Bệnh tim mạch là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Mỗi năm, ước tính khoảng 200.000 người Việt Nam tử vong do các bệnh lý tim mạch, cao hơn cả số tử vong do ung thư. Để hưởng ứng ngày tim mạch thế giới 29/9/2017- Vì “một trái tim khỏe” và giúp người dân nhận thức hiểu rõ hơn về bệnh lý nguy hiểm này. Phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống trao đổi với PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng – Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, Tổng thư ký Hội Tim mạch học Việt Nam, chia sẻ về vấn đề này.
Phóng viên: Xin ông cho biết, thực trạng bệnh lý tim mạch ở Việt Nam trong những năm gần đây?
PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng: Ở nước ta hiện chưa có thống kê đầy đủ về tỷ lệ mắc bệnh tim mạch trong cộng đồng, nhưng thực tế bệnh tim mạch gia tăng hàng năm rất nhanh chóng thể hiện qua các năm 1980 khoảng 10% bệnh nhân mắc tăng huyết áp nhưng đến năm 2009 tăng lên 27% ở người lớn. Còn tại trong bệnh viện, theo thống kê bệnh lý tim mạch không lây nhiễm như bệnh động mạch vành tăng cao nhanh chóng ví dụ tại phòng Tim mạch can thiệp – Viện Tim Mạch Việt Nam trước đây khoảng 10 năm can thiệp khoảng 300 ca bệnh nhân bị bệnh động mạch vành/ năm. Nhưng tới năm 2016 đơn vị can thiệp khoảng 3500 ca/ năm điều này cho thấy tốc độ gia tăng gấp hơn 10 lần trong 10 năm qua. Như vậy có thể nói tỷ lệ bệnh tim mạch gia tăng nhanh chóng và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.
Phóng viên: Bệnh lý nào của tim mạch đang là nguy cơ gây ra tử vong cao nhất, thưa ông?
PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng: Bệnh lý tim mạch là trong nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người lớn. Tại Việt Nam, các bệnh không lây nhiễm chiếm 66% tổng số gánh nặng bệnh tật và 72% trường hợp tử vong mỗi năm; trong đó, tỷ lệ tử vong do các bệnh tim mạch chiếm 33%. Gần 200.000 người tử vong do tim mạch/năm. Điều đáng báo động là tình trạng tử vong do các bệnh tim mạch chủ yếu là do không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Tất cả các bệnh lý tim mạch đều nguy hiểm và có nguy cơ tử vong cao, trong số đó, các bệnh động mạch mạch vành và đột quỵ não là những nguyên nhân gây tử vong hoặc tàn phế chiếm tỷ lệ cao nhất. Trong đó bệnh động mạch vành do nhồi máu cơ tim cấp, hội chứng vành cấp có thể gây tử vong ngay hoặc dẫn đến hậu quả suy tim và nguy cơ tử vong sau đó. Tai biến mạch não cũng rất nguy hiểm, ngoài ra bệnh tim mạch khác cũng nguy hiểm không kém. Cách đây 30 năm, nhồi máu cơ tim là bệnh lý khá hiếm gặp ở nước ta. Tuy nhiên, hiện nay các bệnh này đã trở nên phổ biến, gặp hàng ngày tại mọi cơ sở y tế.
PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng – Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, Tổng thư ký Hội Tim mạch học Việt Nam
Phóng viên: Vậy xin ông cho biết dấu hiệu cho thấy mắc các bệnh lý về tim mạch nguy hiểm này?
PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng: Tuyệt đại đa số bệnh lý tim mạch thời gian đầu có diễn biến âm thầm, không có dấu hiệu để cảnh báo và ai cũng có thể mắc bệnh lý tim mạch. Vì vậy, không nên đợi có dấu hiệu bệnh lý rõ rồi mới tới y tế cơ sở để khám thì rất nguy hiểm. Do đó, cần phải chú ý, khám sức khỏe định kỳ và sàng sàng lọc là vô cùng có ý nghĩa, nếu khám sớm mới nhận biết được các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch để khống chế và kiểm soát kịp thời thì mới có thể ngăn ngừa được hiệu quả các biến cố tim mạch, ví như bệnh lý như huyết áp thì phải đo mới biết được các thông số. Mỡ, đường trong máu cao phải qua xét nghiệm mới biết được vì không có dấu hiệu đặc hiệu... Một khi đã bị biến chứng bệnh tim mạch, một số dấu hiệu kinh điển gợi ý bạn có thể bị bệnh tim mạch là: khó thở khi gắng sức hoặc xuất hiện đột ngột, đau thắt ngực, hồi hợp trống ngực, phù chân...vv. Ngoài ra có thể nhận thấy các biểu hiện khác như chân tay yếu đi, đi cách hồi hoặc mệt đột ngột không có lý do, đau đầu, chóng mặt… điều phải đến cơ sở y tế để khám và tư vấn cụ thể vì rất có thể đây là một trong các biểu hiện của bệnh lý tim mạch hoặc một bệnh cảnh nào đó nguy hiểm.
Phóng viên: Thưa ông, hiện tượng trẻ hóa bệnh tim mạch ở Việt Nam đã được nhắc tới nhiều lần. Hiện nay, bệnh nhân trẻ mắc bệnh tim có phải là mối lo ngại với sức khỏe cộng đồng không?
PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng: Hiện nay, mô hình bệnh tim không lây nhiễm bị trẻ hóa bởi lối sống hiện đại hóa. Trước đây, các bệnh mạch vành, động mạch não, bệnh động mạch ngoại biên.. thường chỉ gặp ở người cao tuổi nhưng hiện nay gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, có thể chưa 40 và gần đây nhất chúng tôi liên tục can thiệp những ca bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim ở tuổi trên dưới 30 trong đó có ca mới 28 tuổi. Theo điều tra năm 2014 về tăng huyết áp, số người bị tăng huyết áp dưới 40 tuổi chiếm tỷ lệ 16,5%. Nguyên nhân dẫn đến trẻ hóa các bệnh lý tim mạch không lây nhiễm là do lối sống hiện đại theo xu hướng có hại cho sức khỏe như, ăn uống nhiều chất mỡ động vật, thực phẩm chế biến sẵn, cộng với tình trạng lười vận động, uống rượu, hút thuốc lá… khiến nhiều người trẻ mắc các nguy cơ tim mạch. Đối tượng có nguy cơ thường gặp nhất là ở những người thừa cân béo phì, vòng bụng lớn, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áo và đặc biết là ở bệnh nhân hút thuốc lá.
Hiện rất nhiều bệnh nhân trẻ ở độ tuổi 30-35 cũng mắc các bệnh lý về huyết áp, tim mạch và thậm chí là không ít trong số đó tử vong do nhồi máu cơ tim. Đây là do thói quen, lối sống, ăn uống không hợp lý: ăn nhiều chất béo no, đồ ăn chế biến sẵn, sử dụng thuốc lá, bia rượu, nước uống có gas, stress… dẫn tới béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường… và cuối cùng là các biến cố tim mạch. Đây là lời cảnh báo giới trẻ để các bạn trẻ có một lối sống lành mạnh hơn, phòng được các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, nhất là nam giới hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, thói quen ăn uống có hại và lười vận động….
Phóng viên: Vậy khi nào cần sàng lọc tim mạch để phát hiện sớm ra bệnh và tránh nguy cơ tử vong thưa ông?
PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng: Ai cũng cần khám định kỳ, sàng lọc các yếu tố nguy cơ và bệnh tim mạch nhất là những người lớn tuổi. Cần khám sức khỏe định kỳ để biết được sớm những yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Vì do các bệnh lý tim mạch đa số không có biểu hiện và diến biến âm thầm do đó bắt buộc phải sàng lọc và ai cũng có thể mắc bệnh lý, không trừ ở lứa tuổi, giới tính… cho nên việc khám định kỳ để sàng lọc là rất cần thiết.
Các khuyến cáo cho thấy, cần nhớ chỉ số huyết áp của mình và số đo chiều cao cân ặng cũng như nhớ tuổi của mình. Sau khi khám có các dấu hiệu nguy cơ các bác sĩ sẽ chỉ định khám sàng lọc kỹ, chuyên sâu hơn xem có bị các biến cố tim mạch nào chưa. Hoặc khi người bệnh có các biểu hiện bất thường như khó thở, đau ngực, thay đổi huyết áp, đánh trống ngực… thì cần đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn cụ thể.
Phóng viên: Hiện nay, ngành tim mạch nói chung tại Viện Tim mạch Quốc gia nói riêng đã triển khai được những kỹ thuật hiện đại nào giúp chẩn đoán và chữa trị cho người bệnh mắc bệnh tim mạch thưa ông?
PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng: Hiện nay có rất nhiều tiến bộ trong y học trong đó có chuyên ngành tim mạch. Đối với ngành tim mạch và cụ thể tại Viện Tim mạch Quốc Gia Việt Nam hiện đã áp cụng và triển khai được hầu hết các kỹ thuật tiến bộ mà trên thế giới làm được từ khâu chẩn đoán đến sàng lọc và điều trị hiệu quả các bệnh bệnh tim.
Mặc dù các bệnh lý tim mạch là khá trầm trọng và nguy hiểm như trên, nhưng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, chúng ta vui mừng là hầu hết các bệnh tim mạch có thể phòng ngừa được một cách chủ động và hiệu quả. Bên cạnh đó, các bệnh tim mạch, một khi bị mắc phải cũng có thể được phát hiện và chữa trị hiệu quả nhờ các tiến bộ trên.
Các kỹ thuật tim mạch can thiệp đã phát triển mạnh mẽ, các kỹ thuật mới liên tục được triển khai trong đó phải kể đến việc sử dụng các biện pháp thăm dò hiện đại như siêu âm trong lòng động mạch vành (IVUS); đo dự trữ lưu lượng dòng chảy động mạch vành (FFR); ứng dụng tế bào gốc trong điều trị suy tim sau nhồi máu cơ tim cấp; kỹ thuật can thiệp đặt Stent Graft điều trị bệnh lý động mạch chủ; thay van động mạch chủ qua da; điều trị tăng huyết áp kháng trị bằng phương pháp triệt phá giao cảm động mạch thận, sửa van hai lá qua đường ống thông; triệt đốt rung nhĩ; cấy máy tái đồng bộ cơ tim…
Người bệnh còn được thụ hưởng các phương tiện chẩn đoán hiện đại, các xét nghiệm đánh dấu các bệnh lý tim mạch, xét nghiệm được sớm ví dụ như: dấu ấn viêm siêu nhạy. Phát hiện được các bệnh qua chẩn đoán hình ảnh bằng siêu âm tim, chụp cắt lớp mà không cần xâm nhập bệnh động mạch vành, cộng hưởng từ. Siêu âm tim 2 chiều, siêu âm màu 3 chiều, để đánh giá rối loạn cơ tim đều tiến hành được một cách bài bản và chính xác. Các chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn như chụp cắt lớp để xem được các cấu trúc rất nhỏ cho đến các biện pháp điều trị nội khoa, điều trị can thiệp, phẫu thuật đều được cập nhật liên tục.
Phóng viên: Giáo sư có thông điệp gì chia sẻ với cộng đồng để mọi người nhận thức được sự nguy hiểm của bệnh tim mạch, để mọi người phòng bệnh bằng cách lựa chọn lối sống lành mạnh, nhất là đối với giới trẻ hiện nay?
PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng: Do bệnh tim mạch diễn biến âm thầm, nguy cơ tử vong cao nhưng lại hoàn toàn có thể phòng tránh được. Do đó, với nhịp sống hiện đại ngày nay cần có lối sống khoa học, nhằm giảm các nguy cơ trong đó chủ yếu hạn chế được thuốc lá, rượu bia, ăn nhiều chất béo, đồ ăn chế biến sẵn, giảm béo phì, tích cực vận động, luyện tập thể thao thường xuyên… có thể kiểm soát được yếu tố nguy cơ, giảm tới 70-80% bệnh tim mạch.
Cần khám sàng lọc để được chẩn đoán, điều trị sớm các yếu tố nguy cơ hoặc bệnh tim mạch nhằm giảm nguy cơ bị biến cố tim mạch hoặc tiến tới tử vong. Hiện nay, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường đều có thuốc điều trị hiệu quả bên cạnh yếu tố quyết định là thay đổi lối sống như trên. Người mắc các bệnh lý tim mạch, kể cả đột quỵ phát hiện sớm, điều trị đúng đều giúp người bệnh bước qua cửa tử.
Xin cảm ơn PGS, TS. Phạm Mạnh Hùng về những chia sẻ thông tin hữu ích này!
Mai Lê (Thực hiện)