Hà Nội

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Telehealth giúp ngành y tế phát triển đồng bộ với nhau

24-09-2020 16:32 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Khi hệ thống khám chữa bệnh từ xa Telehealth được mở ra đã có nhiều ý kiến cho rằng, việc phát triển y tế theo hình thức này sẽ làm cho người dân cảm thấy “thất vọng” và không tin tưởng với trình độ của bác sĩ tuyến dưới. Người dân lại sẽ tìm cách để lên BV tuyến trên để được chữa trị bởi các thầy thuốc có tay nghề cao và như vậy tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên lại bắt đầu ở vòng luẩn quẩn…

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội  – đơn vị được Bộ Y tế lựa chọn thí điểm triển khai Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025 cho rằng, nếu thông qua khám chữa bệnh từ xa người dân thấy trình độ chuyên môn của bác sĩ  tuyến dưới kém quá và lại “chạy” lên tuyến trên, cá nhân tôi cho là không đúng.

Ngược lại, khi chúng ta thực hiện các ca hội chẩn khám chữa bệnh từ xa người dân sẽ thấy bác sĩ ở bệnh viện tuyến dưới tự tin hơn khi chữa bệnh. Hơn nữa, thông qua hoạt động này từ những ý kiến của các bác sĩ tuyến trên người dân sẽ hiểu và chia sẻ hơn với các bác sĩ tuyến dưới. Đơn giản là  họ sẽ hiểu vì sao có những ca bệnh khó, ca bệnh nặng nên giữ lại địa phương không thể chuyển lên tuyến trên được. Một khi đã hiểu việc dịch chuyển như vậy sẽ nguy hiểm đến tính mạng người bệnh hơn là giữ lại điều trị thì người nhà và bác sĩ có sự đồng thuận hơn rất nhiều.

“Theo tôi, khám chữa bệnh từ xa Telehealth ý nghĩa lớn nhất chính là giúp cho cả ngành y tế phát triển cùng đồng bộ với nhau. Hay nói cách khác nền tảng hỗ trợ tư vấn, khám chữa bệnh từ xa sẽ xóa nhòa ranh giới trình độ của các đơn vị còn chưa được nâng cao về chuyên môn”, PGS. Hiếu nhấn mạnh.

Khám chữa bệnh từ xa Telehealth ý nghĩa lớn nhất chính là giúp cho cả ngành y tế phát triển cùng đồng bộ với nhau

Từ cơ sở và cũng là một trong những đơn vị tuyến dưới hội chẩn với BV Đại học Y Hà Nội, BS Vi Hồng Kỳ, Giám đốc BVĐK huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La nhận định, mô hình khám chữa bệnh từ xa Telehealth mang nhiều lợi ích cho nhiều người. Bệnh nhân được các chuyên gia đầu ngành hội chẩn và có ngay phương hướng điều trị phù hợp nhất. Còn bác sĩ ở cơ sở được “cọ xát” với những bệnh mà trước đó họ rất ít gặp hoặc khó phát hiện, được học tập ngay trên các ca bệnh lâm sàng. Đặc biệt, bệnh nhân cũng được tham gia nghe hội chẩn trực tuyến nên rất yên tâm khi ở lại bệnh viện điều trị.

Còn PGS. TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội cũng cho rằng,  hệ thống khám chữa bệnh từ xa đối với sản khoa không chỉ giúp cho việc chẩn đoán bệnh sớm và hỗ trợ tuyến dưới xử lý các ca bệnh khó, các ca bệnh đòi hỏi được chẩn đoán xử lý sớm mà nó còn giúp cho các y bác sĩ của BV tuyến trên cũng cần phải tiếp tục học và không ngừng nâng cao trình độ mỗi ngày. Bởi lẽ khi nói trực tuyến và hỗ trợ cho tuyến dưới mình với vai trò là người thầy do đó khi nói về chuyên môn phải sắc nét, phải chuẩn chỉ…Tức là ngay cả bác sĩ tuyến trên cũng luôn luôn phải học hỏi và học hỏi không ngừng.

Thay đổi, phát triển trong ngành y tế với đích đến là người bệnh, vì thế sẽ không ngạc nhiên khi chi Vì Thị Thích - một người mẹ dân tộc Thái đã phải thốt lên rằng "không ngờ ở miền núi xa xôi mà con tôi lại có thể được các bác sĩ đầu ngành ở trung ương hỗ trợ chữa bệnh" . Bởi, trước đó, con chị Thích sinh non ở tuần thai 28, khi sinh ra trẻ đã ở trong tình trạng rất nguy kịch nhưng đến nay trẻ đã khoẻ mạnh hoàn toàn.


H.Nguyên
Ý kiến của bạn