Hà Nội

PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Việc lấp hồ sẽ tác động xấu tới sức khỏe của người dân

PGS.TS. Nguyễn Huy Nga

PGS.TS. Nguyễn Huy Nga

Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường Y tế, Bộ Y tế

11-04-2017 15:39 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Dư luận xã hội đang dậy sóng trước đề xuất của một công ty về việc lấp 1ha hồ Thành Công để xây khu tái định cư cho người dân. Phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với TTƯT.PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế về vấn đề này.

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, tính từ năm 2010 đến nay, Hà Nội có 17 hồ bị san lấp hoàn toàn. Đến năm 2015, các quận nội thành còn 112 hồ, giảm 10 hồ, với diện tích mặt nước là 72.540m2 so với năm 2010. Theo thống kê, thời điểm năm 1995, nội thành Hà Nội có tới 2.100ha mặt nước. Nhưng đến thời điểm này, diện tích mặt nước chỉ còn 1.165ha. Số diện tích thiếu hụt này được xác định một phần do đô thị hóa, việc xây dựng các khu đô thị đang khiến cho Hà Nội phải trả giá.

Mới đây nhất một công ty xây dựng tiếp tục đề xuất lấp hồ Thành Công để xây khu tái định cư cho người dân khiến rất nhiều người bức xúc. Phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống có cuộc trao đổi với TTƯT.PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế về những tác động tới môi trường, sinh thái, cảnh quan nếu đề xuất này được thông qua.

Nguyễn Huy NgaPGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế

Phóng viên: Thưa ông mới đây, một doanh nghiệp xây dựng đưa ra đề xuất là lấp hồ Thành công để xây dựng khu nhà tái định cư. Là một chuyên gia về môi trường, xin ông cho biết, nếu điều này xảy ra, có làm thay đổi tự nhiên và môi trường sinh thái hay không, đặc biệt có ảnh hưởng tới môi trường sống của người dân ở khu vực đó không?

PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Hồ là nơi giúp điều hòa không khí, hơi nước bốc lên từ hồ sẽ làm cho không khí mát mẻ, nhất là ở môi trường đô thị nóng bức. Việc lấp hồ sẽ khiến cho chức năng  điều hòa không khí bị ảnh hưởng, từ đó sẽ gây ảnh hưởng tới môi trường sống và sức khỏe của người dân, đặc biệt là người dân sống ở khu vực đó. Nếu mất hồ, không chỉ làm ô nhiễm nặng hơn mà còn ảnh hưởng tới làn da, chất lượng không khí.  Hồ nước còn là nơi người dân thư giãn, tập thể dục, nếu bị mất đi môi trường này thật là điều không nên. Điều quan trọng nhất là môi trường sinh thái, môi trường tự nhiên sẽ bị ảnh hưởng. Vì hồ này được hình thành từ nhiều năm trước, nó đã có một hệ sinh thái môi trường đặc trưng của hồ, nếu những người đề xuất cho rằng lấp đi 1 phần hồ cũ rồi đào hồ tăng diện tích thì sẽ tác động lớn tới môi trường sinh thái của hồ. Sẽ phải mất rất nhiều năm nữa, quần thể động thực vật trong hồ mới tái tạo và thích nghi được.

Hồ Thành Công

Phóng viên: Hồ được coi là lá phổi của thành phố, giúp điều tiết khí hậu, ngoài ra nó  còn hỗ trợ cho hệ thống thoát nước ở khu vực, theo quan điểm của ông chúng ta có nên xây khu tái định cư tại chỗ bằng việc lấp 1ha mặt hồ hay không?

PGS.TS Nguyễn Huy Nga : Theo tôi là không nên vì trong những năm qua hồ ở Hà Nội đã bị  lấp đi nhiều, điều đó gây ra hậu quả là nhiệt độ đô thị  tăng lên, môi trường cảnh quan không còn. Thêm vào đó hồ còn đóng vai trò điều hòa nước ở đô thị. Nếu lấp hồ chính là lấp nơi thoát nước khi mưa to, dẫn đến ngập lụt ở trong thành phố. Tôi còn nhớ trước đây Hà Nội rất nhiều hồ, nhưng giờ đã bị lấp hết rồi.

Người dân đi dạo ở hồ Thành CôngNgười dân đi dạo ở hồ Thành Công

Phóng viên: Là người từng có nhiều lần được ra nước ngoài tham quan, học tập, ông có thể cho biết, trên thế giới, họ có lấp hồ, chặt cây để xây dựng hay không? Có được tác động và thay đổi cảnh quan, môi trường ở trong đô thị bằng việc xây dựng không?

PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Không ai làm như vậy cả, ở nước ngoài họ chỉ cải tạo cho sạch thêm, đẹp thêm, an toàn hơn ở những hồ có sẵn, thậm chí đào thêm hồ để tạo ra nơi cho người dân vừa tập thể dục, vừa là nơi nghỉ ngơi, thư giãn. Ở các nước khác, mỗi một tác động có thể thay đổi cảnh quan môi trường không bao giờ được phép làm bởi  luật của họ rất nghiêm khắc. Họ vẫn  giữ được rất nhiều hồ, có những hồ có tuổi thọ hàng trăm năm.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông.


Hải Yến
Ý kiến của bạn