PGS.TS Lê Văn Quảng- Giám đốc Bệnh viện K đã chia sẻ như vậy khi trao đổi với phóng viên báo Sức khoẻ & Đời sống về việc làm gì “níu giữ chân” người bệnh đến khám chữa bệnh tại cơ sở y tế trong nước, không phải vất vả ra nước ngoài khám chữa bệnh...
PGS.TS Lê Văn Quảng- Giám đốc Bệnh viện K.
Vì sao người bệnh ra nước ngoài thăm khám?
Hiện nay mỗi năm người Việt Nam chi hơn 2 tỷ đô la ra nước ngoài chữa bệnh, trong đó phần lớn là để chữa trị ung thư.
Theo PGS.TS Lê Văn Quảng, giảm nhu cầu người dân ra nước ngoài chữa bệnh và thu hút người nước ngoài điều trị tại bệnh viện là một nhiệm vụ rất quan trọng mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bệnh viện K nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập bệnh viện (17/07/1969 – 17/07/2019). Để trả lời được câu hỏi làm gì để “níu giữ chân” người bệnh thì phải giải thích được lý do tại sao bệnh nhân ra nước ngoài điều trị
Theo đó, có mấy lý do sau đây. Thứ nhất, là tâm lý của một số người dân có điều kiện muốn ra nước ngoài điều trị.
Thứ hai, ở trong nước có nhiều cơ sở điều trị về bệnh ung thư hoặc phòng khám về bệnh ung thư nhưng có thểchưa thực sự thông tin, truyền tải đến người bệnh đầy đủ các kỹ thuật, các phương pháp điều trị để người bệnh biết, tìm đến thăm khám, tư vấn...
Bên cạnh đó các dịch vụ chăm sóc, công tác truyền thông cũng chưa thực sự tốt như các bệnh viện ở các nước tiên tiến nên chưa thực sự hấp dẫn, tạo niềm tin cho người Việt Nam có điều kiện kinh tế cũng như hấp dẫn người nước ngoài đến điều trị ở bệnh viện trong nước.
Thứ ba, điều trị ung thư là đa mô thức( phối hợp nhiều phương pháp trong quá trình điều trị), để có một phác đồ phù hợp cho từng người bệnh phải hội chẩn qua tiểu ban ung thư gồm Bác sĩ phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, giải phẫu bệnh, chẩn đoán hình ảnh,…Vì vậy có không ít trường hợp chẩn đoán chưa chính xác, phác đồ chưa phù hợp nên mất long tin của người bệnh
Phác đồ điều trị của Bệnh viện K trùng khớp với các chuyên gia nước ngoài
Từ những yếu tố trên theo PGS.TS Lê Văn Quảng cho hay, để giữ chân người bệnh, trước hết chúng ta phải nâng cao trình độ chuyên môn của y bác sĩ. Tại Bệnh viện K, hầu hết các bác sĩ có trình độ chuyên môn giỏi, trong đó nhiều bác sĩ có trình độ ngoại ngữ rất tốt, được đào tạo ở nước ngoài nên họ có điều kiện đọc tài liệu cập nhật về bệnh này.
Các chuyên gia thực hiện phẫu thuật cắt khối u đại trực tràng bằng kỹ thuật mới tại Bệnh viện K
Đồng thời, bản thân các bác sĩ, các chuyên gia của Bệnh viện K cũng thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin về chuyên môn với các chuyên gia nước ngoài.
“Ví dụ, khi bệnh nhân đến thăm khám, điều trị tại bệnh viện K, sau khi đưa ra phác đồ điều trị chúng tôi bao giờ cũng hỏi nguyện vọng của bệnh nhân, gia đình bệnh nhân có muốn mời thêm chuyên gia nào hội chẩn không cả trong nước và nước ngoài.
Đối với chuyên gia nước ngoài, chúng tôi sẽ kết nối trao đổi phác đồ điều trị trực tiếp, người bệnh/người nhà bệnh nhân có thể nghe trực tiếp hội chẩn hai bên hoặc có thể đọc email nội dung trao đổi giữa chuyên gia Bệnh viện K với chuyên gia nước ngoài”- PGS.TS Lê Văn Quảng cho biết.
Từ thực tế hội chẩn song song với chuyên gia nước ngoài thời gian qua, chúng tôi nhận thấy ý kiến về phác đồ điều trị gàn như trùng khớp hoàn toàn với chúng tôi. Như vậy có thể thấy vấn đề chuyên môn phải đặt lên hàng đầu.
Các chuyên gia của Bệnh viện K đã tham gia hội chẩn một số ca bệnh ở bệnh viện ngoài, các thầy thường bảo chung tôi đưa ra ý kiến trước về phác đồ điều trị, rồi sau đó các thầy cho biết, phác đồ của chúng tôi cũng tương tự như bên Nhật, Mỹ đã đưa ra.
Thêm yếu tố nữa là cần dành thời gian trao đổi, thăm khám người bệnh, giao tiếp cần chuyên nghiệp hơn đặc biệt người bệnh có trình độ học vấn cao.Cùng với những yếu tố đó, theo PGS.TS Lê Văn Quảng, chúng ta phải song song phát triển kỹ thuật cao. Tại Việt Nam hiện nay, nhiều bệnh viện đã phát triển kỹ thuật cao, đầu tư trang thiết bị hiện đại tương đương nhiều bệnh viện uy tín trong khu vực và quốc tế.
Vấn đề tiếp theo, chính bản thân các bệnh viện cũng phải tăng cường thông tin về những kỹ thuật cao, những trang thiết bị hiện đại nào đã được bệnh viện trang bị để đáp ứng nhu cầu điều trị và chăm sóc sức khoẻ ngày càng cao của người bệnh. Từ đó, giúp người bệnh, người nhà bệnh nhân hiểu hơn, để không phải ra nước ngoài thăm khám, điều trị
“Bản thân tôi đã từng mổ cho một số Việt Kiều, sau khi quay về nước sở tại kiểm tra lại thì cũng được các đồng nghiệp nước ngoài đánh giá cao. Một số bệnh nhânsau khi đi nước ngoài thăm khám trở về và đã “sửa sai” một số ca bệnh”- PGS.TS Lê Văn Quảng nói
Lãnh đạo Bệnh viện K cũng khuyến cáo, người bệnh khi muốn khám, tầm soát, điều trị về bệnh chuyên khoa nào nên đến đúng các bệnh viện, cơ sở điều trị chuyên khoa để được thăm khám, tư vấn điều trị phù hợp
Kết hợp nhiều yếu tố để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nâng cao sự hài lòng của người bệnh
Lãnh đạo bệnh viện K cũng cho biết, trong thời gian vừa qua, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tầm soát, điều trị cho người bệnh, bệnh viện K đã không ngừng đổi mới. Bệnh viện đã có Trung tâm điều hành bệnh viện thông minh đầu tiên của cả nước.
Hệ thống máy BQSV thế hệ mới của Pharmatop,đây là thiết bị hiện đại đầu tiên tại Việt Nam dùng cho chiết tách dược chất phóng xạ trong điều trị I-131 được đưa vào sử dụng tại Bệnh viện K
Trung tâm điều hành này có thể phân tích và đưa ra dự báo, cảnh báo bệnh trong tương lai, hay khuyến nghị giúp tối ưu hóa các dịch vụ của bệnh viện.
Đây là một tính năng thông minh nổi bật. Trung tâm điều hành cũng là phương tiện để kết nối với nhiều chuyên gia trên thế giới để phối hợp hội chẩn và theo dõi điều trị bệnh nhân, phát huy tối đa thế mạnh hợp tác quốc tế của Bệnh viện K và đem đến cho bệnh nhân những giá trị quốc tế trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư.
Đồng thời, Bệnh viện K không ngừng đầu tư, mua sắm trang thiết bị hiện đại, theo đó từ nguồn Quỹ phát triển sự nghiệp, Bệnh viện đã mạnh dạn đầu tư hệ thống phẫu thuật Robort Davici Xi mới nhất từ Hoa Kỳ, hệ thống này cho phép phẫu thuật tới các “vùng sâu, vùng xa” mà bình thường bàn tay của các phẫu thuật viên khó với tới được, ít làm tổn thương vùng xung quanh và người bệnh nhanh phục hồi sau mổ.
Các trang thiết bị chẩn đoán, đặc biệt là Giải phẫu bệnh-tế bào, sinh học phân tử, sinh hóa, chẩn đoán hình ảnh…với sự kết nối đồng bộ qua mạng cũng thường xuyên được bệnh viện cập nhật trang bị như hệ thống nhuộm miễn dịch huỳnh quang, kính hiển vi 10 đầu đọc, PET CT, Trung tâm pha chế thuốc tập trung, triển khai kỹ thuật xạ phẫu, và tới đây sẽáp dụng phương pháp xạ trị hiện đại của thế giới như xạ trị Proton, I-on nặng...
Các thuốc mới nhất, tân tiến nhất bao gồm cả hóa chất, kháng thể đơn dòng, kháng sinh mạch đều được Bộ Y tế cho nhập kịp thời để chữa trị cho người bệnh Việt Nam, ngay phương pháp mới nhất là điều trị miễn dịch ung thư cũng đã được áp dụng thành công và chứng minh hiệu quả tại bệnh viện K trước khi hai nhà khoa học James P. Allison và Tasuku Honjo được công bố nhận giải thưởng Nobel Y sinh học năm 2018.
Việc trang bị các thiết bị hiện đại cùng với phát hiện sớm đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao tỷ lệ chữa khỏi bệnh ung thư như tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú tại BV đã lên tới 75% tương đương với Singapore.
Bệnh viện K đã mạnh dạn đầu tư hệ thống phẫu thuật Robort Davici Xi mới nhất từ Hoa Kỳ, hệ thống này cho phép phẫu thuật tới các “vùng sâu, vùng xa” mà bình thường bàn tay của các phẫu thuật viên khó với tới được
Ngoài công tác chuyên môn, triển khai dịch vụ kỹ thuật mới, trang thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất khang trang, việc đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới tinh thần thái độ phục vụ đáp ứng sự hài lòng người bệnh, môi trường cảnh quan xanh sạch đẹp đều hết sức quan trọng.
Để đáp ứng nhu cầu khám chữ bệnh trong nước cũng như thu hút người bệnh từ nước ngoài, vẫn cần bổ sung nguồn nhân lực chất lượng. Chính vì thế, bệnh viện đã xây dựng đội ngũ cán bộ nhân viên chuyên môn giỏi và nghiệp vụ tốt.
Những cán bộ, nhân viên này phải không ngừng nâng cao nghiệp vụ, bồi dưỡng về y đức cũng như thái độ phục vụ người bệnh. Bệnh viện luôn lấy người bệnh làm trung tâm, luôn nỗ lực làm hài lòng người bệnh vì chính họ sẽ là người “trả lương” cho cán bộ nhân viên của bệnh viện...