PGS.TS. Nguyễn Thị Thế Trâm Cựu tư lệnh phòng chống dịch miền Trung

05-02-2009 11:10 | Thời sự
google news

Sớm giác ngộ rồi trưởng thành trong cách mạng, tích cực học hỏi và công tác, từ một y sĩ trở thành bác sĩ, Tiến sĩ khoa học và Phó giáo sư,

Sớm giác ngộ rồi trưởng thành trong cách mạng, tích cực học hỏi và công tác, từ một y sĩ trở thành bác sĩ, Tiến sĩ khoa học và Phó giáo sư, Nguyễn Thị Thế Trâm trở thành nhà khoa học, nhà quản lý giỏi, từ năm 1976-1997 là Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, trung tâm đầu não, tổ chức thực hiện các công tác y học dự phòng cho nhân dân miền Trung. Bà đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân và được giải thưởng quốc tế Kovalevskaia dành cho các nhà khoa học nữ xuất sắc.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thế Trâm sinh ra và lớn lên trên quê hương đất võ Bình Định trong một gia đình nhà giáo nên được đi học sớm, gia đình coi đó là sự chuẩn bị cho tương lai tốt nhất cho con gái vào thời buổi lúc bấy giờ...

Bão táp Cách mạng Tháng Tám cuốn hút cô gái trẻ 16 tuổi với nhiều ý tưởng mới về cuộc sống, về sự nghiệp. Được sự dìu dắt của các bậc đàn anh, đàn chị, cô hăng hái theo cách mạng, làm liên lạc, thư ký đến công tác thanh thiếu nhi, bằng tất cả nhiệt tình sôi nổi của tuổi trẻ. Tuổi thanh niên, sớm giác ngộ và hăng hái công tác, cô được vào Đảng lúc mới 18 tuổi (17/2/1947).

Cuối năm 1951, cô được đoàn thể cho đi học y sĩ. Học xong, cô được cử ra Bắc dự khóa học về “chống chiến tranh vi trùng”. Sau 3 tháng học, với kết quả học tập xuất sắc, cô được giữ lại cơ quan Viện Vi trùng học Trung ương tại Việt Bắc rồi được điều động trở lại miền Nam. Cô hăng hái mang các kiến thức và kỹ năng mới được học, phục vụ bộ đội và nhân dân trong cuộc kháng chiến. Năm 1955, y sĩ Trâm đi tập kết trên chuyến tàu cuối cùng ra miền Bắc. Cô được trở lại công tác tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tên trước đây là Viện vi trùng học mà cô đã có thời gian làm quen.

 Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và bà Hà Thị Khiết, nguyên Chủ tịch LHPNVN cùng các nhà khoa học nữ ngành y trong lễ nhận giải thưởng Kovalevskaia (bà Trâm đứng thứ 4 từ trái sang). Ảnh: TL
 
Năm 1956, y sĩ Trâm được cử đi học đại học. Năm 1962 tốt nghiệp bác sĩ, trở lại Viện, BS. Thế Trâm được cử làm Phó phòng Vi trùng, trợ lý cho GS.TSKH. Đặng Đức Trạch.

BS. Thế Trâm tích cực tham gia công tác Đảng, công đoàn trong cơ quan. Công tác đoàn thể đã bồi dưỡng cho chị có nhận thức đúng đắn về chuyên môn, có sự tự tin và quả quyết khi làm công tác quản lý và vận động quần chúng sau này.

Năm 1966, BS. Trâm được cử đi đào tạo ở Cộng hòa dân chủ Đức. Sau 6 năm, BS. Trâm đã hoàn thành học vị tiến sĩ khoa học và trở về nước.

Sau Hiệp định Paris, đầu năm 1973, TS. Trâm được cử vào T72 Quảng Trị để đón tiếp chiến sĩ và đồng bào miền Nam do địch chuyển cho ta sau nhiều năm tra tấn, giam giữ. Nhìn người thân tiều tụy, đau yếu, nỗi căm hờn chua xót như tiếp thêm nghị lực, trách nhiệm phục vụ mà bấy lâu bà cảm thấy mình chưa làm tròn. 6 tháng phục vụ ở T72 đã giúp bà học được nhiều điều bổ ích.

Đầu năm 1975, TS. Trâm đang dự một Hội nghị khoa học tại Đức thì nhận được điện báo phải trở về nước để nhận công tác tiếp quản miền Nam.

Tháng 8/1975, TS. Trâm cùng 6 cán bộ được Bộ Y tế giao nhiệm vụ tiếp quản Viện Pasteur Nha Trang với công việc ban đầu thật lớn, thật bề bộn. Trước mắt bà và đồng nghiệp, một nhiệm vụ khó khăn, thử thách mới đòi hỏi phải có một nghị lực cao mới vượt qua nổi.

Viện có chức năng và nhiệm vụ chính gồm chỉ đạo chuyên môn tuyến trước về vệ sinh dịch tễ, y tế công cộng, nghiên cứu khoa học và đề xuất với Bộ Y tế các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận.

Công tác được mấy tháng, đầu năm 1976, có lệnh của cấp trên yêu cầu ngành y tế chuyển giao Viện cho Bộ Nông nghiệp quản lý. TS. Thế Trâm không nhất trí với quyết định này, đó là điều không hợp lý. Bà đã thức nhiều đêm, soạn thảo, tự đánh máy các bản tường trình với Trung ương đề nghị nên để Viện Pasteur cho y tế quản lý, tiếp tục các công tác phục vụ sức khỏe nhân dân. Bà đã đến gặp lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị cho phép bà được tìm gặp các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng lúc ở Hà Nội, lúc ở thành phố Hồ Chí Minh để gửi văn bản, để trình bày ý kiến, để thuyết phục đề nghị xét lại việc này. Sự kiên trì của người nữ trí thức thực sự vì quê hương được chấp nhận. Vài tháng sau, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy gọi điện báo tin: “Bộ Chính trị TW Đảng đã quyết định giao cho Bộ Y tế quản lý Viện này”. Nói sao cho hết niềm vui của TS. Thế Trâm lúc bấy giờ.

Thế là Viện Pasteur Nha Trang có quan hệ tốt và trở thành một thành viên của hệ thống các Viện Pasteur thế giới, tiếp tục nhận được sự viện trợ có hiệu quả của Chính phủ Pháp về nhiều mặt; và từ năm 1995 được Viện Pasteur giúp đỡ xây dựng cơ sở vật chất, thư viện và bảo tàng Yersin. Xây dựng xong Viện với bộ mặt mới, khang trang và to đẹp hơn xưa, bà nhận chế độ nghỉ hưu cuối năm 1997.

Với cương vị Viện trưởng trong 23 năm, PGS.TS. Thế Trâm đã lãnh đạo Viện làm tốt nhiều công tác của y tế dự phòng tại các tỉnh khu vực miền Trung.

Khu vực miền Trung với chiều dài hơn 1.300km với biển rộng, núi cao theo chiều dài đất nước. Để đến được các xã miền núi tiến hành công tác y học dự phòng như tổ chức tiêm chủng, vận động vệ sinh phòng bệnh, các cán bộ phải mất từ 3-4 ngày vừa đi ô tô vừa đi bộ. Nhân dân các tỉnh miền Trung đã kiên cường, anh dũng chiến đấu trong hai cuộc kháng chiến, mỗi mét đều nhuốm máu và mồ hôi của biết bao chiến sĩ đồng bào. Khu vực miền Trung là vùng Mỹ ngụy tàn phá khốc liệt nhất trong chiến tranh, để lại nhiều hậu quả nặng nề, nhiều đồng bào, nhiều vùng đất bị nhiễm chất độc hóa học và bom mìn còn sót lại. Miền Trung cũng là nơi chịu tác động khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu, ảnh hưởng rất lớn đến công tác tổ chức, triển khai các hoạt đồng phòng chống dịch.

Đi công tác nhiều nơi trong các tỉnh, bà chứng kiến nhiều đồng bào bị chết vì bệnh dịch hạch, dịch tả, với nhiều cảnh đau lòng. Nhân dân ốm đau, không đủ thầy thuốc săn sóc, thuốc men thiếu thốn, huyện xã không có cán bộ vệ sinh phòng dịch, sự hiểu biết của cộng đồng về vệ sinh phòng chống dịch còn nhiều hạn chế. Màng lưới vệ sinh phòng dịch từ tỉnh đến cơ sở phải xây dựng từ đầu. Tổ chức Viện chưa ổn định, tư tưởng cán bộ chưa thật yên tâm. Bà đã nhanh chóng tập hợp, đoàn kết lực lượng, đưa các hoạt động của Viện trở lại hoạt động bình thường và xây dựng phát triển theo yêu cầu mới.

Việc khẩn cấp nhất là phải tập trung vào công tác phòng chống dịch, giải quyết gấp những bệnh do tệ nạn xã hội cũ để lại, dập tắt kịp thời các bệnh dịch như dịch hạch, dịch tả, sốt xuất huyết..., đào tạo cán bộ để triển khai mạnh mẽ mạng lưới vệ sinh phòng dịch trên địa bàn các tỉnh miền Trung.

Dưới sự lãnh đạo của Bộ Y tế, với sự hỗ trợ tích cực của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, cán bộ Viện Pasteur Nha Trang đã nỗ lực xây dựng viện trở thành một trung tâm vệ sinh dịch tễ khu vực, một cơ sở y học dự phòng của dân, hoạt động vì dân.

Viện Pasteur Nha Trang đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Bộ Y tế giao, tiếp tục hợp tác chuyên môn với các viện bạn và chỉ đạo các trung tâm y tế dự phòng các tỉnh miền Trung tổ chức phòng chống dịch hiệu quả, tham gia tích cực giám sát các dịch bệnh nguy hiểm, hỗ trợ có hiệu quả quân và dân khắc phục hậu quả sau thiên tai, sau thảm họa thiên nhiên.

Với chính sách y tế đúng đắn của Đảng và Chính phủ, nhân dân các tỉnh miền Trung, từ thành thị tới nông thôn, từ đồng bằng ven biển đến rừng núi hải đảo đâu đâu cũng được bảo vệ sức khỏe, được tiêm chủng đầy đủ và tích cực phòng chống dịch bệnh, tuổi thọ của người dân được nâng cao. Làm được như vậy, trước hết phải trân trọng những phấn đấu vượt bậc của PGS.TSKH. Nguyễn Thị Thế Trâm và các cán bộ y học dự phòng miền Trung, đã biết tổ chức và quản lý, biết đoàn kết và phối hợp đồng bộ các hoạt động trong nội bộ Viện, xây dựng được một tập thể cán bộ Viện sống trong tin yêu, chan chứa tình người, tình đồng nghiệp. Cán bộ Viện đã tổ chức tốt và đôn đốc mạng lưới tại các địa phương và cơ sở hoạt động có hiệu quả.

Để hoàn thành nhiệm vụ, bà đã có những sự hy sinh lớn lao, phải xa cách nhiều năm với người chồng và hai đứa con, thời gian sống gần gũi, sum họp với gia đình thật là ít ỏi. Bà phải xa các con trong những thời điểm chúng ăn học và trưởng thành, rất cần người mẹ chăm sóc và gần gũi. Vì công việc, bà sống và làm việc tại tập thể Viện tại Nha Trang trong khi chồng và hai con của bà công tác ở Hà Nội. Rất may mắn, những người thân yêu đã luôn luôn chia sẻ giúp bà vượt mọi khó khăn về tình cảm gia đình. Bà luôn tâm niệm, những thành quả mà bà đã đạt được, có công lớn của những người trong gia đình.

Từ năm 1992, bà và các đồng nghiệp đã thành lập Hội ái mộ Yersin, vận động cộng đồng làm từ thiện và bà được bầu là Chủ tịch. Hội đã có hơn 700 hội viên gồm nhiều nhân sĩ trí thức, nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài nước, có cán bộ đã nghỉ hưu và đang làm việc. Hội đã tổ chức phòng khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho người nghèo mỗi năm hơn 100 triệu đồng và từ năm 2005 đã lo toan chi phí chăm sóc một phần cho trẻ em bị nhiễm chất độc da cam hoặc tật nguyền với chi phí hằng năm hơn hai trăm triệu đồng.

Trần Giữu


Ý kiến của bạn