Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (C66 - Bộ Công an) hướng dẫn người dân phòng tránh và cách thoát nạn khi xảy ra hỏa hoạn ở quán bar, vũ trường, quán karaoke, nhà cao tầng.
Mấy ngày gần đây, dư luận rất quan tâm đến vụ hỏa hoạn tại một quán karaoke ở đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Vụ cháy lớn khiến lửa bao trùm tòa nhà, cột khói bốc cao nghi ngút. Bất chấp cảnh báo nguy hiểm, hàng nghìn người vẫn hiếu kỳ, tập trung theo dõi đám cháy. Tuy nhiên, về góc độ sức khỏe, các chuyên gia cho biết, khi phải hít thở lâu trong môi trường khói bụi của vụ cháy thì không chỉ nạn nhân vụ hỏa hoạn mà cả người dân hiếu kỳ đứng xem cũng rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe.
TTƯT.PGS.TS Nguyễn Huy Nga.
Trao đổi với PV báo Sức khỏe&Đời sống, TTƯT.PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Trong các vụ hỏa hoạn, những người trực tiếp trong vụ hỏa hoạn rất dễ tử vong. Nguyên nhân gây tử vong cho con người là do hít phải không khí nóng, sức nóng của vụ cháy làm hỏng các cơ quan nội tạng sẽ tử vong tức thì, hay đám cháy đốt hết ôxy, con người sẽ không còn ôxy để thở.
Ngoài ra, các đám cháy còn tạo ra nhiều khí độc như CO, NO2. Các vật liệu trong các quán karaoke thường làm bằng các vật liệu xốp, dễ cháy, có nhiều hóa chất độc hại, khi cháy sẽ giải phóng ra các hóa chất đó rất có hại cho sức khỏe.
Nói thêm về chất CO, NO2, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho biết, đây là chất khi vào cơ thể gây phản ứng ngộ độc, nhiều trường hợp có thể tử vong. Còn chất NO2 là chất có thể ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn, hệ hô hấp hay hệ miễn dịch của con người, kể cả ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.
Rất đông người đi đường nán lại gần hiện trường vụ cháy tại quán karaoke ở Hà Nội. Ảnh Internet.
Bên cạnh đó, cũng theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, những người dân sống gần khu vực cháy hoặc người đứng xem đám cháy cũng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe như cơ quan hô hấp, nếu hít phải nồng độ cao sẽ ảnh hưởng tới hệ tuần hoàn nhất là ở người lớn tuổi, người bị bệnh tim mạch... Nói chung, trong các vụ hỏa hoạn, các chất độc trong đám cháy tạo ra rất có hại và cơ quan hô hấp bị ảnh hưởng nhiều nhất.