PGS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai: Xét nghiệm,"chìa khóa" khống chế dịch

PGS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai

PGS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai

Phó Viện trưởng viện vệ sinh dịch tễ trung ương

24-08-2020 12:46 | Phòng mạch online

SKĐS - Hiện nay nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu rõ về các loại xét nghiệm liên quan tới phòng chống dịch COVID-19 ở Việt Nam, nhất là test nhanh. Phóng viên báo Sức khỏe& Đời sống đã có cuộc phỏng vấn Phó giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS.) Lê Thị Quỳnh Mai- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương để giúp bạn đọc có thông tin chính xác hơn về vấn đề này.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Quỳnh Mai- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương

PV- Hiện nay nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu rõ về các loại xét nghiệm chẩn đoán nhiễm SARS-CoV-2 ở Việt Nam. Nhất là xét nghiệm thường được gọi là test nhanh gần đây đã có những cách hiểu không chính xác. PGS. có thể cho biết, test nhanh có giá trị như thế nào trong phòng chống dịch bệnh COVID-19? Đối tượng nào cần test nhanh? Thời điểm nào nên sử dụng loại xét nghiệm này?

PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai- Có 2 loại test nhanh dùng để chẩn đoán nhiễm SARS-CoV-2 đó là test nhanh phát hiện kháng thể kháng virut SARS-CoV2 (kháng thể là sản phẩm của qúa trình đáp ứng miễn dịch khi người nhiễm virut SARS-CoV-2), và test nhanh phát hiện kháng nguyên (kháng nguyên là  protein hoặc vật liệu di truyền đặc hiệu của virut SARS-CoV-2).  Test nhanh phát hiện kháng thể sử dụng phát hiện các trường hợp đã từng nhiễm virut, trong khi test nhanh phát hiện kháng nguyên sử dụng phát hiện các trường hợp đang nhiễm virut. Theo tôi được biết, Việt Nam hiện nay chỉ có test nhanh phát hiện kháng thể đang lưu hành. Test nhanh phát hiện kháng thể thường được áp dụng để đánh  giá miễn dịch cộng đồng sau khi dịch bệnh đã kết thúc.

PV-Tại cuộc họp giao ban trực tuyến với lãnh đạo Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố trong cả nước do GS.TS Nguyễn Thanh Long- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì ngày 2/8, Quyền Bộ trưởng khẳng định Trung ương không cấp test nhanh, mà khuyến khích làm xét nghiệm Realtime RT-PCR ( realtime  reverse transcriptase - Polymerase Chain Reaction) đối với yêu cầu của Hà Nội. Vậy xét nghiệm Realtime RT -PCR có giá trị thế nào? Có gì khác biệt so với test nhanh?

PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai-  Trong chiến lược phòng chống dịch SARS-CoV-2 hiện nay, tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới,  xét nghiệm phát hiện sớm các trường hợp đang nhiễm để cách ly kịp thời , hạn chế sự lây truyền từ người nhiễm là  “ chìa khoá” để khống chế dịch, vì vậy  các phương pháp xét nghiệm phát hiện kháng nguyên sẽ được áp dụng.  Loại test nhanh phát hiện kháng thể (hiện có ở Việt Nam ) không có ý nghĩa cho mục tiêu này.  Còn Realtime RT-PCR là phương xác định sự hiện diện của virut trong mẫu bệnh phẩm  thông qua vật liệu di truyền của virut SARS-CoV-2,  kết quả Realtime RT-PCR  xác định người đang nhiễm bệnh, đáp ứng được yêu cầu phát hiện sớm, nhằm cách ly và điều trị cũng như kịp thời có các biện pháp phòng dịch thích hợp.

PV-Như vậy, mỗi loại xét nghiệm có giá trị riêng, tùy từng đối tượng và từng thời điểm mà xác định cần loại nào. Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến lây lan trên diện rộng, đòi hỏi biện pháp chống dịch phải hết sức quyết liệt, nhanh chóng nhưng phải chính xác trong đó có công tác xét nghiệm. Xin PGS.TS. cho biết chúng ta cần xây dựng một chiến lược cụ thể như thế nào về xét nghiệm SARS-CoV-2 để đạt được hiệu quả cao nhất, tránh lãng phí cả về nguồn lực lẫn thời gian, tránh cả sự chủ quan đáng tiếc như thời gian vừa qua?

PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai- Chiến lược xét nghiệm chung đã được Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 ban hành và cập nhật, điều chỉnh trong từng giai đoạn cụ thể. Tuy nhiên, tại mỗi đơn vị cần xây dựng lựa chọn các phương pháp xét nghiệm phù hợp với mục tiêu phòng chống dịch của từng đơn vị trên cơ sở điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực của mình và  yêu cầu bắt buộc phải tuân thủ các nguyên tắc chung về thực hành an toàn sinh học,  quy trình kỹ thuật, nhận định,báo cáo kết quả.

PV-Xin cảm ơn PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai!


Lê Minh Thúy( thực hiện)
Ý kiến của bạn