biết người, biết trên biết dưới thì không phải lúc nào các thầy cũng thành công, mãn nguyện... Nhất là với những học trò làm báo, làm cái nghề dễ tạo cho mỗi cá nhân ảo tưởng về sứ mệnh, quyền lực để mà lệch lạc trong đối nhân xử thế. Cuộc đời là thế, một vài ít ỏi những chi tiết buồn chưa bao giờ lấn lướt, che lấp được niềm vui, sự hướng thiện... và nhiều thế hệ sinh viên Tổng hợp, nhiều người làm báo đã và đang hành nghề bây giờ đã luôn hãnh diện vì được làm học trò của thầy Long, kể cả khi thầy là nhà quản lý hay trực tiếp đứng trên bục giảng...