PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy: Phối hợp Viện – Trường trong đào tạo Nhi khoa là chiến lược lâu dài

PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy

PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy

Trưởng bộ môn Nhi trường Đại học Y Hà nội.Phó trưởng khoa miễn dịch dị ứng, bv Nhi Trung ương.

13-11-2017 06:00 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Trải qua 57 năm phát triển và trưởng thành (1960-2017), Bộ môn Nhi – Trường ĐH Y Hà Nội đã dần khẳng định vai trò quan trọng trong việc đào tạo đội ngũ bác sĩ Nhi khoa kế cận phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của đất nước có đến 40% dân số là trẻ em.

Nhân dịp kỷ niệm 57 năm thành lập Bộ môn Nhi, 115 năm thành lập Trường ĐH Y Hà Nội, PV Báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy – Trưởng Bộ môn Nhi, Trường ĐH Y Hà Nội xung quanh việc đào tạo nguồn nhân lực Nhi khoa tại ngôi trường danh giá bậc nhất này.

Phối hợp Viện – Trường trong đào tạo Nhi khoa là chiến lược lâu dàiPGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy

PV: Xin bà cho biết vai trò của Bộ môn Nhi trong các bệnh viện (BV) nói chung và với BV chuyên ngành nhi khoa nói riêng?

PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy: Nhi khoa là lĩnh vực rất “nóng”. Trong ngành y có 4 lĩnh vực chính đó là Nội - Ngoại - Sản – Nhi, đây cũng được coi là các ngành học “xương sống” của tất cả các bác sĩ đa khoa. Đặc biệt, trong bối cảnh dân số trẻ của Việt Nam hiện nay, trẻ em chiếm đến 40% dân số cả nước cho nên nhu cầu bác sĩ nhi khoa rất lớn. Nếu như trước kia bác sĩ đa khoa phải kiêm nhiệm khám chữa bệnh cho cả người lớn và trẻ em thì ngày nay, công tác chuyên môn ngày càng được trú trọng, các bác sĩ được chuyên khoa hoá sâu để tăng cường kỹ năng khám chữa bệnh.

Chúng ta cũng biết là có những tai biến không mong muốn xảy ra trong y khoa. Điều này có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, một trong các lý do là có sự không đồng đều về trình độ y tế giữa các vùng miền, giữa các cơ sở y tế trung ương và địa phương. Chính vì thế mà vai trò của người thầy giáo, thầy thuốc đào tạo bác sĩ chuyên khoa nhi là vô cùng quan trọng. Đứng trước nhu cầu cấp thiết tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em Việt Nam, trong thời gian qua Bộ Y tế đã chủ trương thành lập hệ thống BV Sản - Nhi, vì thế số bác sĩ công tác trong lĩnh vực nhi khoa cũng dần tăng lên, nhu cầu đào tạo ở các vùng miền từ đồng bằng đến miền núi cũng tăng lên rõ rệt… Tất cả điều này đều hướng đến mục tiêu chung là tăng cường chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho trẻ em Việt Nam.

Theo thống kê hiện tại, ở Việt Nam có 12 Trường ĐH Y khoa chính quy. Tại khu vực phía Bắc, ngoài Trường ĐH Y Thái Bình, ĐH Y Hải Phòng, ĐH Y Thái Nguyên thì từ trước đến nay Trường ĐH Y Hà Nội là cơ sở lớn vẫn được coi như “cánh chim đầu đàn”. Học viên ở đây được đào tạo bởi các thầy cô có trình độ học vấn cao, các chuyên gia trong và ngoài nước và đặc biệt dựa trên nền thực tập tại các BV lớn, trong đó có BV Nhi Trung ương là cơ sở thực hành rất đông bệnh nhân, nhiều mặt bệnh trong đó có cả những bệnh phức tạp, mới nổi. Chính vì thế, các thầy cô  đã truyền đạt tới các học viên một cách sâu sắc nhất về cách phát hiện, điều trị, phòng ngừa bệnh cũng như biết cách chuyển tuyến kịp thời trong các trường hợp cấp cứu, bệnh nhân  nặng không có khả năng điều trị…

Có thể nói, vai trò của Bộ môn Nhi là cực kỳ quan trọng nhưng do thực tế nhu cầu đòi hỏi đào tạo lớn, số lượng giảng viên còn hạn chế nên cần cố gắng nhiều hơn nữa để đáp ứng nhu cầu xã hội.

PV: Trải qua chặng đường gần 60 năm phát triển và trưởng thành, đến nay Bộ môn Nhi, Trường ĐH Y Hà Nội đã có những bước tiến như thế nào để đáp ứng nhu cầu đào tạo bác sĩ Nhi khoa cho xã hội, thưa bà?

PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy: Bộ môn Nhi, Trường ĐH Y Hà Nội được thành lập năm 1960, có thể nói sự phát triển của Bộ môn Nhi đồng hành với sự phát triển nền y học Việt Nam. Trong chiến tranh, các thế hệ thầy cô vừa học tập, vừa giảng dạy, vừa khám chữa bệnh phục vụ người bệnh, chăm sóc sức khỏe trẻ em không những chỉ ở Hà Nội mà còn ở các vùng sâu vùng xa, các địa phương. Trước năm 1975, các thầy cô thậm chí còn giảng dạy cho học viên ngay dưới làn bom đạn, đưa học viên đi sơ tán.

Khi đất nước hoà bình, công tác chăm sóc sức khoẻ càng được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt ở trẻ em. Theo chính sách kế hoạch hóa gia đình của Đảng và Nhà nước, số lượng con trong mỗi gia đình ngày càng ít đi, mỗi gia đình chỉ có từ 1-2 trẻ nên sự quan tâm, chú ý của gia đình, xã hội đối với trẻ em ngày càng tăng lên,  dồn mọi tình yêu thương vào con trẻ. Tuy nhiên, mặt trái của hội nhập, di dân, biến đổi khí hậu cũng dẫn đến nhiều bệnh dịch lạ tràn vào nước ta. Một số dịch bệnh trước kia chỉ nổi trội ở vùng mưa nhiều, ở một số vùng miền thì nay bùng phát rầm rộ ở Hà Nội. Ví dụ, trong vài năm gần đây nhiều dịch bệnh như cúm, sởi, chân tay miệng, sốt xuất huyết, ho gà... liên tiếp xuất hiện. Chính vì thế, Bộ môn Nhi rất nỗ lực trong công tác đào tạo và cập nhật kiến thức cho đội ngũ bác sĩ, nhất là các bác sĩ trẻ, các bác sĩ tại y tế cơ sở nhằm năng cao năng lực khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe trẻ em.

Nhìn lại chặng đường 57 năm đã đi qua, Bộ môn Nhi vinh dự có rất nhiều thầy cô được Nhà nước và học trò tôn vinh, họ thực sự là những “cánh chim đầu đàn” trong các chuyên ngành trong nhi khoa, vừa có khả năng truyền đạt kiến thức giảng dạy, và là các chuyên gia trong các lĩnh vực của mình. Các thế hệ thầy và trò trong Bộ môn Nhi luôn ý thức được việc học tập không ngừng, cập nhật thường xuyên nâng cao kiến thức, chuyên môn, ngoại ngữ để có thể trở thành một thầy thuốc nhi khoa giỏi, có thể làm việc một cách độc lập.

Chúng tôi cũng nhận thấy vai trò hết sức quan trọng trong tuyển chọn những học viên giỏi, tất cả phải có trình độ sau đại học trở lên, có khả năng giảng dạy, đào tạo thành những giảng viên, cán bộ giảng dạy của Bộ môn.

Theo thống kê, số lượng học viên được đào tạo tại Bộ môn Nhi thay đổi hàng năm, và tăng lên không ngừng. Nếu như năm 1960, Bộ môn Nhi chỉ có 10-12 cán bộ, đào tạo chủ yếu sinh viên đa khoa thì đến thời điểm hiện tại, mỗi năm Bộ môn   đào tạo trên 3.000 lượt sinh viên đại học và đào tạo sau đại học từ 100-200 người, bao gồm bác sĩ chuyên khoa định hướng Nhi, bác sĩ chuyên khoa 1, bác sĩ chuyên khoa 2, bác sĩ nội trú, cao học, nghiên cứu sinh.

PV: Là chuyên gia trong lĩnh vực nhi khoa, vừa giảng dạy vừa trực tiếp làm lâm sàng, theo bà, cần làm gì để sự phối hợp giữa Bộ môn Nhi và các BV (lý thuyết và thực hành lâm sàng) đạt hiệu quả cao hơn?

PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy: Việc phối hợp Bộ môn với thực hành BV là vấn đề trăn trở rất lớn không chỉ với Bộ môn Nhi mà còn với tất cả các Bộ môn lâm sàng khác. Nếu không có thực hành BV thì mọi vấn đề học tập chỉ là lý thuyết. Chiến lược đào tạo phối hợp Viện – Trường là kinh điển của tất cả mọi nền y khoa trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Ở Việt Nam, chúng ta có mô hình đào tạo bác sĩ nội trú, hầu hết cán bộ giảng dạy Bộ môn Nhi là bác sĩ nội trú BV. Các bác sĩ nội trú học tập, sinh hoạt, điều trị, trực đêm tại BV, lăn lộn với từng ca bệnh như là một bác sĩ điều trị thực thụ tại BV để nâng cao kỹ năng khám chữa bệnh của mình. Nhiều cán bộ của Bộ môn do có trình độ chuyên môn tốt nên được bổ nhiệm các vị trí từ lãnh đạo các BV đến các Trưởng, Phó khoa. Ngược lại, nhiều bác sĩ BV, với kinh nghiệm lâm sàng lâu năm, là giảng viên kiêm nhiệm cho nhà trường. Các giảng viên, các bác sĩ  làm công tác Viện - Trường phối hợp vừa giảng dạy vừa “cầm tay chỉ việc” cho học viên.

Theo tôi, thực hành Nhi tại các BV là công việc rất tỉ mỉ, đòi hỏi chuyên môn và trách nhiệm rất cao bởi lẽ trẻ nhỏ không nói được cho nên quá trình điều trị, chăm sóc đòi hỏi người thầy thuốc phải tích lũy nhiều kinh nghiệm, vừa chữa cho trẻ nhưng lại phải chia sẻ với phụ huynh; thầy thuốc không chỉ cần kỹ năng giỏi mà phải có tâm lý tốt, đồng cảm với bệnh nhân.

Có thể thấy, nhu cầu đào tạo bác sĩ Nhi khoa là rất lớn nhưng việc đào tạo không thể tràn lan mà cần phải đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực. Do đó chúng tôi đào tạo phối hợp với nhiều BV, không chỉ ở BV Trung ương mà còn ở BV các tỉnh; hoặc đào tạo từ xa… Mỗi thầy thuốc đều là thầy giáo và ngược lại, có như vậy mới phát triển lâu dài và bền vững được.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư!


Dương Hải (thực hiện)
Ý kiến của bạn