Hà Nội

PGS.TS. Lê Thị Hợp: Thiếu vi chất dinh dưỡng tại Việt Nam vẫn còn khá phổ biến

31-05-2012 13:26 | Thời sự
google news

Tại Lễ phát động “Ngày vi chất dinh dưỡng” diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuôc phỏng vấn nhanh với PGS.TS. Lê Thị Hợp, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (VDD) về vấn đề thiếu vi chất dinh dưỡng (VCDD) tại nước ta hiện nay.

 PGS.TS. Lê Thị Hợp
Tại Lễ phát động “Ngày vi chất dinh dưỡng” diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuôc phỏng vấn nhanh với PGS.TS. Lê Thị Hợp, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (VDD) về vấn đề thiếu vi chất dinh dưỡng (VCDD) tại nước ta hiện nay.

PV: Tình trạng thiếu VCDD vẫn còn là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng tại nước ta. Xin bà cho biết thực trạng của vấn đề này như thế nào?

PGS.TS. Lê Thị Hợp (PGS.TS. LTH): Kết quả điều tra gần đây của VDD cho thấy tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai ở Việt Nam khá cao (36,2%) và tình trạng thiếu máu thiếu sắt ảnh hưởng tới khoảng 1/3 số trẻ dưới 5 tuổi ở nước ta. Về chương trình phòng chống thiếu vitamin A, mặc dù đến nay “Ngày vi chất dinh dưỡng” đã triển khai được 16 năm và đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên vẫn còn khoảng 14% trẻ dưới 5 tuổi bị thiếu vitamin A tiền lâm sàng.

PV: Được biết, đến nay chúng ta mới triển khai các chương trình phòng chống thiếu vitamin A, sắt và iốt. Vậy còn các VCDD khác chưa đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia, ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?

PGS.TS. LTH: Đúng vậy, có khoảng hơn 40 VCDD được coi là thiết yếu đối với sức khỏe. Bên cạnh tình trạng thiếu vitamin A, thiếu sắt và iốt vẫn còn khá phổ biến ở nước ta thì thời gian gần đây tình trạng thiếu kẽm và một số vi chất khác cũng chiếm tỷ lệ khá cao. Hiện nay, VDD cũng đã triển khai can thiệp bổ sung viên đa vi chất cho các bà mẹ trước và trong khi mang thai và cho trẻ nhỏ. Cần biết rằng, trong mỗi viên đa vi chất có khoảng hơn 15 VCDD khác nhau và đều là các vi chất thiết yếu đối với cơ thể. Tuy nhiên đến nay, VDD mới chỉ thực hiện được việc triển khai bổ sung đa vi chất cho một số nơi có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cao, vùng khó khăn, vùng bị thiên tai, bão lũ và một số vùng trọng điểm. Vấn đề đặt ra ở đây là giá thành của viên đa vi chất khá cao nên chưa thể triển khai rộng khắp trên toàn quốc.

PV: VCDD được cung cấp thông qua bữa ăn hằng ngày hoặc bổ sung bằng đường uống và tăng cường vào thực phẩm. Bà có lời khuyên như thế nào để các bà mẹ có thể duy trì khẩu phần hằng ngày cho trẻ để đảm bảo đủ nhu cầu VCDD?

PGS.TS. LTH: Nguồn dinh dưỡng nói chung và các VCDD nói riêng được cung cấp qua các bữa ăn hằng ngày là rất quan trọng. Bởi vậy, bữa ăn giàu dinh dưỡng, cân đối và hợp lý là rất quan trọng. Có nghĩa là trong các bữa ăn cần có đủ 4 nhóm thực phẩm (chất đạm, chất bột đường, chất béo và các vitamin, khoáng chất) và đa dạng.

Đối với trẻ nhỏ cần được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu vì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo nhất. Sau đó, trẻ cần được ăn bổ sung vì sữa mẹ lúc này không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của trẻ đặc biệt là một số VCDD quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh ăn bổ sung và tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 18 - 24 tháng thì các bà mẹ vẫn phải cho trẻ bổ sung viên vitamin A 6 tháng một lần để phòng chống thiếu vitamin A, giúp cho trẻ phát triển tốt cả về thể lực và trí lực.  

PV: Xin cảm ơn bà!

Việt Anh(thực hiện)


Ý kiến của bạn