Trên mạng xã hội, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Phó Giám đốc Đại học Y Hà Nội được rất nhiều người quan tâm, theo dõi. Là một bác sĩ giỏi trong lĩnh vực can thiệp tim mạch, ông có nhiều cống hiến trong lĩnh vực tim mạch ở Việt Nam. BS Hiếu hiện là Đại biểu Quốc hội khóa XIV và không ít lần ông đã góp tiếng nói của mình về lĩnh vực y tế lên diễn đàn Quốc hội .
Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, có những chia sẻ về nghề mà ông theo đuổi, Báo Sức khỏe&Đời sống trân trọng gửi tới bạn đọc bài viết của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu.
Rất nhiều người đã hỏi tôi về những điều được và mất khi trở thành bác sĩ. Câu trả lời của tôi là cái sự được mất ấy thay đổi rất nhiều theo thời gian.
Trong những năm chập chững bước vào nghề những cái mất đã làm suýt chút nữa bỏ nghề sang làm trình dược viên. Với một bác sĩ trẻ mới ra trường, áp lực công việc khủng khiếp và đồng lương còm cõi so với các bạn đồng trang lứa sẽ làm nản bất cứ ai. Những khó khăn nhất trong giai đoạn này là quan hệ với đồng nghiệp và bệnh nhân là những bài học xương máu mà không một trường lớp nào dạy dỗ. "Ma cũ bắt nạt ma mới", chủ nghĩa kinh nghiệm luôn là một phần của cái nghề làm dâu trăm họ này. Những cái xấu trong xã hội sẽ đập vào bạn ở mọi góc cạnh và làm cho bạn nghiêng ngả trong những năm đầu tiên của cuộc đời bác sĩ. Chính vì vậy tôi mất nhiều và chẳng thấy được gì trong giai đoạn ấy, chỉ không bỏ nghề vì tiếc gần 10 năm đèn sách và sợ...bố mẹ buồn .
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Phó Giám đốc Đại học Y Hà Nội
Sau khi vượt qua giai đoạn khó khăn này thì cái “được" lại ào ào “ập” vào bạn. Khi bạn đã có chút tiếng tăm trong lĩnh vực chuyên khoa mà mình theo đuổi hay được bổ nhiệm vị trí lãnh đạo nho nhỏ như phó phòng chẳng hạn, lúc này mọi chân trời đều rộng mở với bạn. Bạn được mọi thứ, sự tôn trọng của lớp đàn em, của bạn bè, sự yêu quý của bệnh nhân và người nhà họ. Những bài báo ngợi ca và những bổng lộc từ đâu rơi xuống khiến bạn thật hạnh phúc. Vậy nhưng chính giai đoạn này chúng ta đều phải trả giá nhiều nhất bằng những nỗi buồn mà nghề Y mang đến, những ca tai biến do sự bất cẩn hoặc ngoài sự hiểu biết mà ta tưởng là ghê gớm lắm của mình hoá ra thật nhỏ nhoi so với đại dương kiến thức y khoa. Cái mất đấy thật không thể tả được vì nó có thể gặm nhấm đến cuối cuộc đời của bạn, nếu suôn sẻ vượt qua được giai đoạn này bạn sẽ trở thành một bác sĩ thực sự chuyên nghiệp.
Sau hơn 20 năm hành nghề với bao thăng trầm, bạn sẽ không còn phân biệt cái được hay mất khi làm bác sĩ nữa. Những niềm vui nho nhỏ khi thành công một ca mổ khó hay chẩn đoán được một bệnh thật hiếm cũng chỉ còn là món gia vị ngon trong cuộc sống bộn bề, nhưng những nỗi buồn lại ngày càng hiện hữu. Chúng ta sẽ ít lo hơn về cơm áo gạo tiền nhưng những chuyện tưởng chừng như rất nhỏ lại làm trái tim già nua rung động. Nghe cái tin đồng nghiệp bị đánh hay bác sĩ bị "nhập kho" cũng có thể mất ngủ suốt cả một tuần. Những sai sót dù rất nhỏ cũng không thể chấp nhận được, bạn chính thức trở |thành một ông già khó tính nhất với tóc bạc trắng hai mai.
Ngành Y lúc này sẽ trở thành máu thịt của bạn như cơm ăn nước uống hàng ngày, không phút nào dù trong câu chuyện bên bàn nhậu hay trong rạp chiếu phim những lời nói hay suy nghĩ của bạn đều liên quan đến y học. Chính vì vậy không phải ngẫu nhiên mà nhiều gia đình đều làm trong ngành y kể cả dâu lẫn rễ vì nếu không trong ngành chắc chẳng nuốt nổi những "máu lẫn me" trong câu chuyện của mỗi bữa ăn chiều.
Vậy nên khi có ai hỏi ngành Y cho tôi được nhiều hay mất nhiều, tôi nghĩ cái mất, cái hy sinh nhiều hơn nhưng có cho tôi làm lại tôi vẫn chọn làm nghề bác sĩ mà chẳng cắt nghĩa được vì sao