Số người cao tuổi ở nước ta liên tục tăng cao trong những năm gần đây, hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi (chiếm khoảng 11,86% dân số). Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2038, nhóm người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) sẽ khoảng hơn 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số. Tỉ lệ người cao tuổi ngày càng gia tăng trong cơ cấu dân số gây áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội, hệ thống y tế, trong đó có chuyên ngành lão khoa.
Có một điều đáng suy nghĩ là mặc dù tuổi thọ của người cao tuổi ở nước ta tăng lên nhưng họ sống với nhiều bệnh lý phối hợp, thông thường là 3 bệnh.
Theo một nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương, những bệnh nhân trên 80 tuổi có đến 6 bệnh phối hợp như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, Parkinson, Sa sút trí tuệ, đột quỵ...
Với tình trạng bệnh lý và hội chứng lão khoa như vậy khiến nhu cầu chăm sóc toàn diện với đối tượng này là rất lớn. Đó cũng là vấn đề cấp thiết cần giải quyết với hệ thống an sinh xã hội, môi trường chính sách của bất kỳ quốc gia nào.
PGS. Trung Anh cho rằng, ở các nước phát triển, chăm sóc người dân khi về già là một lộ trình có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính và thời gian, thậm chí từ 20 năm trước. Song ở Việt Nam, như nhiều ý kiến nhận định "người Việt chưa giàu đã già", hầu hết chúng ta không chuẩn bị được tâm thế đón nhận tuổi già, không chuẩn bị được tài chính từ khi còn trung niên để an dưỡng khi tuổi cao. Tuổi già ập đến với nhiều bệnh lý đòi hỏi việc chăm sóc thường xuyên, tốn kém về chi phí điều trị thuốc, dinh dưỡng trong khi tài chính bản thân eo hẹp, con cái bận rộn không hỗ trợ được nhiều, gánh nặng tuổi tác trước hết đè lên gia đình họ, sau đó là hệ thống an sinh xã hội.
Ba năm diễn ra đại dịch COVID-19 càng khắc họa sâu sắc hơn vấn đề này với những thách thức trong chăm sóc, điều trị cho đối tượng chiếm hơn 11,86% dân số. Dịch bệnh lần đầu xuất hiện trong lịch sử gây nhiều xáo trộn, kéo theo cách tiếp cận chăm sóc người cao tuổi có sự thay đổi rất nhiều. Người già ngại đi khám, không đi khám khiến nhân viên y tế phải nghĩ mọi cách làm sao để mang thuốc đến tận nhà người dân.
Tuy nhiên thực tế là chúng ta không thể mang thuốc đến cho tất cả người bệnh được. Việc duy trì chăm sóc, điều trị đều đặn cho họ rất khó khăn, trong khi truyền thông chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại cộng đồng còn hạn chế. Chưa hết, khi dịch được kiểm soát, bệnh nhân cao tuổi lại nhập viện ồ ạt với tình trạng bệnh lý nghiêm trọng gây áp lực lớn lên hệ thống y tế…
Để giải quyết vấn đề này, theo xu thế chung của thế giới, chúng ta không thể xây dựng thật nhiều nhà dưỡng lão, xây dựng nhiều bệnh viện lão khoa được mà điều quan trọng nhất trong tương lai là giữ người cao tuổi trong cộng đồng càng lâu càng tốt. Muốn vậy thì cần hỗ trợ họ kiến thức, kỹ năng để người cao tuổi tự chăm sóc, "tự phục vụ" bản thân. Đơn giản nhất từ việc uống thuốc như thế nào, uống thuốc đúng giờ ra sao, khi tắm phải có ghế ngồi, không đứng một chân khi mặc quần áo tránh nguy cơ té ngã; rồi uống bao nhiêu nước một ngày thì đủ và lưu ý không uống sau 18h tối để tránh việc tiểu đêm, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Ước tính 50% thành công của việc chăm sóc, điều trị cho người cao tuổi đến từ vấn đề dinh dưỡng và phục hồi chức năng, do đó cũng cần phổ biến kiến thức, bài tập đến cộng đồng…
Tất cả những điều này tưởng như là nhỏ nhặt nhưng đều là kỹ năng tự chăm sóc bản thân cần có. Chúng ta chuẩn bị cho tuổi già bằng trang bị kiến thức khoa học cho họ và cho cả những người trong gia đình họ. Còn từ phía cộng đồng, môi trường chính sách cũng cần sát thực phù hợp hơn cho người cao tuổi, đảm bảo an sinh xã hội cho nhóm đối tượng này, bởi thực tế người cao tuổi trong xã hội vẫn là một nguồn lực rất quan trọng và không thể thiếu. Họ là những người có trình độ, kiến thức, kỹ năng chuyên môn và bề dày kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Và chính sức khỏe là điều kiện tiên quyết để người cao tuổi có cuộc sống tích cực, truyền đạt những kinh nghiệm sống quý báu và là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho con cháu.
Với hệ thống y tế, nhất là trong chuyên ngành lão khoa hiện vẫn còn thiếu nhân lực bác sĩ và điều dưỡng chăm sóc, tôi cho rằng cần tích cực đào tạo, xây dựng các mô hình, chương trình đào tạo tốt để đáp ứng chuyên môn cho người làm chuyên ngành… Để đối phó với tình trạng già hóa dân số, Bệnh viện Lão khoa Trung ương đã xây dựng chiến lược nâng cao chất lượng chăm sóc trên người cao tuổi, thông qua các chương trình tăng cường các nghiên cứu chuyên sâu về người cao tuổi giữa Bệnh viện Lão khoa Trung ương và các trường đại học uy tín trên thế giới, hỗ trợ phát triển khung chương trình đào tạo bác sĩ lão khoa, điều dưỡng lão khoa, người chăm sóc; trao đổi học viên liên viện, liên trường đại học…
"Tôi tin rằng với những việc làm này sẽ từng bước giải quyết được bài toán chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng sống cho người cao tuổi nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức khi là một trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới" - PGS.TS. Nguyễn Trung Anh nhấn mạnh.