Bệnh viện là đơn vị trực thuộc và được thừa hưởng lợi thế về thương hiệu của Trường Đại học Y Hà Nội, là cơ sở thực hành của trường nên có sự gắn kết chặt chẽ về công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Quá trình xây dựng và trưởng thành, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện về mọi mặt, tạo sự tín nhiệm trong lòng người bệnh và nhân dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế, củng cố thêm niềm tự hào và ý chí quyết tâm vững bước tương lai.
Đến nay, bệnh viện đã có 500 giường bệnh với hơn 1000 cán bộ viên chức là các thầy thuốc là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ,… gồm trên 600 cán bộ cơ hữu, hơn 100 cán bộ kiêm nhiệm và trên 300 cán bộ của Trường Đại học Y Hà Nội tham gia công tác chuyên môn; 43 đơn vị gồm 10 phòng chức năng, 08 trung tâm, 18 khoa lâm sàng, 07 khoa cận lâm sàng; số bệnh nhân đến khám bệnh hơn 500.000 người/năm, có những ngày có gần 3.000 người đến khám bệnh tại bệnh viện.
Bệnh viện đã ứng dụng và phát triển nhiều kỹ thuật cao, tiên tiến, trong đó có nhiều kỹ thuật lần đầu tại Việt Nam được triển khai trong lĩnh vực: Tim mạch, cấp cứu, gây mê hồi sức, ngoại khoa, ung bướu, chẩn đoán hình ảnh, răng hàm mặt, tai mũi họng, Trung tâm nghiên cứu Gen - Protein, nội soi can thiệp… giúp người bệnh bệnh giảm thiểu biến chứng, giảm chi phí, nâng cao chất lượng điều trị và chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện trong nước.
Bệnh viện đã được Bộ Y tế phê duyệt về việc triển khai mạng lưới Bệnh viện vệ tinh, hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện tuyến huyện như: BVĐK Mường Khương, BVĐK Quảng Xương, BVĐK Mộc Châu, Trung tâm Y tế TP Móng Cái...
Mới đây, tại Hội nghị báo cáo kết quả hoạt động triển khai Đề án khám, chữa bệnh từ xa năm 2022, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ: "Ngày 19/4/2020, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội triển khai chương trình hội chẩn trực tuyến đầu tiên với tên gọi Telehealth. Hàng nghìn người bệnh được hội chẩn, rất nhiều bài học kinh nghiệm qua các báo cáo lâm sàng, nhưng theo tôi cái được lớn nhất là nâng cao niềm tin của người dân vào hệ thống y tế Việt Nam: Tường minh và không khoảng cách…"
Sau gần 3 năm triển khai chương trình hội chẩn trực tuyến, các kết quả đã minh chứng rõ nét cho sự tích cực trong chuyển đổi số của ngành Y tế. 148 cơ sở y tế kết nối với chương trình là con số rất ấn tượng. Thực tế cho thấy, các ca khám chữa bệnh từ xa đã rất hiệu quả, hướng tới việc đảm bảo lấy người bệnh làm trung tâm để triển khai thực hiện các chính sách Y tế. Qua đây nâng cao chuyên môn cho các tuyến dưới nhằm giảm tải cho tuyến Trung ương và giảm áp lực cho người bệnh.
Hiện tại, ngành Y tế còn nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, ảnh hưởng không nhỏ đến việc điều hành quản lý của người đứng đầu bệnh viện. Hơn nữa, trong thời điểm như thế này, lãnh đạo bệnh viện còn phải "truyền lửa" để tạo động lực cho nhân viên y tế yên tâm làm việc. Khi trao đổi về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ: "Quan trọng nhất là phải tường minh. Khi lựa chọn nghề y, các y, bác sĩ đã có một niềm yêu nghề không chỉ vì kinh tế, vì mưu sinh. Vì thế, người lãnh đạo mà tường minh, nêu gương thì chắc chắn các bệnh viện sẽ tốt.
Hiện nay, cứ nói là vất vả khó khăn nhưng nhân viên mà thấy lãnh đạo bệnh viện cũng khó khăn giống mình, chắc chắn các nhân viên cũng sẵn sàng bền bỉ vượt qua. Nếu lãnh đạo bệnh viện không tường minh để lời qua tiếng lại, một mất mười ngờ, lãnh đạo không nêu gương, nhân viên sẽ không yên tâm làm việc trong giai đoạn khó khăn này. Khi được hai tiêu chí đó, người lãnh đạo sẽ tìm cách tốt nhất để lo cho nhân viên của mình".