PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy hướng dẫn cách chăm trẻ ốm trong thời tiết khắc nghiệt

PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy

PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy

Trưởng bộ môn Nhi trường Đại học Y Hà nội.Phó trưởng khoa miễn dịch dị ứng, bv Nhi Trung ương.

29-12-2016 09:07 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Thời tiết rét sâu về đêm và sáng sớm với nhiệt độ thấp nhất 12 độ C; trong khi đó ban ngày trời nắng, nhiệt độ cao nhất là 22 độ C. Sự chênh lệch nhiệt độ lớn như vậy khiến nhiều cha mẹ đứng ngồi không yên vì lo con ốm.

Nhiều trẻ đổ bệnh

Chị Hải Anh (Quang Trung, Hà Đông) cho biết, con trai chị đang khỏe bỗng lăn ra ốm mấy ngày nay. Ban đầu, con có biểu hiện húng hắng ho, sau ho mỗi lúc một nặng hơn, ho dai dẳng, đỡ vài ngày rồi lại bị dù con vẫn ăn, chơi đùa bình thường. Sau đó con sốt 39 độ C, quấy khóc bám chặt mẹ. Lúc này, chị Hải Anh cho con đi khám và được bác sĩ chẩn đoán viêm tiểu phế quản, rồi được bác sĩ kê đơn thuốc uống.

Trong hoàn cảnh lo lắng tương tự, chị Mai (Khu đô thị Linh Đàm) chia sẻ, hai bé nhà chị lần lượt ho khò khè, có đờm, sốt, sổ mũi... Cũng may đứa lớn chỉ bị ho kích ứng thời tiết nhưng nhà neo người, không có ai chăm con, chị đành phải xin nghỉ làm để chăm cậu bé, còn chị cả phải gửi nhà bác ruột.

trẻ ốmẢnh minh họa.

Mấy ngày nay, anh Quang Tùng (Phương Liệt, Thanh Xuân) phải tất tả ngược xuôi vừa đi làm vừa vào viện chăm sóc con ốm cùng vợ. Anh Tùng kể, con trai anh mới 10 tháng tuổi, gần đây cháu sổ mũi, ho nhiều về đêm, bú ít đi, cháu thở nghe thấy tiếng khừ khừ, sau đó sốt cao... Vào viện bác sĩ chẩn đoán viêm phổi và chỉ định nhập viện điều trị.

Trước sự khắc nghiệt của thời tiết, đêm thì rét sâu, ngày lại nắng nóng như mùa hè, nhiều ông bố bà mẹ không khỏi ngán ngẩm và lo lắng. "Với kiểu thời tiết như thế này, người lớn còn ốm, huống chi là trẻ nhỏ. Nhà có con ốm cứ loạn hết cả lên, căng thẳng, mệt mỏi vô cùng..."- anh Tùng buồn bã nói.

Khuyến cáo từ bác sĩ nhi khoa

Theo PGS. TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng Bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Hà Nội, kiểu thời tiết như hiện nay gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe con người, nhất là với đối tượng trẻ nhỏ sức đề kháng còn kém nên rất dễ bị nhiễm bệnh. Đây cũng là thời điểm đang trong giai đoạn chuyển mùa từ đông sang xuân, tạo ra sự thay đổi nhiều về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm…  nên tại các cơ sở y tế có nhiều trẻ em đến khám bệnh.

"Thời tiết khô, gió mùa về chuyển sang độ ẩm nhanh, mưa phùn, làm cho trẻ thích nghi không kịp, dẫn đến các bệnh lý cấp tính đường hô hấp như cảm cúm, viêm phế quản, viêm phổi.... Bệnh lý hô hấp là bệnh lý nổi trội hàng đầu mùa đông xuân. Thứ hai là bệnh lý về da vì thời tiết khô hanh khiến cho các bệnh mề đay, viêm da cơ địa nổi trội gây bong da, bong vảy,... Đó là chưa kể đến thời điểm cuối năm với nhiều lễ, tết, chế độ ăn nhiều dầu mỡ hơn, dinh dưỡng không đảm bảo có thể gây ngộ độc thức ăn ở trẻ em"- PGS. Thúy cho biết.

PGS.TS Nguyễn Thị Diệu ThúyPGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy

Chính vì vậy, PGS. Thúy tư vấn: Quá trình viêm ở phổi, trẻ bị viêm nhiễm, hình thành mủ và thoát mủ ra ngoài, ngày đầu sốt, ngày thứ 4, thứ 5 trở đi, đứa trẻ mới bắt đầu ho và long đờm rồi khi thải toàn bộ đờm ra khỏi cơ thể, đứa trẻ khỏi bệnh. Như vậy, phụ huynh không nên lo lắng thái quá mà tìm cách điều trị đốt cháy giai đoạn. Mặc dù đứa trẻ đã dùng kháng sinh rồi, nhưng có thể tiếp tục ho và khạc đờm thêm vài ngày nữa. Sau khoảng 1 tuần đứa trẻ mới khỏi hoàn toàn.

Với trẻ bị bệnh về tai mũi họng, để bảo vệ tai mũi họng cho trẻ thì ngoài việc tuân thủ điều trị bệnh lý theo chỉ định của bác sĩ thì còn một vấn đề đáng quan tâm là gia đình đang sống trong môi trường như thế nào. Ví dụ trong nhà có người hút thuốc lá không, môi trường có quá chật hẹp hay không, cháu có bị lây nhiễm chéo trong môi trường nhà trẻ hay mẫu giáo không, con chị có bị suy dinh dưỡng không, có bệnh lý khác kèm theo không... Chúng ta phải giải quyết tất cả các vấn đề đó kết hợp với dùng thuốc thì mới giải quyết được tình trạng bệnh của trẻ.

Viêm họng là bệnh lý đường hô hấp trên hay gặp ở trẻ em. Nguyên tắc điều trị viêm họng ở trẻ em là vệ sinh mũi họng hàng ngày. Dùng thuốc hạ nhiệt khi trẻ sốt cao. Cho trẻ uống đủ nước. Có thể cho trẻ dùng một số thuốc giảm ho, nhất là thuốc đông y để trẻ giảm ho, giảm đau rát họng. Cho trẻ ăn nhiều hoa quả.

Trẻ được dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Loại kháng sinh và thời gian dùng kháng sinh tùy thuộc vào loại nguyên nhân gây viêm họng. Dừng kháng sinh sớm có thể làm bệnh lâu khỏi hoặc gây hiện tượng vi khuẩn kháng thuốc.

viêm daNhiều trẻ bị viêm da cơ địa trong thời tiết lạnh.

Ở trẻ bị viêm da cơ địa cần chú ý tránh tiếp xúc với chất gây kích thích (ví dụ như một số loại xà phòng có thể làm tăng tình trạng viêm da), không để trẻ gãi. Có thể dùng các thuốc chống ngứa (như mỡ phenergan, atopyclair...). Do da khô nên cần bôi dưỡng ẩm cho trẻ, dưỡng ẩm da còn có tác dụng tránh ngứa, hạn chế tái phát. Kem dưỡng ẩm phải được sử dụng hàng ngày và dùng lâu dài sau khi triệu chứng đã được cải thiện (như kem Cetaphil, atopiclair...). Bên cạnh đó cần phải loại trừ và tránh các chất gây dị ứng. Không dùng đồ len dạ tiếp xúc trực tiếp vào da của trẻ, bố mẹ và những người chăm sóc trẻ cũng cần tránh dùng đồ len dạ khi tiếp xúc với trẻ...

Trong giai đoạn viêm da cơ địa cấp tính cần đến khám thầy thuốc chuyên khoa da liễu hoặc chuyên khoa dị ứng. Có thể dùng đắp ẩm thương tổn và bôi kem corticosteroid trong giai đoạn cấp. Uống thuốc kháng histamin chống dị ứng và chống ngứa. Làm ẩm da bằng kem bôi hoặc sữa tắm có kem (Saforelle). Dùng các  thuốc chống viêm khác không phải corticosteroid  không gây các tác dụng phụ  và có thể dùng lâu dài, thuốc có thể chống viêm và chống ngứa (Ceradan, Atopiclar)... Cần đặc biệt lưu ý, mọi việc sử dụng thuốc cho trẻ phải tuân theo chỉ định chặt chẽ của bác sĩ.

Dịp cuối năm lễ tết cũng là lúc nhiều gia đình cho trẻ đi chơi, du xuân, PGS. Thúy khuyến cáo, nếu trẻ quá mẫn cảm, thì không nên chọn chỗ quá đông người. Nếu trẻ có nhu cầu vui chơi thì phải mặc áo ấm, đeo khẩu trang, vệ sinh tay chân. Vi rút, vi khuẩn lây qua giọt bắn, nước bọt, chính vì vậy, cần vệ sinh mặt mũi, rửa mũi trước khi đi cho bé cũng giảm nhiễm khuẩn. Đứa trẻ nên được tiêm vắc xin như vắc xin cúm, phòng phế cầu,... Dinh dưỡng tốt đứa trẻ cũng tránh nguy cơ.

Dương Hải
Ý kiến của bạn